Cô ruột có thể làm người giám hộ

Cập nhật, 03:32, Thứ Sáu, 28/07/2017 (GMT+7)

Em trai tôi qua đời không bao lâu, em dâu tôi lại bỏ đi biệt xứ để lại nhà 1 đứa con mới 11 tuổi. Để thuận lợi trong việc chăm sóc cháu, gia đình tôi bàn bạc phải cử người làm giám hộ cho cháu. Hiện tại, bên ngoại, bên nội cháu còn lấn cấn trong việc cử ai làm người giám hộ cho cháu? Xin hỏi cô ruột có thể làm người giám hộ không?

L.T.H. (Mang Thít- Vĩnh Long)

Trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự, người được giám hộ là người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ.

Theo đó, Điều 52 Bộ luật Dân sự quy định: Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