Nhà báo có quyền tiếp cận các thông tin mà Nhà nước không cấm

Cập nhật, 10:10, Thứ Năm, 05/11/2015 (GMT+7)

Chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông- Nguyễn Bắc Son, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi lần này là luật có rất nhiều điểm mới.

Phóng viên tác nghiệp tại hội trường Quốc hội.
Phóng viên tác nghiệp tại hội trường Quốc hội.

* Sự cần thiết phải sửa luật

Theo tờ trình, sau 16 năm thi hành Luật Báo chí đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân.

Nhiều quy định trong Luật Báo chí hiện hành đã trở nên lạc hậu, thiếu tính khả thi, đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng tình hình mới. Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 ra đời chứa đựng nhiều nội dung và tư duy mới về quyền con người, quyền công dân nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Từ những lý do trên, Chính phủ nhận thấy, để triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Luật Báo chí cần được sửa đổi, bổ sung toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc sửa đổi Luật Báo chí hiện hành là để triển khai thi hành Hiến pháp và để các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra.

Đó là các vấn đề: đảm bảo thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; quyền tiếp cận thông tin của báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí để bảo đảm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng; sức khỏe hoặc đạo đức xã hội.

* Nhiều điểm mới

Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, so với Luật Báo chí hiện hành, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có một số nội dung mới cơ bản. Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, luật triển khai thi hành điều 25 Hiến pháp 2013, ngoài chủ thể là báo chí, nhà báo, dự thảo luật đã bổ sung một số quy định mới như: Công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà Nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí; công dân có quyền được biểu đạt thông tin; tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí.

Về các nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, luật bổ sung các nội dung bị cấm thông tin trên báo chí: lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới mà chưa được kết luận, gây hoang mang trong xã hội.

Thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân. Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án.

Về liên kết trong hoạt động báo chí, Luật Báo chí hiện hành không có quy định về liên kết nội dung. Dự thảo luật đã bổ sung quy định về liên kết tại Điều 44, trong đó quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân.

Cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí.

Về lãnh đạo cơ quan báo chí, Luật Báo chí hiện hành quy định lãnh đạo cơ quan báo chí là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc (đối với báo nói, báo hình), tổng biên tập, phó tổng biên tập (đối với báo in).

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định lại chức danh như sau: người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc hoặc giám đốc thay cho chức danh Tổng biên tập như luật hiện hành; tổng biên tập, phó tổng biên tập là người phụ trách nội dung sản phẩm báo chí.

Bài, ảnh: BÙI THANH