Người thân thích có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Cập nhật, 14:21, Thứ Sáu, 29/04/2016 (GMT+7)

Em trai tôi chung sống với vợ có 2 đứa con. Gần đây, em dâu tôi đi cặp với người khác và phá tán tài sản, không chăm lo con cái.

Em trai tôi vì tình nghĩa vợ chồng bao năm, khuyên nhủ vợ không được nên nín lặng. Con gái lớn của em tôi tuy mới 12 tuổi nhưng cháu đã biết mọi chuyện.

Em tôi không lên tiếng gì nhưng để khỏi ảnh hưởng tâm lý của các cháu, người thân của em tôi có quyền đề nghị hạn chế việc tiếp xúc của em dâu tôi với các con không?

L.T.M.P. (Tiền Giang)

Trả lời:

Trước nhất, chị có thể căn cứ vào Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình, để xem em dâu của chị có thuộc đối tượng có thể bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên hay không. Điều luật này quy định:

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 1 năm đến 5 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Theo điểm a khoản 2 Điều 86 nói trên, người thân thích của con chưa thành niên đó có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Xin lưu ý với chị, người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi 3 đời.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