Tiếng còi tàu qua kinh Tắt

Cập nhật, 05:57, Thứ Hai, 15/08/2016 (GMT+7)

Ngược dòng thời gian cho chúng ta biết, cách đây gần 7 năm, ngày 27/12/2009, tại ấp Mù U xã Dân Thành, huyện (nay là thị xã) Duyên Hải- tỉnh Trà Vinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu qua kinh Quan Chánh Bố.

Phà qua kinh Tắt trên luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.
Phà qua kinh Tắt trên luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.

9 giờ sáng 1/7/2016, tàu Đông Thiên Phú Diamond của một doanh nghiệp Việt Nam có trọng tải 4.000 tấn lần đầu tiên từ biển vào lưu thông qua kinh Tắt để theo kinh Quan Chánh Bố vào sông Hậu cập cảng Trà Nóc chở gạo xuất khẩu đi Malaysia dưới sự dẫn dắt của hoa tiêu cảng vụ Cần Thơ.

Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu tọa lạc trên địa phận TX Duyên Hải (huyện Duyên Hải và huyện Trà Cú- Trà Vinh) có tổng chiều dài khoảng 40km gồm 4 đoạn. Đoạn 1 thuộc sông Hậu dài 6km; đoạn 2 qua kinh Quan Chánh Bố dài 19km, đoạn 3 qua kinh Tắt đào mới dài 9km và đoạn 4 kinh biển dài khoảng 6km.

Theo dự án này, từ kinh Quan Chánh Bố sẽ đào một con kinh, gọi là kinh Tắt có chiều dài 9km, chiều ngang 85m, độ sâu 6,5m (theo tài liệu hải đồ) mở đường ra biển.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc đào kinh Tắt và tiến hành nạo vét 3km đoạn cạn từ Định An vào kinh Quan Chánh Bố thì miền Tây Nam Bộ sẽ có một tuyến luồng tàu biển có thể đón tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào.

Một ưu điểm kinh Tắt trên luồng tàu vào sông Hậu là giúp cho tàu thuyền vào đến sông Hậu trong thời gian rất ngắn khi có gió bão, biển động, trong khi theo luồng Định An hiện tại phải mất hơn nửa giờ mới vào tới.

Như vậy là sau 6 năm rưỡi thi công, dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã chính thức vang lên tiếng còi tàu qua kinh Tắt.

Cả nước ta chia thành 7 vùng kinh tế nông nghiệp thì ĐBSCL là vùng châu thổ lớn nhất. ĐBSCL có 3 mặt giáp biển Đông với tổng chiều dài bờ biển gần 700km, có 9 cửa sông lớn ra biển. Trên diện tích 4 triệu hecta đất tự nhiên, có 28.000km sông rạch. Trong đó có 2 trục giao thông đường thủy chính là sông Tiền và sông Hậu- 2 nhánh của dòng Mekong kỳ vĩ tại Việt Nam.

Toàn vùng có TP Cần Thơ và 12 tỉnh trực thuộc Trung ương. Dân số 18 triệu người. Sản lượng nông nghiệp ĐBSCL chiếm: 50% sản lượng lúa, 70% lượng trái cây, 52% lượng thủy sản của cả nước. ĐBSCL đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Tuy nhiên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tỉnh ĐBSCL chưa bằng bình quân chung của cả nước.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những nghịch lý đó, theo sách “Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam” do Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2006 thì, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nhận xét, có một thời gian dài hơn 10 thế kỷ, vùng đất Nam Bộ ít được mở mang.

Hiện nay, mỗi năm ĐBSCL vận chuyển khoảng 10,5- 12,5 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, do hệ thống cảng sông, cảng biển chưa phát triển; cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui là 2 cảng lớn nhất nhì của ĐBSCL cũng chỉ mới tiếp nhận được tàu khoảng 3.000- 5.000 tấn do cửa Định An dẫn từ cảng Cần Thơ ra biển bị bồi lắng thường xuyên, độ sâu ở đây chỉ vào khoảng 6- 7m khi nước lớn và chỉ còn 3- 4m khi nước ròng, lại không ổn định.

Hàng năm, Cục Hàng hải Việt Nam phải chi từ 14- 15 tỷ đồng để nạo vét cửa Định An nhưng cũng chỉ cho tàu có trọng tải đến 5.000 tấn ra vào độ chừng vài ba tháng thì lại bị bồi lắng.

