Long Hồ: Lấy “01” làm nền tảng xây nông thôn mới

Cập nhật, 14:41, Thứ Tư, 21/08/2013 (GMT+7)

Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin (VHTT) huyện Long Hồ Phạm Thị Thu Tâm cho biết: “Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, làm sao cho người dân hiểu và tự nâng cao nhận thức rằng: xây dựng nông thôn mới phải luôn luôn gắn với việc xây dựng đời sống văn hóa”.

Đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Long Hồ được triển khai sâu rộng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, chất lượng đời sống người dân được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần.

Đến nay, toàn huyện có trên 94% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 106/117 khu dân cư và 181/196 đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa. Tuy nhiên, do là địa bàn vùng ven đô thị, nên Long Hồ có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, nhưng cũng khá phức tạp về tình hình an ninh, trật tự xã hội, nạn ô nhiễm môi trường…

Long Hồ có lợi thế du lịch, góp phần phát triển kinh tế, đồng thời xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cho nông thôn.

Trưởng Phòng VHTT huyện- Phạm Thị Thu Tâm, không tránh né, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề: Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích.

Nhất là danh hiệu ấp- khóm văn hóa, thường tập trung quyết liệt để được công nhận; nhưng vài năm sau thì cảnh quan môi trường ngày càng kém đi. Có gia đình được công nhận văn hóa, nhưng thành viên tham gia đá gà, số đề, rượu chè cờ bạc, thường xuyên vi phạm các tệ nạn xã hội, mà không có chuyển biến tích cực.

Với vai trò là cơ quan thường trực của BCĐ huyện, lãnh đạo Phòng VHTT ngày đêm trăn trở, thường xuyên chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền vận động.

Đây phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. “Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, làm sao cho người dân hiểu và tự nâng cao nhận thức rằng xây dựng nông thôn mới phải luôn luôn gắn liền với việc xây dựng đời sống văn hóa. Có như vậy, nếp sống văn hóa, văn minh ở nông thôn mới được phát triển; người dân phải tích cực đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú”- bà Phạm Thị Thu Tâm khẳng định.

Vì môi trường sạch, đẹp

Long Phước là địa phương đang triển khai quyết liệt nhất vấn đề này. Nếu như trước đây, xác động vật chết thường xuyên xuất hiện trên sông, thì giờ đây mọi người đều hiểu rằng đó chính là những “ổ dịch” sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cộng đồng. Cũng như từ bỏ được thói quen cho rác vào túi ny-lông rồi vô tư quăng xuống các mương rạch quanh nhà.

Nông thôn cần được quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, hồ chứa nước hợp vệ sinh.

Chính Chủ tịch UBND xã Long Phước- Võ Hữu Phước trực tiếp dẫn tôi đi khảo sát các ấp. Đến nay, đã có 5/9 ấp có xe rác của huyện đi thu gom cách nhật. Mọi người rất vui mừng và đồng tình, khi mỗi tháng chỉ đóng có 10.000đ, để đổi lại làm sạch đẹp môi trường. Do bố trí các thùng rác còn khoảng cách hơi xa, nên có nhiều gia đình cứ chờ đúng giờ mang rác ra tận xe cho tiện.

Con đường liên ấp của Long Phước giờ nhìn rất đẹp, không còn thấy rác vương vãi, cây cối được phát quang luôn sạch đẹp. Theo ông Võ Hữu Phước, trước hết xã tập huấn cho toàn bộ 170 tổ tự quản, sau đó, tổ về họp triển khai lại cho dân.

Ông Nguyễn Văn Tâm- Bí thư ấp Phước Ngươn cho rằng: “Từ khi phát động phong trào về môi trường, các Hội Phụ nữ, Hội Nông dân kết hợp với các đoàn thể tổ chức tuyên truyền vận động bà con, dần dần đã tạo nên chuyển biến tốt. Người dân còn muốn có xe rác vào mỗi ngày. Đối với các hộ trong địa bàn sâu thì vận động bà con đào hố rác”.

Chị Võ Thị Phượng- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phước Ngươn mong muốn được bố trí thêm một số thùng rác, vì hiện giờ khoảng cách các thùng rác còn khá xa.

Trong năm 2012, Long Phước đã đạt được tiêu chí xây dựng nông thôn mới về môi trường. Xã quyết tâm giữ vững tiêu chí này. Để nó thực sự trở thành lối sống văn minh, chớ không phải là chuyện chạy theo phong trào.

“Để có điều kiện làm mới phong trào, ngành VHTT huyện Long Hồ cần được quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa ở địa phương. Cần có những chính sách ưu tiên về phát triển sự nghiệp văn hóa cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới như: Long Phước, Bình Hòa Phước, Hòa Phú”- bà Phạm Thị Thu Tâm đề nghị.

Một đồng chí nguyên lãnh đạo của huyện từng nói: Long Hồ là địa bàn vùng ven nên “giãn nở” nhiều thứ. Trong đó, có “giãn nở” tội phạm, “giãn nở” về ô nhiễm môi trường. Do đó, các địa phương của Long Hồ rất quan tâm xây dựng ý thức cho người dân về thói quen giữ gìn cảnh quan môi trường sạch đẹp. Xã Long Phước được ghi nhận là một trong những địa phương đi đầu trong công tác này.


Bài, ảnh: QUANG THUẦN