Gặp người lính tham gia Chiến dịch giải phóng Vĩnh Long

Cập nhật, 06:28, Thứ Bảy, 30/04/2016 (GMT+7)

>> 41 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Qua 41 năm Bắc- Nam sum họp một nhà, ký ức về Đại thắng mùa xuân 1975 như vẫn còn nguyên vẹn với ông Đặng Văn Hoai- nguyên là Trung đoàn phó Trung đoàn 3, Quân khu 9.

Ông Tám Hoai luôn mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống cha ông, biết sống hết mình vì mọi người.
Ông Tám Hoai luôn mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống cha ông, biết sống hết mình vì mọi người.

Dâng tuổi xuân cho Tổ quốc

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, chàng thanh niên 18 tuổi tên Đặng Văn Hoai (Tám Hoai) đã thoát ly gia đình đi bộ đội (Đại đội 62, Tiểu đoàn 308, Trung đoàn 3, Quân khu 9).

Hừng hực tuổi trẻ, Tám Hoai đã sát cánh chiến đấu cùng đồng đội và bị thương cả chục lần, đứt 3 đoạn ruột và thủng 9 lỗ với tỷ lệ thương tật 26% (thương binh 4/4).

Theo ông, về quân sự ta so với địch như 1 chọi 10, nhưng nhờ biết áp dụng chiến thuật phù hợp nên “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Song không phải lúc nào cũng hoạt động suôn sẻ và lớn mạnh, có lúc gần như thoái trào, không còn khả năng tập trung lực lượng chiến đấu và bị cắt đường tiếp tế, phải gắn với địa phương để tồn tại, đánh địch và thu vũ khí của địch để chiến đấu.

Trong ký ức một thời lửa đạn, ông Tám Hoai tự hào khi được góp sức mình vào chiến thắng lịch sử của đất nước.

Ông kể: Thời điểm đó, tôi là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 310 (tiểu đoàn đặc công của Trung đoàn 3 được thành lập vào năm 1974). Từ đầu năm 1975, Quân khu 9 giao nhiệm vụ Trung đoàn 3 tiêu diệt Yếu khu Thầy Phó- nơi tập trung bọn tề ngụy ác ôn và bộ máy kìm kẹp khống chế nhân dân; đây cũng là căn cứ bàn đạp xuất phát hành quân đánh phá bình định, lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Tuy địch có lực lượng đông, hỏa lực mạnh và có ưu thế về địa hình, nhưng cũng bộc lộ những mặt yếu như: lực lượng ô hợp, khi bị tiến công khó chỉ huy, không tạo thành sức mạnh; chúng có tâm lý chủ quan, canh gác sơ hở, đã tạo thuận lợi cho ta đột nhập vào căn cứ.

Về phía Quân khu 9, đã có đợt bổ sung chiến sĩ từ miền Bắc vào. Cán bộ từ cấp đại đội trở lên phần đông là người địa phương, thông thạo địa hình, có kinh nghiệm chiến đấu xây dựng đơn vị và công tác vận động quần chúng.

“Khí thế bước vào trận chiến của ta rất phấn khởi và đầy nhiệt huyết, lại được tin chiến thắng khắp các chiến trường cổ vũ, động viên, Trung đoàn 3 đã dấy lên phong trào thi đua giết giặc lập công”- ông Tám Hoai nhớ lại.

Qua 2 ngày đêm chiến đấu, đến 18 giờ ngày 10/1/1975, ta đã diệt và bắt sống quân địch tại Yếu khu Thầy Phó. Lần đầu tiên, Vĩnh- Trà thu được 2 khẩu pháo 105mm và bắn vào một số mục tiêu, chi viện cho bộ binh chiến đấu, buộc địch không dám đưa quân cứu viện.

Sau đó, ta tiêu diệt tiếp 3 phân chi khu khác, giải phóng nhiều địa phương trong tỉnh. Nhân dân vui mừng, phấn khởi, hàng ngàn người dân trở về quê cũ sinh sống, tham gia các phong trào cách mạng địa phương; thanh niên hăng hái đi bộ đội, du kích ấp xã được đưa lên bộ đội huyện; bộ đội địa phương được rút về cho bộ đội chủ lực khu.

