Pháp chuẩn bị phương án phòng, chống dịch bệnh cho Olympic 2024

Cập nhật, 17:05, Thứ Sáu, 05/04/2024 (GMT+7)

Năm nay, dự kiến hơn 15 triệu du khách sẽ tới Pháp trong mùa Thế vận hội Olympic và Paralympic 2024. Đứng trước những rủi ro về y tế, Pháp đã sớm có những phương án phòng, chống dịch bệnh.

Thế vận hội Paris 2024 sẽ thu hút hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới về Pháp. (Ảnh: Paris 2024)
Thế vận hội Paris 2024 sẽ thu hút hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới về Pháp. (Ảnh: Paris 2024)

Kinh nghiệm cho thấy, chưa chắc các sự kiện thể thao quy tụ số lượng lớn đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới về khu vực tổ chức có thể mang theo nguy cơ mầm bệnh.

Trên thực tế, mùa giải FIFA World Cup 2014 diễn ra tại Brazil hay Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008 đều không có trường hợp nào đáng lo ngại xảy ra.

Tại Thế vận hội Mùa đông Vancouver 2010 chỉ có một vài trường hợp mắc bệnh sởi được ghi nhận và cũng chỉ xảy ra khoảng 60 ca viêm đường tiêu hóa trong khoảng thời gian diễn ra World Cup 2006 tại thành phố Munich (CHLB Đức).

Theo số liệu công bố trong tháng 1 vừa qua của Văn phòng Du lịch Paris, Pháp dự kiến sẽ đón 11,3 triệu du khách tới thủ đô Paris trong dịp Thế vận hội Olympic diễn ra từ ngày 26/7 đến ngày 11/8.

Sau đó là 3,9 triệu du khách đến Thế vận hội Paralympic được tổ chức từ ngày 28/8 đến ngày 8/9. Khoảng 40% trong số đó đến từ các địa phương khác nhau của Pháp bên ngoài vùng thủ đô Ile-de-France, còn du khách quốc tế ước tính ở mức 13%.

Kiểm soát tốt bệnh sốt xuất huyết

Tại Pháp, muỗi vằn bắt đầu xuất hiện từ 2004, mang tới nhiều nguy cơ mầm bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và bệnh chikungunya. Arbovirus là loại virus lây truyền qua động vật chân đốt, trong đó có muỗi, gây ra các bệnh lây lan từ người bị nhiễm ra người khỏe.

Các nhà chức trách theo dõi sát sao bệnh sốt xuất huyết, một căn bệnh có biểu hiện sốt cao và trong một số trường hợp rất hiếm có thể trở nặng gây nguy cơ đe dọa tính mạng.

Vào năm 2023, thủ đô Paris đã ghi nhận hơn 2.000 trường hợp nhập cảnh là những du khách quốc tế hoặc người dân đi du lịch mang virus từ nước ngoài. Cùng với đó, Bộ Y tế cộng đồng Pháp đã xác định 45 ca nhiễm sốt xuất huyết trong nước.

Muỗi vằn được tìm thấy ở ít nhất 71 vùng trên toàn nước Pháp, bao gồm tất cả những nơi sẽ diễn ra các cuộc thi Olympic, không kể các khu vực tại miền Bắc.

Đồng thời, 2024 được dự đoán là năm đỉnh điểm của bệnh sốt xuất huyết tại Mỹ Latin và quần đảo Antilles thuộc vùng biển Caribe.

Tổ chức Y tế Liên lục địa châu Mỹ cho biết, đã có hơn 3,5 triệu trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại khu vực này ngay trong quý đầu tiên của năm 2024, gần bằng con số 4,5 triệu ca nhiễm của nơi này trong cả năm 2023.

Trong một bài phỏng vấn trên báo Le Monde (Pháp) xuất bản ngày 3/4 vừa qua, nhà côn trùng học Didier Fontenille, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Viện nghiên cứu phát triển và là thành viên của Ủy ban Giám sát và dự đoán rủi ro y tế Pháp (Covars), cho biết 2023 là năm không mấy thuận lợi cho loài muỗi tại Pháp, do hạn hán và nắng nóng thường xuyên diễn ra.

