Mùa cá linh về!

Cập nhật, 16:12, Thứ Ba, 06/09/2016 (GMT+7)

Bạn tôi người Kiến Tường (tỉnh Long An), nhà ở bên bờ kinh Bắc Chan, nơi có truyền thống văn hóa dựa vào thiên nhiên, hàng năm, cứ đến tiết tháng bảy âm lịch là ai nấy ngóng đợi cá linh về.

Bạn ra Hà Nội công tác, cứ vào tiết tháng sáu, tháng bảy là nôn nao điện hỏi tôi “trong mình có cá linh chưa?” và dặn tôi, nếu có cá linh non, điện cho biết để bạn kiếm cớ bay vào ăn một bữa “cá quê hương” cho đã thèm.

Lẩu cá linh, bông điên điển
Lẩu cá linh, bông điên điển

Người dân Đồng Tháp Mười quá biết, lũ về, cá linh non sẽ theo nước lên đồng với rong rêu, cỏ mục để tự vỗ béo. Khi nước trên đồng rút, cá linh cũng rút vào kênh, rạch để về sông. Đây là lúc người dân đua nhau đưa ngư cụ ra đón đầu từng luồng cá linh đang độ trưởng thành. Lứa cá ấy nếu chưa bị bắt, chúng sẽ lần theo dòng chảy lên thượng nguồn để rồi sau đó tìm đến các bãi đẻ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Huỳnh, cá linh non quy tụ nhiều ở vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn xung quanh Biển Hồ (Campuchia) và châu thổ sông Cửu Long (Việt Nam). Đến cuối mùa mưa, cá sẽ kéo về sông lớn rồi kết bầy cùng di chuyển ngược lên thượng nguồn.

Cá ở Đồng bằng sông Cửu Long thì lên đến vùng ngã ba sông Tonle Sap và Mekong (phía Campuchia). Cá ở vùng Biển Hồ có thể theo 2 nhánh sông Tonle Sap để vào sông Mekong và lên đến tận khu vực thác Khone; còn cá ở các vùng phía trên sông Mekong có thể di chuyển đến tận vùng ba biên giới Lào, Thái Lan và Myanmar.

Mùa cá linh sinh sản là tháng tư, tháng năm - thường là lúc mùa mưa bắt đầu. Cá trưởng thành thì vào các lưu vực của sông có nước chảy yếu để đẻ trứng. Cá con nở ra sẽ lần theo mực nước sông rồi lên đồng kiếm ăn như đã nói trên đây và cứ thế mà chúng quay vòng theo mùa.

Cá linh kho mía. Ảnh: internet
Cá linh kho mía. Ảnh: internet

Mấy năm nay, cá linh xuống trễ do biến đổi khí hậu, mưa trễ và lượng mưa ít. Năm nay, mãi tới cuối tháng bảy âm lịch, cá linh mới xuống vùng Đồng Tháp Mười mà miệt Tân Hưng, Vĩnh Hưng được hưởng sớm. Cá linh về cũng là lúc lũ bắt đầu đổ xuống các vùng hạ lưu sông Cửu Long.

Còn nhớ lũ năm 2000, cá linh cứ theo lũ cuồn cuộn lên đồng. Khi ấy, tôi lội nước từ đập Bình Châu về thị trấn Vĩnh Hưng. Đường đắp sỏi đỏ bị lũ “bứt” rời từng đoạn, nước từ Kênh 28 tuôn qua bên đây đường như thác đổ. Người dân ở dọc đường đặt các dụng cụ hứng cá linh ở những chỗ lở ấy.

Cá đầy thau, đầy thúng thì khiêng vào nhà đổ rồi ra bắt tiếp. Người giăng lưới bén dính cá dồn cục, phải cuốn lưới đưa vào nhà mà gỡ. Mấy chỗ đóng lưới đáy trên kênh, trên sông phải xả bỏ bớt vì cá đầy miệng đáy. Khối lượng cá linh khổng lồ như thế cứ ồ ạt tràn xuống Đồng Tháp Mười.

Nghe nói ngày xưa Đồng Tháp Mười còn hoang hóa, tới mùa cá linh, người bán không cân ký mà đong bằng cái giạ đong lúa mới xuể. Mùa lũ năm 2000, đến cận Tết Âm lịch mà ở miệt Tân Thạnh, Thạnh Hóa vẫn còn nhiều đám dân chài với từng dãy ghe xuồng chất đầy lu, hũ, khạp đựng mắm cá linh để dong về quê ăn tết.

Họ từ miệt Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp), theo nước lũ đầu mùa đổ về Đồng Tháp Mười mà vào vụ đánh bắt cá linh rồi đem làm mắm tại chỗ, đến cuối vụ mới đưa sản phẩm về quê tiêu thụ để kịp ăn Tết Cổ truyền.

Cá linh và bông điên điển là 2 đặc sản trong mùa nước nổi. Ảnh: Internet
Cá linh và bông điên điển là 2 đặc sản trong mùa nước nổi. Ảnh: Internet

Sau lũ năm 2000, Đồng Tháp Mười còn đón một số trận lũ lớn, lũ nhỏ có lúc đến lia chia, và cá linh cứ thế, đến hẹn lại xuống đều đều. Thế nhưng, từ năm 2010 trở đi, hết ElNino tới LaNina, biến đổi khí hậu không biết đâu mà lường, lũ mỗi năm một ít dần, cá linh cũng từ đó mà lần hồi thưa thớt. Năm rồi cũng thế mà năm nay cũng vậy!

Năm nay, qua rằm tháng bảy, đi Vĩnh Hưng, Tân Hưng, tôi đều nghe nông dân kêu trách không phải ông trời, mà trách mấy ông ở đầu nguồn nhẫn tâm "chặt" sông Mekong ra từng khúc làm thủy điện, chặn cả nguồn thủy sản lẫn phù sa mà hàng ngàn đời nay vẫn xem là "lộc trời" ban cho con người ở vùng hạ lưu sông Mekong. Nông dân ta bây giờ thường lên mạng tìm kiếm thông tin.

Sông Mekong có bao nhiêu đập thủy điện, do những ai làm ra, nông dân đều biết. Nước Lào mới khởi công xây đập thủy điện khu vực thác Khone. Đây là nguy cơ làm cạn kiệt nguồn thủy sản và phù sa cho vùng hạ lưu sông Mekong, theo dự báo của các nhà chuyên môn.

Hôm rồi, đi thị xã Kiến Tường, tôi được đãi một bữa đặc sản cá linh. Nào cá linh chấy dầu thành từng bánh bằng bàn tay cuốn với rau thơm, bông súng, bông điên điển, chấm nước mắm thấm, nhai giòn rụm. Nào cá linh kho lạt với củ nghệ tươi xắt nhỏ, ăn với bông điên điển.

Chủ lực vẫn là lẩu chua cá linh. Lẩu đặt lên bếp cồn sôi ùng ục, cá linh non được làm sạch, thêm rổ bông điên điển, bông súng và rau thơm đầy mùi vị. Khách cứ dùng cái muỗng to mà múc từng muỗng cá linh bỏ vô lẩu, rồi cho bông điên điển, bông súng, hẹ nước, rau thơm vào lẩu nữa. Món này ăn nóng với bún mới đúng điệu!

Theo QUANG HẢO (Báo Long An)