Chính vì vậy, 70- 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL phải dồn hết lên cụm cảng TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ. Điều này đã làm tăng áp lực giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và tại TP Hồ Chí Minh, gây ra tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông và các hậu quả xấu mà xã hội phải gánh chịu.

Chi phí hàng hóa tăng cao từ 170- 180 USD/container hoặc từ 7- 10 USD/tấn chi phí vận chuyển và lưu kho. Thời gian vận chuyển kéo dài, bất lợi đối với hàng nông sản. Giảm lợi thế cạnh tranh của nông sản hàng hóa ĐBSCL.

ĐBSCL được mệnh danh là xứ sở của sông rạch. Vận tải đường thủy của ĐBSCL được hình thành từ tiềm năng của sông ngòi tự nhiên.

Trên diện tích 4 triệu hecta đất tự nhiên của ĐBSCL, có 28.000km sông rạch với 9 cửa sông đổ ra biển, trong đó 13.000km sông rạch có khả năng phục vụ giao thông. Ước tính có tới 60% dân số ĐBSCL sử dụng các phương tiện vận tải thủy với trên 800.000 phương tiện.

Nếu như trên cả nước việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ chiếm 70% thì ở các tỉnh ĐBSCL vận tải thủy ngược lại, chiếm tới 70%. Giao thông thủy được xem là thế mạnh đặc thù của ĐBSCL.

Có thể nêu lên đây một vài con số ví dụ: Tỷ lệ hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy trên cả nước trung bình là 34,5% thì ở ĐBSCL là 66%; tỷ lệ vận chuyển hành khách bằng đường thủy cả nước là 15,3% thì ĐBSCL là 32%.

Theo thống kê từ năm 2005 đến năm 2008, luồng Định An đón nhận số lượng tàu và số tấn hàng hóa tăng lên hàng năm, nhưng ước tính, chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL với bên ngoài.

Do vậy, sau 20 năm nghiên cứu, tranh luận với những phản biện và cứ liệu khoa học trong và ngoài nước, cuối cùng, kinh Quan Chánh Bố trên địa phận huyện Duyên Hải, đã được Chính phủ Việt Nam lựa chọn trong nỗ lực đưa ĐBSCL hội nhập “thế kỷ kinh tế biển”.

Để có dòng kinh Tắt thông ra biển đón tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kinh Quan Chánh Bố, tỉnh Trà Vinh đã thu hồi hơn 1.000ha đất canh tác, đất thổ cư của hơn 1.300 hộ dân của 2 xã Dân Thành, Long Toàn và thị trấn Long Thành để giải phóng mặt bằng.

Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu được đưa vào sử dụng, tạo tiền đề cho miền Tây Nam Bộ hòa nhập vào tiến trình phát triển “Thế kỷ kinh tế biển” của đất nước.

 

Có thể ngược dòng lịch sử để tìm hiểu đôi chút về kinh Quan Chánh Bố. Khảo sát nhiều nguồn tài liệu xưa cho thấy, kinh Quan Chánh Bố (Trà Vinh) được đào trong 2 năm 1837- 1838 do quan bố chánh Trần Trung Tiên chỉ huy, bắt nguồn từ đồng lầy Láng Sắc chảy ra cửa Định An. Trần Trung Tiên đã được vua ban sắc thần.

 

Năm Tự Đức thứ 8, để tưởng nhớ công lao quan bố chánh Trần Trung Tiên Trà Vinh đào kinh dẫn nước sông Hậu vào đầm lầy Láng Sắc, biến nơi đây thành cánh đồng nước ngọt duy nhất trên vùng ngập mặn ven biển. Con kinh do quan Bố Chánh Trần Trung Tiên chỉ huy đào hơn 178 năm về trước chỉ rộng có 7m. Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp cho đào lại con kinh này.

 

Do con kinh dẫn nước ngọt vào đầm lầy Láng Sắc nên sau đó được nhân dân địa phương quen gọi là kinh Láng Sắc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, kinh được lấy tên một cán bộ tỉnh Trà Vinh hy sinh tại đây là kinh Nguyễn Văn Pho.

 

™Bài, ảnh: TRẦN ĐIỀN