Về Tường Lộc nghe mùi bánh tráng thơm

Cập nhật, 05:27, Thứ Tư, 14/02/2018 (GMT+7)

Trong cơn gió se se lạnh của những ngày giáp tết, chúng tôi vừa đến ấp Nhà Thờ (xã Tường Lộc- Tam Bình) đã nghe sực nức hương thơm của bánh tráng giấy Tường Lộc.

Đường đến làng nghề được bao bọc bởi những nhánh sông nên cách đi gần nhất là qua phà. Những chuyến phà chở bánh, chở bột,… chở cả tình yêu nghề của người dân nơi đây.

Đổ bánh xếp quặng không chỉ nhanh nhẹn, người thợ còn phải khéo tay.
Đổ bánh xếp quặng không chỉ nhanh nhẹn, người thợ còn phải khéo tay.

Thoang thoảng trong gió, mùi bánh nướng thơm lừng…

Những người đầu tiên làm bánh tráng giấy ở Làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc cho biết, họ đã gắn bó với nghề từ hơn 30 năm nay. Ông Thều Văn Hớn (Tư Hớn)- Chủ nhiệm làng nghề nhớ lại: “Hồi mới giải phóng, bà con ở đây đã bắt đầu làm bánh tráng giấy”.

Thế là từ một vài hộ làm bánh “sống được” cả xóm chuyển sang làm bánh. Ông Tư Hớn nói thêm: “Cái ấp nhỏ xíu mà dân đông, không có đất sản xuất, nhiều hộ chỉ có cái nền nhà nên làm bánh là nghề để mưu sinh, để thoát nghèo của nhiều người”.

Vậy là hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định nhờ nghề làm bánh tráng xếp. Ngoài những người thợ ngồi lò trực tiếp tráng bánh còn có các công đoạn như pha chế bột, đóng gói, giao hàng nên không khí làng nghề thường hối hả, đông vui.

Đôi tay vẫn thoăn thoắt trên 3 chiếc khuôn điện, cô Nguyễn Thị Thắm cho hay: “Tui đổ bánh thuê cũng gần 15 năm rồi”.

Gia đình cô Thắm có vỏn vẹn 2 công vườn nên một mình chồng cô đã có thể làm được. Cô Thắm đi đổ bánh đều đặn mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng. Cô khoe: “Cũng nhờ cái nghề đổ bánh này mà tui nuôi con đi học, giờ con đi làm hết rồi”.

Nghề đổ bánh cộng với tiệm tạp hóa nho nhỏ cũng là nguồn sống và nuôi các con ăn học của gia đình cô Nguyễn Thị Thu.

Bánh xếp quặng tròn đều như những đóa hoa.
Bánh xếp quặng tròn đều như những đóa hoa.

Cô Thu kể về một thời nhà làm lò bánh với chục thợ, bánh xếp quặng nhà cô đi khắp các tỉnh miền Tây này. Còn bây giờ thì “tui làm gọn lại, bánh đi Trà Vinh và Bến Tre thôi, vì 2 con lớn lên đi học rồi đi làm hết, không có người phụ giúp trông coi”.

Đối với cô Nguyễn Thị Kim Xuyến thì nghề đổ bánh đã gắn với cô cả chục năm nay, mỗi ngày tầm 3 giờ sáng là cô đã có mặt tại nhà cô Thu để bắt đầu một ngày làm việc.

Cô Xuyến nói: “Giờ đổ khuôn điện mát mẻ hơn nhiều so với lò củi hồi trước. Tui cũng lớn tuổi rồi, không đổ bánh thì… thiệt không biết mần gì ra tiền”.

Nhìn từ trên xuống, bánh xếp quặng như một đóa hoa hồng, còn nhìn ngang thì giống như một cái quặng giấy. Bánh không chỉ đẹp mà còn rất giòn, thơm, béo ngọt.

