Hiện đại hóa quản lý đất đai

Cập nhật, 06:32, Thứ Sáu, 20/06/2014 (GMT+7)

Hoàn thiện hệ thống thông tin, quản trị tốt về đất đai… là định hướng mà Vĩnh Long quyết tâm thực hiện nhằm hiện đại hóa quản lý đất đai. Song song phát huy hiệu quả của Dự án VLAP.


 Quản trị tốt về đất đai tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao kết quả bước đầu thực hiện Dự án VLAP của Vĩnh Long và đóng góp quan trọng trong việc xây dựng mô hình quản lý đất đai hiện đại.

Vận hành cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai tập trung

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, đến nay Dự án VLAP đã trang bị hệ thống mạng, các thiết bị tin học cho 6 văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐK QSDĐ) và 107 xã- phường- thị trấn; 2 VPĐK QSDĐ mẫu (VPĐK tỉnh và TX Bình Minh) được trang bị thiết bị phục vụ cho tiếp nhận và giao trả hồ sơ.
 
Tỉnh đã triển khai đo đạc lập bản đồ địa chính cho 103 xã- phường- thị trấn, với tổng diện tích hơn 132.406ha (đạt 92,47% diện tích cần đo), trong đó có 75 xã thuộc 6/8 huyện đã hoàn thành, còn 28 xã- thị trấn thuộc Long Hồ, Mang Thít đang thực hiện.

Dự kiến công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính sẽ hoàn thành và nghiệm thu trong tháng 6 đối với Long Hồ và tháng 7 đối với Mang Thít.

Vĩnh Long được đánh giá cao trong việc xây dựng hoàn thành CSDL đất đai và vận hành khai thác theo mô hình CSDL tập trung cho 5 huyện. Theo đó, toàn tỉnh chỉ có 1 CSDL duy nhất tại VPĐK QSDĐ tỉnh. Cán bộ địa chính cấp xã, cán bộ VPĐK cấp huyện, tỉnh sẽ truy cập trực tiếp và đồng thời trên CSDL này để thực hiện các tác nghiệp hàng ngày và cập nhật, chỉnh lý có biến động theo phân quyền.

Việc khai thác, vận hành CSDL đất đai liên thông ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã bước đầu chuyển biến tích cực về phương thức lề lối làm việc của cán bộ quản lý đất đai các cấp, làm tăng hiệu quả quản lý của Nhà nước. Đồng thời người dân được phục vụ tốt hơn, tiếp cận thông tin đất đai dễ dàng hơn và giảm thời gian giải quyết.

Theo quy trình CSDL thì các khâu tiếp nhận, luân chuyển, xử lý hồ sơ đăng ký giao dịch đất đai (thế chấp, chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn…), thực hiện các công việc chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, in giấy chứng nhận, lập hồ sơ trình tại VPĐK QSDĐ các cấp đều đã được thực hiện trên máy tính bằng các công cụ phần mềm ViLis 2.0.

Vì vậy, làm tăng trách nhiệm giải trình của các cán bộ, chuyên viên liên quan đến quá trình thụ lý hồ sơ, buộc họ phải thực hiện đúng thời gian của quy trình đã thiết lập.
 
Cán bộ quản lý cũng có thể thực hiện kiểm tra, theo dõi số lượng hồ sơ đúng hạn, trễ hạn. CSDL liên thông 3 cấp cũng khắc phục những hạn chế trước đây như trùng số thửa, việc cập nhật số liệu không đồng bộ dẫn đến cung cấp thông tin, tham mưu cấp thẩm quyền ban hành quyết định có sai sót.

Hiện nay, theo Sở TN-MT, trên CSDL đã có kết hợp với sự hỗ trợ của nhóm kỹ thuật thuộc Ban quản lý Dự án VLAP cấp Trung ương và Bộ TN-MT. Tỉnh đang triển khai thử nghiệm dịch vụ cung cấp thông tin đất đai qua dịch vụ SMS, tổng đài 080 hoặc qua mạng.
 
Ngoài ra, hệ thống CSDL và phần mềm ViLis đang phát triển mở rộng các chức năng, công cụ để thực hiện các quy trình giải quyết khiếu nại về đất đai, thu hồi đất, giao đất, cho thuê, chuyển mục đích…

Để phát huy hiệu quả Dự án VLAP

Ông Nguyễn Thế Dzũng- chuyên viên cao cấp chủ nhiệm dự án Ngân hàng thế giới (WB), cho rằng Vĩnh Long là tỉnh đi đầu áp dụng quy trình quản lý mới.

Chẳng hạn, đẩy nhanh tốc độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ, hiện đại hóa quản lý đất đai minh bạch và có trách nhiệm, ứng dụng phần mềm trong quy trình giải quyết khiếu nại, kế hoạch bồi thường trong thu hồi đất là rất mới. Trong khi đó, ông James Anderson- chuyên viên cao cấp WB, quan tâm vấn đề quản trị đất đai và qua đó góp phần làm minh bạch thông tin, giúp cải thiện lề lối làm việc, quản lý nhà nước.


Qua Dự án VLAP, Vĩnh Long đã tăng cường huy động sự tham gia của người dân và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá, VLAP là dự án khó, nhưng Vĩnh Long thực hiện và đã thấy những kết quả tốt.
 
Dù vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh Vĩnh Long cần phải cố gắng hơn để có kết quả tốt hơn, nhất là hoàn thành CSDL cung cấp thông tin và tạo thuận lợi nhất cho người dân. Đồng thời, Vĩnh Long cũng cần nghiên cứu cơ chế tài chính để duy trì hệ thống, tạo ý thức cho người sử dụng và phục vụ người dân tốt hơn.

Ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- cam kết chỉ đạo tích cực hơn để dự án hoàn thành đúng tiến độ; tiếp nhận và khai thác vận hành hiệu quả các sản phẩm của dự án đảm bảo tính bền vững.

Tỉnh sẽ xây dựng các mô hình chia sẻ thông tin đất đai giữa các sở ban ngành, cũng như công khai, minh bạch hóa và cung cấp thông tin đất đai theo nhu cầu. Qua đó, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, giảm bớt khiếu kiện, nâng cao trách nhiệm cơ quan TN-MT để tăng lòng tin của người dân.

Để phát huy hiệu quả của Dự án VLAP và tạo điều kiện cho Vĩnh Long quản trị đất đai tốt, UBND tỉnh cũng kiến nghị WB, Bộ TN-MT tiếp tục hỗ trợ tỉnh đầu tư một số nội dung như: hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin đất đai “đa mục tiêu” thông suốt từ xã đến huyện, tỉnh theo mô hình CSDL tập trung thống nhất, xây dựng trung tâm công nghệ thông tin thành trung tâm tích hợp dữ liệu của ngành. Nâng cấp cổng thông tin trực tuyến của tỉnh.

Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin ngành TN-MT. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính cho việc cung cấp thông tin đất đai phù hợp và đảm bảo duy trì hệ thống thông tin đất đai.

Theo UBND tỉnh, từ đầu Dự án VLAP đến nay đã giải ngân vốn IDA (vốn vay ưu đãi) được 69% và vốn đối ứng 63%. Giải ngân vốn chương trình viện trợ NZAP được 58%.

Bài, ảnh: LÝ AN