Chuyện đi coi hát cải lương ngày xưa

Cập nhật, 16:53, Chủ Nhật, 21/08/2016 (GMT+7)

Từ năm 1945 trở về trước, người dân thiếu thốn, thiệt thòi mọi bề- nhất là văn nghệ- món ăn tinh thần- vốn rất cần thiết cho đời sống mà ai ai cũng ưa thích.

Ở nông thôn, lâu lâu mới có được một gánh hát cải lương, hát bộ về làng hát khi cúng đình, miếu. Đoàn cải lương thường đi bằng ghe chèo chuyên chở đồ đạc và đào kép thường đến hát trong sân chùa, sân đình, miếu.

Họ dùng tấm mê bồ chiếc đệm bong rạp che bên ngoài, còn bên trong sân khấu dựng lên bằng cây ván, hát chỗ này xong thì tháo ra chở đi nơi khác dựng lại.

Đâu đó chuẩn bị xong, họ dùng ghe nhỏ chèo đi “rao bản” giới thiệu tuồng. Trên ghe là một cái trống chầu lớn, đánh dài dài trên dòng sông báo cho bà con biết để đi coi hát.

Rồi dùng cái “loa” làm bằng giấy cứng đầu lớn, đầu nhỏ, đọc lên giới thiệu tuồng, giới thiệu tên đào kép. Còn tại rạp, lúc 4- 5 giờ chiều là bắt đầu đánh trống chầu cho thật to, dù xa hơn cây số vẫn nghe.

Nhiều người nghe tiếng trống đã nôn nao trong bụng, làm nhanh hết công việc để tối đi coi hát. Bán vé vào cửa xong, 7 giờ tối mở màn trình diễn. Bên ngoài, đã dứt tiếng trống.

Giờ chỉ còn nghe tiếng đờn ca, xướng hát bên trong, dưới ánh đèn măng xông khi mờ khi tỏ, khi đỏ, khi xanh bởi họ dùng giấy màu bao quanh đèn. Nếu tuồng hát dài khoảng 3 tiếng thì hát 2 tiếng rưỡi là “thả giàn” cho nhiều người không tiền còn đứng bên ngoài vào coi ké.

Còn mấy thằng con nít đi lòng vòng xung quanh rạp coi chỗ nào trống lén chung vô coi cọp. Phục vụ người đi xem hát, bà con bán chè, cháo gà, cháo vịt, rượu đế lai rai, lại thêm bắp nấu, khoai lang, khoai mì, đậu phộng, mía v.v…

Ngày xưa sự đi lại quá khó khăn, đường đất sình lầy, trơn trợt, cầu khỉ, cầu tre lắt lẻo. Ở gần đi bộ, ở xa phải dùng ghe xuồng. Muốn đi coi hát, lối xóm, láng giềng rủ nhau cùng đi, rồi nấu cơm ăn sớm, dọn dẹp đồ đạc nhà cửa đàng hoàng.

Nhiều bà con còn đem theo giỏ đựng trầu cau, các cụ ông lận lưng theo bao thuốc rê hút cho đỡ buồn ngủ, đỡ muỗi cắn. 5- 10 người đi một ghe, tùy ghe lớn nhỏ, đến đậu dài dài theo bờ sông như bến chợ.

Có lần đoàn cải lương BB diễn tuồng “San hậu”, đến đoạn Tạ Ôn Đình rượt vua Tề chạy “xất bất”, bà cụ già thấy vậy ra ngoài sau lấy khúc cây nhảy lên sân khấu vừa khóc, vừa chưởi: “Đồ phản chúa” rồi rượt đập Tạ Ôn Đình bể mão khiến Tạ Ôn Đình đứng trơ làm khán giả một phen cười vỡ bụng.

Vãn hát mọi người xuống nge, xuồng chèo, bơi về, nói chuyện râm rang cả dòng sông, khen anh kép chánh ca hay, mùi, khen cô đào đẹp, có duyên làm khán giả mê mệt, anh hề giễu cười nôn ruột…

Về nhà, đi lao động ngoài ruộng ngoài vườn đâu đâu cũng nghe bà con bàn tán hát cải lương, tuồng này hay, tuồng nọ hấp dẫn, tuồng kia nghe quá đã v.v… 4- 5 đêm hát là họ có mặt đầy đủ mấy đêm.

Vì lúc bấy giờ văn nghệ, đờn ca, xướng hát rất hiếm, có chỗ gần như không có, nên người dân rất ái mộ và khao khát coi hát bội, cải lương.

Những năm đó, dân nghèo, nhiều đoàn hát “bầu tèo” cũng nghèo lắm, đi hát trong xóm, trong làng kiếm gạo.

Người có tiền thì mua giấy vào cửa, không tiền đem vài lít gạo, mớ cá, trái bầu,… đổi một đêm hát cũng xong. Sự đi coi hát ngày xưa khó khăn, vất vả là vậy. Vậy mà gánh hát về làng dù bận rộn việc gì cũng sắp xếp đi cho được và thích thú vô cùng.

Những khi mưa dầm không hát được thì đình chùa giúp đỡ gạo cho gánh hát qua bữa. Còn mấy anh kép mượn “ống trúm”, tối ra đồng đặt bắt lươn, hay đi soi cóc, ếch, nhái. Đổng Trát, Lữ Bố đi bắt cua, mò hến. Thương nhất là mấy cô đào trẻ, móng chân đỏ chót lội ra đồng hái rau đậu, rau lang… để dùng đỡ qua ngày.

Đời nghệ sĩ lăn lóc gió sương, vất vả vì yêu nghệ thuật, cái nghiệp cầm ca là như vậy mà vui. Vì có đào, có kép sống tập trung quấn quýt bên nhau, có khi thuận tình hợp ý thì thành vợ thành chồng cùng xuôi ngược trên sông nước giang hồ.

Ngày nay, kỹ thuật hiện đại nền văn nghệ của nước ta phát triển đến mức cao. Ở tại nhà mở truyền hình coi nào là cải lương, đại nhạc hội, văn nghệ quần chúng, vầng trăng cổ nhạc, âm nhạc…, với chất lượng hình ảnh, âm thanh rất tốt, có khi còn được xem truyền hình trực tiếp nữa, khỏi đi đâu xa mệt nhọc.

THANH NHÂN