Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng...

Kỳ 3: Người gieo niềm tin cho cuộc sống

Cập nhật, 13:49, Thứ Ba, 13/09/2016 (GMT+7)

Vượt chặng đường gần 50 cây số, cù lao Mây đón chúng tôi bằng những vạt bần xanh ngắt. Chúng tôi đến cù lao này với mong muốn tìm gặp Đại đức Thích Mật Tịnh- trụ trì chùa Phước Nguyên. Ngôi chùa nhỏ này nằm nép mình trong vườn cây xanh tọa lạc tại ấp Long Thạnh (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn).

Thầy Thích Mật Tịnh được biết đến là người đã gieo niềm tin cuộc sống cho rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Thích Mật Tịnh hướng dẫn bà con trong xã đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Thầy Thích Mật Tịnh hướng dẫn bà con trong xã đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Để người nghèo vơi bớt cái khổ...

Vừa đi đến đầu đường, hỏi chùa Phước Nguyên là ai cũng biết. Đó là ngôi chùa nhỏ nằm lặng lẽ bên nhánh sông Hậu yên bình nhưng lại là điểm đến quen thuộc của rất nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh.

Chúng tôi đến đây từ rất sớm và thấy đã có rất đông bà con ngồi ở ghế đá trước sân chùa. Thầy Thích Mật Tịnh từ tốn bảo: “Ngày 15 hàng tháng, chùa phát gạo cho bà con nghèo, khuyết tật trên địa bàn”. Đây là Chương trình “Hạt gạo tình thương” được thầy xây dựng từ nhiều năm nay.

Đợi sau khi xong chương trình phát gạo, chúng tôi tháp tùng cùng thầy Tịnh đến thăm chị Lê Thị Mận (ấp Long Thạnh).

Hoàn cảnh chị thật đáng thương, không chỉ khó khăn mà còn mang bệnh tật từ bé. Đây là “địa chỉ” thầy Thích Mật Tịnh giúp đỡ xây căn nhà và hỗ trợ gạo hàng tháng. Có đi, chúng tôi cảm nhận hết sự quý mến của mọi người chung quanh dành cho thầy.

Mấy đứa nhỏ trong xóm cứ quấn quýt gọi “sư phụ” để nghe thầy khen “ngoan”, còn chị Mận cũng rất mừng rỡ. “Hoàn cảnh của chị Mận đáng thương lắm, cũng may có vợ chồng đứa cháu về ở chung hủ hỉ rồi chăm sóc lúc trái gió trở trời”- thầy Thích Mật Tịnh cho biết.

Không dừng lại ở việc giúp đỡ người tàn tật, cứu chữa bệnh cho người nghèo, nâng bước những ước mơ học vấn,… thầy Thích Mật Tịnh còn lãnh các sản phẩm đan thủ công mỹ nghệ (đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ) giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi là người nghèo, người khuyết tật trên địa bàn xã.

“Tôi làm tất cả những việc đó, chỉ với ý nguyện là làm sao để người nghèo nhưng được vơi bớt đi cái khổ”- thầy Thích Mật Tịnh cười hiền chia sẻ.

Chạy len lỏi trên con đường đan nhỏ giữa khung cảnh thanh bình của miệt cù lao, chúng tôi đến nhà của bà Nguyễn Thị Phấn (82 tuổi) ngụ tại ấp Long Thạnh. Hiện, bà Phấn sống cùng 2 người con gái, một người bị tai nạn dẫn đến thiếu minh mẫn, người còn lại bị khuyết tật đôi chân. “Hồi chưa đan mấy cái này, tui đi mò hến”- bà Phấn nhớ lại.

Vốn bị bệnh tim, thoái hóa cột sống nên “nhiều khi mò hến ngâm nước cả ngày mệt dữ lắm. Nhờ thầy dạy đan rồi lãnh dây về làm, mẹ con tui tuần cũng kiếm được vài trăm ngàn, tới rằm thì qua chùa thầy giúp gạo”- bà Phấn móm mém nói.

Công việc đan giỏ tương đối nhẹ, ai siêng năng mỗi ngày cũng kiếm được kha khá, giảm bớt những lo toan hàng ngày. Bà con cho hay, “đó là nhờ thầy Tịnh giúp đỡ”. Về phần mình, thầy Thích Mật Tịnh chỉ nhận là người định hướng, “còn công sức, sự cố gắng để có thêm phần thu nhập vẫn là nỗ lực của bà con”.

“Bản thân chỉ là nhịp cầu nối…”

Ngoài hoạt động “Hạt gạo tình thương”, từ năm 2008 đến nay, chùa Phước Nguyên còn có nhiều chương trình từ thiện khác như “Mái ấm Phước Nguyên” đã xây dựng sửa chữa nhà cho các hộ nghèo; “Hội tương tế chùa Phước Nguyên” giúp mua áo quan, Tiếp bước tương lai, Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo,… với kinh phí thực hiện mỗi năm theo chiều hướng tăng dần từ vài chục triệu vào năm 2008 đến nay đã lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Để công việc làm từ thiện được trơn tru và gặt hái được thành quả, thầy Thích Mật Tịnh không ngại khó khăn đi vận động các nhà hảo tâm. Đồng thời, ghi chép sổ sách rõ ràng các khoản chi tiêu, để minh bạch với mọi người.

Là người nhà Phật, thầy quan niệm, đồng tiền phải được sử dụng đúng mục đích, đúng nơi, đúng đối tượng.

Thế cho nên, đối với các trường hợp nộp đơn xin xây dựng “Mái ấm Phước Nguyên” đòi hỏi phải có giấy xác nhận của địa phương, rồi dựa vào đó thầy Thích Mật Tịnh sẽ đích thân đi khảo sát. Nhờ sự cẩn thận và kỹ lưỡng mà nhiều năm qua, đồng tiền của nhà hảo tâm chưa bao giờ sử dụng sai chỗ.

“Hồi đầu khó khăn trong vận động, chứ giờ nhiều nhà hảo tâm tin tưởng ủng hộ thường xuyên. Tiền của nhà hảo tâm ủng hộ chương trình nào là tôi sử dụng đúng chương trình đó. Mình làm từ thiện điều sợ nhất là trao không đúng người, không đúng chỗ”.

Hơn 8 năm gắn bó với hoạt động từ thiện, thầy Thích Mật Tịnh luôn tâm niệm: “Bản thân chỉ là nhịp cầu nối giữa người cho và người nhận. Cuộc đời mình được may mắn, đó là sống trong môi trường không thiếu cơm ăn áo mặc nên phải cố gắng giúp đỡ những người khổ hơn mình”.

Để các nhà hảo tâm trong ngoài nước có thể theo dõi được các hoạt động do mình đầu tư, thầy Thích Mật Tịnh đã lập trang web www.chuaphuocnguyen.com để đăng hình, các bài viết có liên quan đến các chương trình, cũng như những hoạt động từ thiện, thư ngỏ kêu gọi đóng góp.

“Việc làm một trang web rất có ích, hễ có chương trình gì là tôi lại chụp hình đăng lên, có nhiều trường hợp khó khăn mà mình không đủ kinh phí giúp thì mình tự viết bài để những nhà hảo tâm nào thấy đồng tình thì đóng góp”.

Với tinh thần “trao cái cần câu và nếu cần thiết thì giúp đỡ con cá”, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là niềm tin vào cuộc sống. Nhờ đó mà thời gian qua, thầy Thích Mật Tịnh đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng là ý niệm mà thầy đang theo đuổi: “tốt đời đẹp đạo”. 

>> Kỳ 4: Thắp lửa cho phong trào hiến máu tình nguyện

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN