Đâu rồi đại ngàn Tây Nguyên?

Kỳ 2: Vì sao bão lũ lịch sử càn quét Tây Nguyên?

Cập nhật, 05:43, Chủ Nhật, 01/05/2016 (GMT+7)

Năm 2013, đưa chúng tôi đi tham quan, anh Hùng- một cán bộ bảo vệ pháp luật về môi trường của tỉnh Kon Tum xót xa khi nhớ lại: Trận lũ lịch sử năm 2009 quét qua các huyện Kông Phông, Đăk Hà, Sa Thầy đã làm thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay.

Diện tích rừng còn sót lại ở Nam Tây Nguyên (Tuy Đức- Đăk Nông) bị triệt hạ.
Diện tích rừng còn sót lại ở Nam Tây Nguyên (Tuy Đức- Đăk Nông) bị triệt hạ.

“Hết rừng rồi!”

Anh Hùng kể rằng, trận lũ đẩy dòng nước mang nhiều cây cối, nhà cửa của đồng bào vùng cao này đến khu vực giáp huyện Sa Thầy. Những đoạn gỗ hai người ôm chưa hết cũng bị dòng nước đẩy đi hàng chục cây số… Trận lũ thật kinh hoàng.

Trận mưa lũ lịch sử bất ngờ đến với Kon Tum đã được các nhà khoa học phân tích tìm nguyên nhân, tổng kết thiệt hại… Còn với người dân nơi đây, nguyên nhân là do: Tây Nguyên đã “hết rừng rồi!”

Thông tin, báo cáo từ nhiều nguồn cho thấy: hàng chục năm qua, diện tích rừng nguyên sinh và cả rừng trồng ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng không những không tăng như mục đích dự án phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của Chính phủ mà ngược lại còn giảm nghiêm trọng, do con người tàn phá.

Nguyên nhân, theo già làng, rừng nguyên sinh bao giờ cũng có nhiều tầng, nhiều lớp đan xen, nương tựa nhau. Cây cao cổ thụ chở che cho những cây kế tiếp, lớp cây nhỏ phủ mát cho những loại cây sống gần mặt đất; cây gần mặt đất giúp những lớp rêu phong giữ độ ẩm cho đất để chúng cùng tồn tại. Tất cả cùng hòa quyện vào nhau, phát triển một cách bền vững, “cân bằng sinh thái”.

Thế rồi sức khai thác và tàn phá của con người với đại ngàn thật nhanh chóng và khủng khiếp, khiến cho hệ sinh thái nơi đây bị mất và không hồi phục kịp. Trồng lại rừng và phủ xanh đất trống đồi núi trọc là vấn đề không dễ dàng chút nào.

Bởi khi một ngọn đồi đã “trọc” thì khó có cây, con gì sống nổi. Trên đồi mênh mông, không thể lấy nước đâu để tưới cho đủ, còn lúc mưa to dồn dập sẽ làm xói cả gốc cây con, lúc nắng cháy như thiêu thì cây lại chết khô. Đồi trọc lại hoàn đồi trọc!

Một buổi sáng trong chuyến hành trình này, trước khi mặt trời lên, chúng tôi tản bộ về phía cầu KonKlor... Hình ảnh của bà con từ các thôn dùng xe gắn máy chở chuối, chở gà và nhiều sản vật ra các chợ Kon Tum để bán- đã chiếm phần lớn trong máy ảnh của mỗi người.

Thế nhưng… trong 10 xe chở hàng thì đã có khoảng 5 xe ì ạch cộ những khúc gỗ dài cả mét ra chợ bán. Tìm hiểu thêm mới biết, đây là nguồn thu nhập hàng ngày của bà con nông thôn. Họ chặt cây rừng làm củi đem ra chợ bán- trong đó có cả một số cây thuộc nhóm gỗ quý.

Bây giờ, đường lên huyện Ngọc Hồi dẫn ra cửa khẩu Bờ Y rộng mở hơn- có lẽ một phần do rừng ven đường thưa thớt hẳn đi, chỉ còn các cây tạp, dây leo là chủ yếu. Và dọc đường tuần tra biên giới lên cột mốc giữa 3 nước cũng khác xưa nhiều vì đã được đan hóa, chỉ mất hơn nửa giờ là đến nơi “gà gáy ba nước cùng nghe”.

Suốt quãng đường mấy mươi cây số, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy có một vài làn khói bay lên từ những người đốt cỏ hoặc cây rừng.

Điều mà chúng tôi thấy bất ngờ hơn khi trên đường về TP Kon Tum, ghé thăm lại khu rừng đặc dụng Đăk Uy (huyện Đăk Hà) nằm trong danh sách bảo tồn phục vụ du khách tham quan, cũng không còn như trước: cây rừng thưa hơn trước nhiều!

Một số loại thuộc nhóm gỗ quý đã bị lâm tặc chặt phá dù Ban quản lý cố sức bảo vệ, bởi loại gỗ này có lúc lên đến cả triệu đồng một ký- một trong số những người quản lý nơi đây ngậm ngùi cho biết.

Liên tưởng lại lần ghé thăm trước, đường dẫn vào rừng khó nhìn thấy được ánh mặt trời, không khí lạnh ngay cả ban trưa, tiếng ve sầu kêu vang rừng… Còn bây giờ, nhiều chỗ nắng chang chang, nhiệt độ hầm hập. Mắt thấy, tai nghe, lòng lại nặng trĩu nỗi ưu tư…

 

Hàng trăm hồ chứa ở Tây Nguyên và Ninh Thuận đang ở mực nước chết. Mực nước hồ Đơn Dương (ở phía Đông Nam Đà Lạt) cung cấp nước chủ yếu cho Ninh Thuận đang giảm sâu chưa từng có.

