Đau đầu với ngôn ngữ teen

Cập nhật, 09:52, Thứ Hai, 11/01/2016 (GMT+7)

 

Hãy để ngôn ngữ thuần Việt gắn kết tình bạn thay vì ngôn ngữ mới khó đọc, khó hiểu.(ảnh minh hoạ)
Hãy để ngôn ngữ thuần Việt gắn kết tình bạn thay vì ngôn ngữ mới khó đọc, khó hiểu.(ảnh minh hoạ)

Nhằm rút ngắn kí tự khi nhắn tin, chat trên mạng xã hội, các bạn trẻ đã “sáng tạo” nên những ngôn ngữ mới ngắn gọn, trẻ trung nhưng làm cho người đọc khó hiểu, thậm chí là… không hiểu. Sự rút gọn và biến đổi thái quá này làm méo mó đi sự trong sáng và vẻ đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt.

Hiện nay, ngôn ngữ được gọi là teen này đang được sử dụng khá rộng rãi, đặc biệt là trong giới trẻ. Kiểu biến đổi thường gặp nhất là giản lược ngôn ngữ hết mức có thể. Nó làm cho câu chuyện trở nên vui vẻ, dí dỏm hơn, nhiều người phải bật cười khi đọc những dòng tin nhắn "sai chính tả" theo kiểu… cố tình, chẳng hạn như những từ "biết rồi, trời ơi, thôi" thường hay diễn tả những cảm xúc không vui khi đứng 1 mình, nhưng khi chuyển qua ngôn ngữ teen, cũng những cảm xúc ấy mà nhưng cách thể hiện trở nên nhẹ nhàng hơn "biết ùi, biết gồi, chời ơi, hôi..."

Đơn giản một chút thì “không” sẽ được viết thành “khog” hay đơn giản hơn là “k”, “yêu quá” thành “iu wa”, “bây giờ” thành “bi h”,…Kiểu viết này khiến cho các bậc phụ huynh và những người đã “qua” tuổi teen khó lòng mà “giải mã” được.

Còn phức tạp hơn thì chữ nghĩa bị bớt xén, cắt nối, mã hóa…không theo một quy luật nào. Một cách biến đổi được nhiều teen sử dụng đó là cách điệu ngôn ngữ bằng những kí tự đặc biệt.“Th€^? £oẠ¡ teEn cOde v¡E^t' cUng~ thA^y' vU¡², nhƯng vE^` sAu, thA^'y |

Quy tắc là đây A = Cl; B = 3 hoặc ß; C = (; D = ]); E = F_; G = (¬; H = †|; I = ]; K = ]<; L = ]_; M = /v\; N = ]\[; O = º; P = ]º; QU = v\/; R = Pv; S = §; T = †; U = µ; V = v; W = v\/; X = ><; Y = ¥ . 

Như vậy, dòng chữ phía trên sẽ được dịch lại là “thể loại teen code viết cũng thấy vui vui, nhưng về sau, thấy khi viết vừa mệt, vừa tốn thời gian. Người đọc thì đúng như kiểu bị tra tấn thị giác vậy”.

Bạn Mỹ Tuyên (TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Hồi đó lúc còn dùng yahoo blog này nọ thấy người ta viết hay hay cũng thích, đẹp nhưng đọc thì “méo con mắt”. Ngôn ngữ teen bây giờ có dạng vừa viết teencode vừa chen tiếng Anh vào theo kiểu word by word nữa đó, kiểu như “ugly tiger”- “xấu hổ quá”. Có khi sử dụng mấy cái kí tự dạng mở ngoặc đóng ngoặc không biết gọi là gì nữa. Nhưng mà bây giờ ghét dùng kiểu này cực kì luôn á”.

Bạn T.T.K.T phân trần: “Ban đầu em cũng ghét nhắn tin hay nói chuyện kiểu như vậy nhưng bị bạn bè chê quê mùa, lạc hậu riết rồi xài theo khi nào không hay nữa, giờ muốn sửa cũng khó”.

Dù để nói nhanh, viết nhanh hay vì lý do nào đi nữa thì mục đích cuối cùng là để người khác hiểu được thông tin mà mình muốn truyền đạt. Thế nhưng với "teen", ngoài đạt tốc độ nhanh, từ ngữ nào càng lạ, càng khó hiểu thì các em càng ưa chuộng, càng thích thú và cho rằng đó là “sành điệu” mặc cho người xem phải đoán già, đoán non dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai thường xuyên xảy ra. Bạn Lê Thị Hồng Gấm (Trà Ôn) bức xúc: Em năm nay mới 25 mà còn đọc không ra mấy cái tin nhắn của teen bây giờ chứ nói chi người lớn tuổi”.

Bạn Nguyễn Thị Hồng Châu (Bình Tân) cho rằng: “Ngôn ngữ teen hiện nay là khá phổ biến, nhưng các bạn sử dụng đại trà "vô tội vạ" như thế sẽ không phù hợp. Trong giao tiếp, nhất là trong lời ăn tiếng nói chúng ta phải biết sử dụng ngôn ngữ cho hợp lí, tùy từng ngữ cảnh mà linh hoạt về ngôn ngữ”.

Hồng Châu chia sẻ thêm: “Có lần, tôi được trò chuyện cùng 1 người lớn hơn mình rất nhiều tuổi, khi nhắn tin anh ta toàn nhắn theo phong cách teen khiến đôi lúc tôi không hiểu và phải hỏi lại "gato, qtqd" là gì”.

Những tưởng khi nói theo kiểu kí hiệu riêng của các bạn trẻ, là tiết kiệm kí tự, nhưng viết như thế vô tình tạo 1 khoảng cách giữa người viết và người đọc. Các bạn trẻ nên sử dụng ngôn ngữ mình yêu thích phù hợp với thời gian và không gian. Tránh trường hợp sử dụng mãi thành thói quen, ảnh hưởng đến công việc và học tập.

Bài, ảnh: LÊ NHI