Ông Didier Fontenille cũng không chắc chắn rằng những tình huống tương tự sẽ lặp lại trong năm nay. “Điều đó sẽ phụ thuộc một chút vào tình hình thời tiết, nhưng Thế vận hội lại có chương trình tổ chức kéo dài khá lâu và diễn ra ở một số thành phố khác nhau”, ông Didier Fontenille nhận xét.

Các biện pháp phòng ngừa đã được đưa ra, trong đó có công tác tuyên truyền loại bỏ các vật dụng giữ nước cho phép thúc đẩy sự sản sinh của ấu trùng muỗi. Hơn 20 đợt phun thuốc diệt côn trùng trong phạm vi một số con phố chung quanh nơi cư trú của những ca mắc bệnh arbovirosis trong năm 2023 đã được Cơ quan Y tế vùng thủ đô Ile-de-France tiến hành.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo Bộ Nông nghiệp Pháp, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng triệu bữa ăn được phục vụ trong và chung quanh các địa điểm tổ chức Thế vận hội cũng là một bài toàn lớn.

Các nhà cung cấp bữa ăn cho vận động viên, nhà báo, tình nguyện viên và nhân viên Thế vận hội phải được đặt dưới sự kiểm soát có hệ thống. Các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống dành cho khán giả và du khách phải tuân thủ “các biện pháp kiểm soát có mục tiêu và tăng cường theo phân tích rủi ro tại chỗ”.

Theo bà Maud Faipoux, Tổng cục trưởng Tổng cục Lương thực của Bộ Nông nghiệp Pháp, các cuộc thanh tra có mục tiêu chuẩn bị cho Thế vận hội đã được tiến hành từ năm 2023 và “được triển khai rầm rộ” kể từ tháng 1 năm nay.

Đến cuối tháng 4/2023, 100 cuộc thanh tra đã được thực hiện trong khu vực vùng thủ đô Ile-de-France và 18 cơ sở buộc phải đóng cửa do không bảo đảm chất lượng.

Tại các điểm tổ chức Thế vận hội, 300 đoàn thanh tra chịu trách nhiệm kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm được lập ra. Gần đây, đã có thêm 31 đoàn thanh tra được bổ sung thêm tạm thời nhằm đẩy nhanh công tác kiểm soát, trong đó có 26 đoàn sẽ nhận nhiệm vụ tại khu vực vùng thủ đô Ile-de-France.

Covid-19 vẫn đang được kiểm soát

Chia sẻ với báo Le Monde (Pháp) trong bài báo ra ngày 3/4, ông Mircea Sofonea, nhà dịch tễ học và chuyên gia nghiên cứu về sự tiến hóa của các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Montpellier nhận định, dù biết rằng nhiệt độ cao, tia cực tím và độ ẩm thấp có thể góp phần ngăn chặn sự phát triển của virus, nhưng khả năng lây truyền của nó vẫn còn quá cao.

Kinh nghiệm trước đó cho thấy tại Lễ hội Bayonne vừa diễn ra trong mùa hè năm ngoái, ngay cả khi các hoạt động vui chơi giải trí đều diễn ra ngoài trời dưới điều kiện thời tiết nắng nóng, những đám đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cùng với đó, vẫn có nhiều yếu tố khác có thể thúc đẩy sự lây lan trong giai đoạn diễn ra Thế vận hội, chẳng hạn như “số lượng người quá đông trong một không gian chật hẹp, sự suy giảm khả năng miễn dịch của người dân sau đại dịch Covid-19, sự xuất hiện của nhiều biến thể mới và biến thế phụ”, vẫn có thể khiến virus lây lan với tốc độ chưa thể dự đoán.

Trên thực tế, SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa với biến thể JN.1 và chỉ cần hơn 3 tháng để lây lan ra khắp nước Pháp trong mùa đông vừa qua.

Tuy nhiên, theo bà Brigitte Autran, thành viên của Ủy ban Giám sát và dự đoán rủi ro y tế Pháp (Covars), chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ xuất hiện thêm một biến thể mới trong thời gian tới.