Cô Thu cười, cho biết: “Bánh này là hút hàng nhất ở đây, có năm giáp tết giao hàng không kịp, mỗi ngày chồng tui phải đi 2- 3 chuyến”.

Người phát triển nghề

Từ sản phẩm đầu tiên đó, những người dân làng nghề đã học hỏi và làm ra nhiều loại bánh mới. Cũng từ những nguyên liệu quen thuộc như bột gạo, bột mì, mè đen, đường cát, nước cốt dừa mà cho ra đời: bánh xếp quặng, bánh xếp ngò, bánh ống, bánh sâm banh,… và gần đây là bánh dúng, bánh xếp quặng mặn.

Em bé ở làng nghề đang “nhỏm nhẻm” cái bánh xếp quặng thơm ngon mới ra lò.
Em bé ở làng nghề đang “nhỏm nhẻm” cái bánh xếp quặng thơm ngon mới ra lò.

Cô Thu còn nhớ cái “căn nguyên” chuyện học làm bánh xếp quặng- loại bánh hiện nay được sản xuất nhiều nhất ở làng nghề này- là do em gái Nguyễn Thị Thu Thủy học được, khi theo chồng về Trà Vinh.

Cô Thu cười: “Nhỏ em gái tui chỉ cho tôi làm rồi thấy ngon, khách chuộng, bà con quanh đây cũng bắt đầu làm thêm bánh quặng”.

Nay thì không chỉ có bánh xếp quặng, bánh tráng xếp, bánh ngò, bánh ống… cô Thu mới làm bánh dúng và chú Tư Hớn thì làm bánh xếp quặng mặn.

Chú Tư nói: “Bánh này ai đặt tôi mới làm, tết năm rồi hút hàng lắm vì uống chút bia ăn bánh mặn này là ngon “bá chấy” luôn”.

Chú Tư nhớ về cái “thuở ban đầu” gian khó đi bán bánh, tiệm nào ông cũng chào hàng, từ tỉnh này sang tỉnh nọ. Một lần may mắn ông tìm được đại lý phân phối ở Bến Tre và được đặt bánh dài hạn tới giờ.

“Đại lý đó có con rể là đại lý ở Tiền Giang, nên tôi bắt mối Tiền Giang luôn”- chú Tư cười tươi, nói thêm- “Mình làm bánh ngon là người ta ăn hoài”.

Cô Lê Thị Chính- vợ chú Tư Hớn- đã 40 năm gắn bó với nghề làm bánh.
Cô Lê Thị Chính- vợ chú Tư Hớn- đã 40 năm gắn bó với nghề làm bánh.

Một tin vui nữa cho làng nghề là nhiều hộ đã được đầu tư bình điện hạ thế để đổ bánh bằng khuôn điện “vừa an toàn vệ sinh, lại mát mẻ, thợ đổ lúc nào cũng được”- cô Xuyến nói.

Làng nghề giờ đây không chỉ thơm hương bốn mùa mà còn tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình.

Bánh tráng xếp của Làng nghề Bánh tráng giấy Tường Lộc được bầu chọn là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long nhiều năm liền.

Làng nghề Bánh tráng giấy Tường Lộc cứ vậy mà phát triển, từ cái thời nhồi bột, nạo dừa đến chai tay, bây giờ thay bằng máy trộn bột, lò nướng điện. Rồi cũng từ làng nghề ấy mà nuôi nấng những người con ăn học thành tài, nhiều gia đình sung túc và những căn nhà mới lại mọc lên.

Ông Phan Văn Út- Phó trưởng Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Tam Bình- cho biết: Trong năm 2018, chúng tôi sẽ vận động bà con làng nghề thành lập hợp tác xã để tạo đầu ra ổn định, sản phẩm đồng đều về chất lượng, tăng uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của làng nghề là cần có đường dây hạ thế cho tất cả các hộ đều có thể đổ bánh bằng điện.

Bài, ảnh: VĨNH PHÚC