Các đơn vị tranh thủ ổn định biên chế, tăng cường huấn luyện, giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm...

Ông Đặng Văn Hoai:

 “Trong chiến tranh, tuy địch mạnh hơn ta về quân số và vũ khí, nhưng ta có tinh thần, tư tưởng vững chắc, quân đội ta đa số là những người tự nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc với quyết tâm giành thắng lợi. Thêm vào đó, ta được ưu thế là có được sự ủng hộ của nhân dân, dân thương bộ đội như thương con trong gia đình đã góp phần dẫn đến thành công cho cuộc chiến”.

Góp phần vào Đại thắng mùa xuân 1975

Đầu tháng 4/1975, trên khắp chiến trường có sự phát triển đột biến, quân và dân ta mở chiến dịch giải phóng các tỉnh Tây Nguyên và ven biển miền Trung, khiến hệ thống phòng thủ của địch bị phá vỡ, lính ngụy hoang mang.

Theo ông Tám Hoai: Lúc này, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 bước vào cuộc Tổng tiến công giải phóng Vĩnh Long với tinh thần hăng hái, khí thế sôi nổi, sẵn sàng hy sinh, quyết tâm giải phóng quê hương.

Đêm 26/4, lực lượng vũ trang các huyện, xã tiến công hàng loạt đồn bót, phân chi khu địch; giải phóng nhiều vùng ở nông thôn, có nơi vào sát các thị trấn, thị tứ. Chiều 27/4, Trung đoàn 3 đến khu vực tập kết xã Phước Hậu- vùng ven phía Nam TX Vĩnh Long.

Sáng 29/4, các tiểu đoàn đã nâng đội hình lên áp sát liên Tỉnh lộ 70, nhiều mũi vượt lộ chiếm lĩnh Phường 3, phía Nam cầu Khưu Văn Ba, cầu Công Xi Heo (nay là cầu Phạm Thái Bường và cầu Mậu Thân).

Trưa 30/4, Tổng thống của chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Tin vui chiến thắng nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Song, tại mặt trận Vĩnh Long, tên Tỉnh trưởng kêu gọi tử thủ nên cán bộ, chiến sĩ các mũi luôn vững chắc tay súng, sẵn sàng đập tan hành động chống cự của địch; đồng thời, phát động quần chúng nổi dậy, kêu gọi binh sĩ địch đầu hàng.

Về phía địch, vẫn cố thủ theo QL4 từ phà Mỹ Thuận đến phà Cái Vồn và ra lệnh cho các chi khu tử thủ.

Từ 14 giờ, ta tiến công tiêu diệt, bứt rút, bứt hàng nhiều đồn bót, phân chi khu rồi đến cả chi khu, địch tự tan rã. Binh sĩ vứt vũ khí, bỏ quân trang, bỏ hàng ngũ tìm đường về quê. Ta tiếp quản dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Long lúc 23 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.

Đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, ông Tám Hoai tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế sang giúp nước bạn Campuchia.

Ông không khỏi trăn trở: “Lúc đó, tôi là Trung đoàn phó Trung đoàn 3- Quân khu 9 và là người trực tiếp chỉ đạo chiến đấu. Giờ trở về đời thường, tôi thấy mình còn “mắc nợ” đồng đội rất nhiều, bởi nhiều người đã hy sinh nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Cũng có trường hợp tìm được hài cốt rồi nhưng lại không biết gia đình ở đâu”.

Và ông nói: “Điều tôi muốn nhắn nhủ lớp trẻ ngày nay là hãy sống bằng cái tâm, sống vì mọi người và không ngừng học tập vì đây là “cầu nối” để vươn đến tri thức và tương lai; đồng thời, luôn khắc ghi những kinh nghiệm xương máu của ông cha ta trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước”.

 

 

Từ năm 1983, ông Tám Hoai về làm công tác quản lý tại Công ty CP Du lịch Cửu Long, rồi về Sở Công thương tỉnh. Sau khi về hưu, ông được phân công làm Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh. Ông cho biết: “Để hoàn thành nhiệm vụ mới, tôi đã tự tìm hiểu, học hỏi rất nhiều”.

Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN