Đi một ngày đàng, học một sàng... bánh

Cập nhật, 12:04, Chủ Nhật, 04/02/2018 (GMT+7)

Chỉ là những món ăn bình dân, song điều gì làm cho bánh tráng cù lao Mây, tàu hủ ky Mỹ Hòa hay bánh pía Vũng Thơm được nhiều người biết đến, từ chợ làng bước ra thị trường rộng mở? Chúng tôi đi tìm “bí kíp” của những món ngon “hễ ai ăn là nhớ hoài” nằm bên bờ sông Hậu.

Tàu hủ ky Mỹ Hòa, bánh tráng cù lao Mây

Từ năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa- Bình Minh”. Trong ảnh: Đoàn khảo sát Tỉnh ủy khảo sát thực tế tại làng nghề tàu hủ ky.Ảnh: XUÂN TƯƠI
Từ năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa- Bình Minh”. Trong ảnh: Đoàn khảo sát Tỉnh ủy khảo sát thực tế tại làng nghề tàu hủ ky.Ảnh: XUÂN TƯƠI

Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa trăm năm ở TX Bình Minh (Vĩnh Long) đang vận động để thích ứng, tồn tại và phát triển.

Ông Đinh Công Hoàng- Chủ nhiệm Tổ hợp tác Tàu hủ ky Mỹ Hòa cho biết, từ món ăn của nhà nghèo, tàu hủ ky đã trở thành đặc sản của làng nghề.

Tàu hủ ky là nguyên liệu để làm nhiều món ăn cả chay lẫn mặn lạ miệng nên được thị trường miền Tây, miền Đông ưa chuộng.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), hiện làng nghề có 40 hộ và các lò đều đã nâng công suất lên.

Mỗi ngày sản xuất khoảng 4 tấn tàu hủ ky các loại: tàu hủ miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô, cọng non, tàu hủ ky ướp muối,…

Việc giữ gìn nghề cùng cách chế biến truyền thống đồng thời thay đổi theo thị trường, tàu hủ ky đặc biệt chú ý vệ sinh an toàn
thực phẩm.

Ông Đinh Công Hoàng thông tin vui: “Sản xuất tàu hủ ky năm 2017 tốt lắm, tôi ước tính sản lượng tăng 15- 20% so năm trước. Người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sản phẩm của mình chế biến từ đậu nành 100% và không dùng chất bảo quản. Các lò tàu hủ ky đã chuyển sang nấu bằng nồi inox, cho ra miếng bánh sáng màu, ai nhìn cũng muốn ăn liền”.

Hơn nữa, ông Hoàng tự tin lẫn tự hào cho biết trên thị trường hiện nay dễ dàng nhận biết logo “Tàu hủ ky Mỹ Hòa- Bình Minh”, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2013. Và năm 2017 đạt giải thưởng sản phẩm tiêu biểu ĐBSCL.

Ở cuối nguồn sông Hậu, chúng tôi tới miền bánh tráng cù lao Mây (ấp Tân Thành, xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn).

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại, làng nghề bánh tráng cù lao Mây mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm sản phẩm: bánh tráng nem, bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng,… 

Bánh được làm thủ công, với nguyên liệu từ bột gạo. Chúng tôi “cũng muốn ăn liền” chiếc bánh bột gạo “nhỏ mà có võ”, làm nên nhiều món ăn hấp dẫn, độc đáo của ẩm thực đồng bằng.

Bánh có vị mặn vừa, gói với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm me hay tương xay ăn rất ngon, vừa mềm vừa dẻo.

Bánh tráng cù lao Mây có từ lâu đời và đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống năm 2009.Ảnh: XUÂN TƯƠI
Bánh tráng cù lao Mây có từ lâu đời và đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống năm 2009.Ảnh: XUÂN TƯƠI

Chiếc bánh tráng trong ký ức những người phụ nữ “lúc nào cũng muốn bánh mình làm ngon nhứt”. Theo lời bà Lê Thị Gấm (Ba Gấm, 86 tuổi): “Cứ 5- 7 bữa, tụi tui xuống xuồng qua Trà Ôn, chất bánh lên đầy tàu hàng đi Cần Thơ đem ra chợ bán. Người ăn khen bánh ngon mà còn đẹp. Cực mà vui lắm”.

Và những người nối nghiệp gia đình như ông Lương Văn Thông- Chủ cơ sở Lệ Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bánh tráng cù lao Mây, cũng không ngờ “hồi đó bánh làm bán chợ vườn, đâu nghĩ ngày nay bánh tráng cù lao Mây đi khắp cả nước, theo chân Việt kiều tới Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Pháp…”

Bánh tráng cù lao Mây được phơi dưới nắng quê trong lành.
Bánh tráng cù lao Mây được phơi dưới nắng quê trong lành.

