Hồi ký

Mừng Xuân Mậu Tuất nhớ Xuân Mậu Thân

Cập nhật, 13:48, Chủ Nhật, 28/01/2018 (GMT+7)

Trong không khí vui Xuân đón Tết Nguyên đán lần này của dân tộc, tôi chợt nhớ lại Xuân Mậu Thân 1968- mùa xuân quân và dân ta tổng tấn công và nổi dậy, lập nên chiến thắng có ý nghĩa lịch sử, buộc Mỹ phải xuống thang ném bom phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa và ngồi vào bàn đàm phán bí mật ở Paris để bàn việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Mùa xuân ấy, tôi công tác ở tổ trinh sát mật của biệt động TX Trà Vinh. Tổ có 3 người, gồm tôi (bí danh Bình An), anh Đặng Bá Linh (Bình Quân- nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh) và Nguyễn Huy Hoàng (Bình Thành, nguyên Trưởng Công an TX Vĩnh Long). Tôi được phân công làm tổ trưởng. Người lãnh đạo trực tiếp tổ trinh sát này là anh Quốc Bình.

Trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tổ trinh sát của tôi có nhiệm vụ dẫn đường đưa lực lượng vũ trang của ta tấn công dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình (Trà Vinh) và căn cứ Giang thuyền ở bến Bạch Đằng (gần cầu Long Bình và nhà máy đèn).

Phải nói rằng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy những quả đạn B40 và AK của ta nã tới tấp vào hang ổ địch với khí thế “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân ta.

Sau khi đưa lực lượng đánh chiếm và làm chủ nhiều vị trí trọng yếu của địch ở nội ô thị xã, tổ trinh sát của chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ đưa 1 bộ phận khác lực lượng ta truy lùng và trừng trị bọn ác ôn.

Trong số những tên nhiều nợ máu với cách mạng bị ta tiêu diệt trong những ngày này, có tên Thượng sĩ Chiêu trong hẻm nhà máy xay lúa Đông Thăng (đường Bạch Đằng) ở Khu Bốn (nay là Phường 4, TP Trà Vinh).

Đối mặt với thiếu tá Hòa và hải quân Mỹ

Theo nhiệm vụ mới, sau những ngày làm chủ nhiều vị trí quân sự của địch, lực lượng vũ trang ta trở về nông thôn.

Bằng khí thế chiến thắng và ý chí chiến đấu quên mình vì nước vì dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ta tiếp tục tấn công tiêu diệt, bứt hàng, bứt rút nhiều đồn bót địch, hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược. Qua đó, ta đã giải phóng thêm nhiều vùng mà địch kiểm soát trước đó.

Còn tổ trinh sát của chúng tôi, do yêu cầu của cách mạng nên vẫn tiếp tục ở lại thị xã. Lúc này, sau khi hoàn hồn, bọn chúng bung ra lùng sục ráo riết nội ô để tìm cơ sở ta. Chúng lục xét những gia đình có người thân tham gia chế độ của chúng.

Và sau những lần lục xét ấy, địch đều bắt không ít người dân mà đa phần là dân nông thôn từ huyện Duyên Hải, Cầu Ngang lên TX Trà Vinh lánh bom đạn Mỹ.

Tổ trinh sát của chúng tôi ở thị xã được khoảng 10 ngày- kể từ lúc lực lượng vũ trang của ta chuyển hoạt động về ngoại thành và nông thôn- thì tên thiếu tá Hòa- chỉ huy lực lượng Giang thuyền dẫn quân lùng sục đến khu vực chúng tôi đang ở. Gặp tôi, tên Hòa hỏi ngay: “Mầy ở đâu? Làm gì?…” Tôi trả lời: “Em là học sinh đang ở trọ đi học”.

Để kiểm tra tôi có đúng là học sinh không, tên Thiếu tá Hòa hỏi tiếp: “Mầy học trường nào? Hiệu trưởng là ai? Thầy nào, cô nào dạy mầy?”

Tất cả những câu hỏi của tên Hòa thì tôi đều trả lời được và không sai. Dù vậy, tên Hòa vẫn còn có vẻ hoài nghi nên tôi tiếp tục nói thêm: “Em học chung với Bạch Huệ”.

Nghe tôi nói trúng thêm tên của em vợ, tên Hòa không hỏi thêm gì nữa và cũng không vào nhà của cơ sở chúng tôi đang ở mà tiếp tục dẫn bọn đàn em lùng sục sang những nhà bên cạnh. Kể từ đó, khi dẫn quân đi lùng sục và gặp tôi thì tên Hòa không hề gặng hỏi gì nữa.

Với việc trả lời có ý “phủ đầu” ấy, tôi đã chiến thắng được tên Thiếu tá Hòa, để y không thể tiếp cận được đồng đội của tôi, bảo đảm an toàn cơ sở nuôi chứa và anh em trong tổ. Chính sự lùng sục và cho quân lính ngày đêm phong tỏa các con đường từ nông thôn ra vào thị xã nên việc liên lạc của chúng tôi với bên ngoài và ngược lại bị đứt đoạn.