 

Đăk Nông, Lâm Đồng dần nóng lên

QL14 bây giờ đi lại thuận lợi hơn nhiều và cư dân xây cất nhà ven QL cũng nhiều hơn. Hầu hết đều theo lối kiến trúc tân thời và nhiều trụ sở hành chính cấp xã cũng được xây mới to hơn, khang trang hơn.

Thị trấn Đăk Mil với nhiều con đường rộng, phố xá nhộn nhịp. Nhiều gia đình khá giàu, có cả “xế hộp” đời mới. Nhiều nhà hàng, cửa hiệu,… đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vùng Nam Tây Nguyên này mà không phải xuống tận TP Hồ Chí Minh như trước.

Nước sông Đăk Bla cạn kiệt, người dân vẫn phải lấy nước sinh hoạt từ đây.
Nước sông Đăk Bla cạn kiệt, người dân vẫn phải lấy nước sinh hoạt từ đây.

Tương phản với thị trấn Đăk Mil, sang xã Đức An (huyện Đăk Song), thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy những lối mòn dẫn lên đồi đất đỏ và những biển báo “cấm chặt phá rừng”. Phóng tầm mắt nhìn ra xa, thật may quá, vẫn còn đó những rặng thông già xanh ngát! Có lẽ nhờ nó mà nhiệt độ ở đây có phần mát dịu hơn so với nhiều khu vực Bắc Tây Nguyên.

Hoàng hôn dần buông, xe đưa đoàn chúng tôi đến với Gia Nghĩa. Đây thị xã mới và là trung tâm hành chính của tỉnh Đăk Nông.

Anh bạn người Đăk Nông giới thiệu: Nếu không trở ngại đường xa, Gia Nghĩa- Đăk Nông hoàn toàn có thể trở thành một Đà Lạt “nghỉ dưỡng” thứ hai của Tây Nguyên! Nhưng thiên nhiên Đăk Nông tuyệt đẹp đã làm cho tôi nhớ lại câu chuyện “bi hài” của anh bạn thời làm Công ty Lâm sản- hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Theo lời anh thì những năm ấy, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ đều coi Đăk Mil (gồm nhiều huyện của tỉnh Đăk Nông bây giờ) là “kho báu” về sản phẩm rừng (cả muông thú). Các công ty lâm sản có nhiệm vụ lên rừng Đăk Mil khai thác gỗ đưa về địa phương cung cấp lại.

Những cánh rừng ở chỗ nào thuận tiện khai thác thì tập trung mở đường vào đó trước. Vào được rồi thì tìm những cây thân to khoảng 2 người ôm trở lên mới đốn hạ- mà phải loại gỗ nhóm 1, nhóm 2 mới chọn. Lúc đầu gỗ tốt, cây to, chỗ thuận lợi mới “chặt”.

Đoàn nào có quan hệ tốt với cư dân địa phương thì chọn được nhiều khu vực “ngon” và cứ thế mà thoải mái “đốn hạ”. Về sau, cây nào dùng được, mang về có lời là cứ “triệt”. Cho đến khi Nhà nước có chủ trương quản lý rừng chặt hơn, nhiều tỉnh mới giải thể các công ty lâm sản…

Mỗi lần có dịp trở lại với Tây Nguyên mà không ghé qua Lâm Đồng là chưa trọn vẹn. Bởi Lâm Đồng mà trung tâm là TP Đà Lạt “sương mù”, “thành phố mộng mơ” với khí hậu ôn đới ưu đãi, là điểm đến lý tưởng cho du khách.

Đà Lạt ngày xưa- mà cũng không xưa lắm đâu, chỉ hơn chục năm về trước- khí hậu cực kỳ lý tưởng. Vào mùa hè, ban trưa nhiệt độ trên dưới 200C.

Ngày ngày cây rừng vẫn bị người dân nông thôn Kon Tum chặt đem bán để kiếm sống.
Ngày ngày cây rừng vẫn bị người dân nông thôn Kon Tum chặt đem bán để kiếm sống.

Về đêm, ngồi trong nhà nghỉ xem bóng đá Worlcup France 1998 phải trùm mền vẫn chưa thấy ấm; đi ra phố lúc nào cũng khăn quấn, áo choàng dày cộp mà vẫn còn lạnh. Nhưng giờ đây, vào mùa hè, nhiều khách sạn Đà Lạt đã phải trang bị máy điều hòa.

Gần đây, một số huyện của tỉnh Lâm Đồng trải qua những trận mưa đá, mưa lũ chưa từng có.

Dù Đà Lạt vẫn còn giữ được khá nhiều đồi thông là “lá phổi xanh” và nguồn tài nguyên vô giá nhưng rộng ra, nhiều thảm rừng xanh đã không được bảo vệ nên khí hậu Đà Lạt cũng không giữ nổi độ mát mẻ vốn có. Liệu rằng Lâm Đồng, Đà Lạt mai này có còn là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa?

 

Theo các thống kê, Tây Nguyên có khoảng 1.500.000ha rừng bị tàn phá (hơn 51.000ha rừng bị mất mỗi năm); hiện có hàng chục ngàn hecta (25.000ha lúa), cây trồng thiếu nước nghiêm trọng.

Nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng, thời tiết cực đoan là do hiện tượng El Nino. Trong khi đó, theo các nhà khoa học: 90% tác động đến biến đổi khí hậu là do con người. Và con người cũng có thể hành động để cải thiện sự biến đổi khí hậu bất lợi.

 

Bài, ảnh: TRẦN ÚT

(Mời xem kỳ tiếp theo trên VNCN kỳ tới)