Những món bánh ngon từ làng hiện nay đang vận động để từng bước tìm được chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Tuy nhiên, vẫn cần tiếp sức để vươn xa hơn, trong đó vấn đề làm sao để món ngon làng nghề phát triển bền vững rất được quan tâm.

Năm 2017, nhiều đoàn khảo sát của HĐND tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ… đã đến thực tế các làng nghề tìm hiểu tình hình sản xuất, đề xuất giải pháp phát triển.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long- cho biết: Hội đang khởi động các điểm bán hàng đặc sản của tỉnh.

Qua đó, tàu hủ ky Mỹ Hòa, bánh tráng cù lao Mây và các sản phẩm địa phương khác sẽ có cơ hội tiếp cận khách hàng rộng rãi, thuận lợi hơn.

Bên cạnh hỗ trợ giải pháp phát triển mở rộng thị trường cho sản phẩm truyền thống, ông Nam còn đề xuất: “Đặc sản có thể chọn hướng đi khác, tuy quy mô thương mại thấp, nhưng sẽ khai thác được giá trị du lịch tại địa phương cao hơn.

Bởi các làng nghề truyền thống Vĩnh Long còn có giá trị tinh thần, văn hóa rất lớn. Khi làng nghề trở thành sản phẩm gắn kết với du lịch, không chỉ phát triển được thương hiệu mà còn góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế, ổn định xã hội”.

Đó cũng là gợi ý hay, bởi thực tế, không ít làng nghề có món bánh ngon đã làm như vậy và rất thành công. Ngay bây giờ, chúng tôi muốn cùng bạn đọc vượt sông Hậu qua miền bánh pía Vũng Thơm.

Bánh pía là “bánh bánh”

Bánh pía xuất xứ từ làng Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành- Sóc Trăng). Xứ Vũng Thơm giao thoa văn hóa của 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer và bánh pía có nguồn gốc từ người Hoa lập nghiệp ở Sóc Trăng.

Dù một số công đoạn đã có máy móc thay thế, nhưng bánh pía vẫn cần những bàn tay phụ nữ khéo léo.
Dù một số công đoạn đã có máy móc thay thế, nhưng bánh pía vẫn cần những bàn tay phụ nữ khéo léo.

“Hồi đó mấy đứa nhỏ ra chợ kêu mua bánh bánh, đọc trại ra bánh pía. Trong tiếng Hoa pía là bánh, bánh pía là bánh bánh”- bà Lương Hồng Huôn- Chủ DNTN Công Lập Thành- bảo: “Bánh pía là nghề gia truyền gia đình hơn 60 năm ở làng Vũng Thơm”.

Thị trường mở rộng, nghề bánh pía thịnh vượng làm cho làng Vũng Thơm nổi tiếng. Các lò bánh, cơ sở sản xuất nhỏ dần “nở nồi”, từ làng bánh pía mà hình thành “vương quốc bánh pía” dọc QL1 với những thương hiệu nổi tiếng: Tân Huê Viên, Công Lập Thành, Tân Hưng,…

Trong đó, những người từng làm công cho các lò bánh lâu đời, đã thành danh và tạo dựng thương hiệu riêng của mình.

Bà Thái Thị Mỹ Nhung- Chủ cơ sở Mỹ Anh- cho biết, thời trai trẻ chồng bà làm công cho các lò bánh ở Vũng Thơm, khi lập gia đình thì vợ chồng bà mới ra làm riêng. Bánh pía từ thời “gửi bán chợ làng cho người ta ăn thử”, đến nay “có mặt ở khắp đất nước và ra nước ngoài”.

Mỹ Anh là lò bánh pía còn “trụ” lại ở Vũng Thơm, nhưng cũng nhong nhóng ra lộ lớn. Do “ra quốc lộ hàng hóa thông thương, cho khách hàng dễ… nhìn thấy mình!”

Ngoài bánh pía, Vũng Thơm còn được xem là “cái nôi” của lạp xưởng, mà người dân địa phương rất tự hào: “lạp xưởng Vũng Thơm rất ngon, có tôm, có thịt nữa”.

Lạp xưởng lại là món ăn không thể thiếu trong ngày tết. Các sản phẩm món ngon địa phương rất được tỉnh Sóc Trăng chú trọng phát triển.

Những đặc sản địa phương ngày nay không chỉ tạo dựng thương hiệu nổi tiếng, mà còn góp phần giới thiệu nền văn hóa ẩm thực phương Nam đến khắp mọi miền đất nước, đưa món ngon từ làng bước ra thế giới.

Bài, ảnh: AN - THẢO