Qua tin tức từ Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Hà Nội, chúng tôi biết ta giải phóng được rất nhiều địa phương trong tỉnh. Vì vậy, để bảo tồn lực lượng và nhận nhiệm vụ mới, sau khi trao đổi với anh em trong tổ, chúng tôi quyết định trở ra vùng giải phóng.

Thực hiện kế hoạch này, tôi nhờ dượng Bảy Tòng (Phạm Bá Tòng- người gốc cù lao Quới Thiện ở Vũng Liêm và cũng là cơ sở cách mạng) lấy chiếc ghe máy của gia đình dùng đi mua bán vỏ cây sắn (dùng nhuộm chài, lưới) đưa chúng tôi ra bờ sông Cổ Chiên để về ấp Long Đại của xã Long Đức (vì khi đó Long Đại là vùng giải phóng).

Được dượng Bảy Tòng đồng ý, sáng rằm tháng Giêng; sau khi đã ngụy trang cho anh em vào hầm rồi đậy lên vỏ sắn để che mắt địch (riêng tôi là được ngồi trên làm nhiệm vụ giúp việc). Đến khoảng 8 giờ, khi thấy địch lùng sục xong, dượng Bảy Tòng cho ghe máy rời bến tại vựa lu Nam Tài Lợi.

Ghe máy của chúng tôi từ thị xã chạy ra nên khi qua đồn cầu Tiệm Tương, bọn lính ở đây không ngăn chặn xét hỏi mà chỉ xét những phương tiện thủy từ ngoài chạy vào nên việc ra đi của chúng tôi thuận lợi ngoài cả dự đoán.

Bất ngờ, khi chúng tôi vừa đi ra khỏi điểm xét hỏi này khoảng 500m thì đoàn tàu sắt của địch nối nhau từ hướng ngược chiều chạy vào. Khi đến gần, tôi nhận ra trên những chiếc tàu ấy toàn là lính Mỹ.

Bọn này đăm đăm nhìn vào những chiếc tàu, ghe, xuồng đi lại trên sông Long Bình lúc bấy giờ. Khi đó, tôi không để ý xem đoàn tàu sắt này có bao nhiêu chiếc mà chỉ biết khi ghe máy chở chúng tôi ra đến vàm thì mới đứt đuôi chiếc cuối cùng.

Lúc này, nhìn trên mặt sông Cổ Chiên từ đầu trên đến đầu dưới vàm sông Long Bình gần như đâu đâu cũng thấy tàu Mỹ. Lớn có, nhỏ có; trong đó có cả chiếc tàu rất lớn, màu trắng đang đậu và có chở thêm 2 chiếc trực thăng đậu sẵn bên trên.

Những chiếc tàu nhỏ của Mỹ chạy nhanh đến mức tôi có cảm giác như nó đang bay. Vừa thấy nó bên bờ này quan sát qua lại một chút đã thấy nó có mặt bên kia bờ chặn lục xét những chiếc ghe vừa mới đến.

Vì vậy, chiếc ghe máy tải trọng hơn 10 tấn của dượng Bảy Tòng cũng không sao tránh khỏi sự kiểm tra của chúng. Chiếc tàu Mỹ xét chúng tôi không có mui. 5 tên Mỹ trên tàu đều ở trần trùng trục, 2 tên súng lăm lăm trên tay.

Khi chúng cho tàu cặp được ghe máy chúng tôi thì tên ngồi ở phía trước (có lẽ là chỉ huy) đứng lên bước sang đưa mắt nhìn chằm chằm vào trong ghe máy chúng tôi quan sát. Sau đó tên này mới lên tiếng hỏi.

Tôi vốn là học sinh Trường Trung học công lập Vĩnh Bình, tiếng Anh là sinh ngữ chính nên những câu hỏi thông thường của tên Mỹ này tôi đều dùng tiếng Anh trả lời được cả. Thấy tôi trả lời được những câu hỏi của mình bằng tiếng Anh thì nét mặt tên Mỹ ấy dường như bớt căng, sau cùng hắn hỏi tiếp tôi đi về đâu.

Tôi chỉ tay về hướng cây thánh giá nhà thờ Bảy Sang (xã Đức Mỹ) và nói: “Tôi về nhà (I to home)”. Nghe xong, tên Mỹ bước lại tàu của mình, khoát tay ra hiệu cho chúng tôi đi tiếp và nói với lại lời cảm ơn (Thank you).

Trước những chiếc tàu Mỹ nhiều và nhanh như vậy, tôi thấy không thể đảm bảo an toàn để cặp ghe máy vào ấp Long Đại và không thể quay lại thị xã, vì có thể sẽ bị bọn ở đồn Tiệm Tương lục xét.

Tôi đề nghị dượng Bảy Tòng bình tĩnh cho ghe máy chạy cặp phía Bảy Sang rồi sau đó chạy luôn về vùng giải phóng xã Quới Thiện. Thế là tất cả anh em chúng tôi đều an toàn, để rồi từ đó tiếp tục con đường phục vụ cách mạng của mình.

NGUYỄN TRỌNG LAI