“Ở giai đoạn này, Covid-19 không phải là nguy cơ khiến chúng tôi lo lắng nhất, vì chúng tôi đã được đào tạo thường xuyên và có khả năng ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát”, bà Marie Baville, Giám đốc Trung tâm Khủng hoảng Y tế thuộc Cơ quan Quản lý y tế chung (DGS), cho biết và thông báo rằng virus vẫn “đang được theo dõi thường xuyên”.

Bên cạnh đó, một chiến dịch tiêm chủng tăng cường miễn phí dự kiến được tổ chức từ ngày 15/4 đến ngày 16/6, ngay trước kỳ Thế vận hội, hướng đến những người già trên 80 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, người đang công tác tại các cơ sở lưu trú dành cho người già phụ thuộc và bất kỳ ai có nguy cơ rất cao do tình trạng sức khỏe cá nhân của họ.

Tăng cường biện pháp chống say nắng

Ngoài nguy cơ bệnh lây lan, một trong những mối quan tâm chính của kỳ Thế vận hội 2024 là nguy cơ mắc các bệnh liên quan thời tiết nắng nóng. Với nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng, xuất hiện các mối đe dọa sức khỏe con người liên quan đến thời tiết như say nắng. Do vậy cần phải có các biện pháp mạnh mẽ để giảm thiểu rủi ro.

Ngoài các trạm cung cấp nước sạch hay những khu vực tránh nắng nóng, Ban tổ chức cũng chú trọng tới sức khỏe và sự an toàn của người tham gia, nhất là tại các sự kiện ngoài trời. Đội ngũ y tế phải được đào tạo để nhận biết sớm các dấu hiệu say nắng, từ đó sơ cứu nạn nhân ngay trước khi chuyển đến bệnh viện.

Báo Le Monde (Pháp) cũng cho biết, ở thành phố Montpellier (miền nam nước Pháp), các nhà nghiên cứu đang phát triển những bộ trang phục tập luyện thích ứng với điều kiện thời tiết có diễn biến nhiệt độ tăng cao trong tình hình mới và xem xét thêm các biện pháp để bảo vệ con người khỏi những tác động tiêu cực của nắng nóng.

Sức khỏe hô hấp và nguy cơ ô nhiễm không khí

Tạp chí liên ngành toàn cầu về các vấn đề sức khỏe Lancet Planetary Health đã xếp hạng thứ tư đối với Paris trong danh sách các thành phố châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí gây tử vong. Paris ghi nhận hàng nghìn ca tử vong sớm mỗi năm do các bệnh trầm trọng về đường hô hấp gây ra bởi chất lượng không khí kém.

Với việc quy tụ hàng triệu vận động viên, du khách và nhà báo trong Thế vận hội 2024, vấn đề ô nhiễm không khí càng được quan tâm hơn. Chính quyền Paris tiến hành các biện pháp kiểm soát khí thải nghiêm ngặt, thúc đẩy giao thông công cộng bền vững và tăng cường không gian xanh có thể cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong Thế vận hội.

Theo trang tin của Viện nghiên cứu đại học Pierre-Simon Laplace (IPSL), những máy hút bụi ô nhiễm sẽ được lắp đặt thử nghiệm tại quảng trường trong khuôn viên làng vận động viên ở thành phố Seine-Saint-Denis (ngoại ô phía bắc Paris). Nhưng đó cũng mới chỉ là biện pháp tạm thời và trong cục bộ một khu vực.

Ông Sébastien Racinais, Giám đốc phụ trách các vấn đề môi trường tại Trung tâm nguồn lực chuyên môn và hiệu suất thể thao (CREPS) tại thành phố Montpellier cho biết, Thế vận hội Paris 2024 sẽ là một cuộc thử nghiệm toàn diện mới về các phương pháp cải thiện khả năng chống chịu của các vận động viên.

Nhắc tới chiến dịch nghiên cứu Pollusport mới được triển khai gần đây nhằm xem xét các ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới các vận động viên, ông Gilles Forêt, giảng viên và nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm đa dạng về hệ thống khí quyển (LISA) chia sẻ trên trang tin của IPSL: “Nghiên cứu của chúng tôi liên quan đến các vận động viên chuyên nghiệp có trình độ cao, nhưng chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ có thể đưa ra những khuyến nghị hữu ích cho tất cả những người chơi thể thao trong thành phố”.

Theo MINH DUY/Báo điện tử Nhân dân