5 anh em kiện "hội đồng" em ruột

Cập nhật, 10:20, Thứ Năm, 14/07/2016 (GMT+7)

Cha qua đời không để lại di chúc thừa kế tài sản nhưng không ai ngờ rằng vì vậy mà 22 năm sau, 6 người con tranh chấp đòi chia di sản khiến tình cảm anh em ngày nào thương yêu lẫn nhau nay thành rạn nứt.

Chuyện xảy ra giữa 6 anh em là ông Trần Văn Sang (SN 1942), bà Trần Thị Lệ (Ngọc Lợi, SN 1955), bà Trần Thị Mua (SN 1955), bà Trần Thị Lệ (SN 1958), bà Trần Thị Có (SN 1959) và ông Trần Văn Giàu (SN 1964) cùng ở xã Tân Quới (Bình Tân).

Vụ việc ngày càng gay gắt, phải nhờ đến pháp luật phán quyết. Chuyện khiến nhiều người cảm thấy xót xa, tiếc cho tình cảm anh em của họ.

Ông Sang cùng đồng nguyên đơn đại diện cho bà Lợi, bà Mua, bà Lệ và bà Có kiện người em út là Trần Văn Giàu, đòi chia di sản của cha mẹ để lại.

Theo ông Giàu trình bày, năm 1991, cha ông qua đời để lại 3 thửa đất tọa lạc tại ấp Tân Hạnh (Tân Quới), diện tích khoảng 10.000m2. Trên phần đất này có xây dựng 3 căn nhà liền kề để thờ cúng tổ tiên và anh em ở.

Tuy nhiên, ông Sang cho rằng, ông Giàu lập hồ sơ giả mạo để được chính quyền địa phương công nhận quyền sử dụng phần đất trên.

“Sau khi cha qua đời không để lại di chúc thừa kế tài sản, vì vậy mẹ được hưởng phân nửa tài sản (5.000m2) theo pháp luật. Sau này, phần đất của mẹ chia lại cho các anh em. Phần đất còn lại của cha là tài sản chung của các anh em, tính cả 300m2 thổ cư có cất nhà thờ cúng, cùng 290m2 nghĩa địa”- ông Sang tính toán.

Sự chi li của các anh chị khiến ông Giàu bức xúc cũng dứt tình đoạn nghĩa không nhượng bộ. Theo ông Giàu xác định, trước khi mẹ qua đời có chia phần đất của cha và một phần của mẹ cho tất cả anh em. “Tôi là người sống cùng cha mẹ từ lúc tôi mới sinh đến khi cha mẹ lần lượt qua đời.

Khi cha mẹ già yếu tôi là người chăm sóc nuôi dưỡng dựa trên huê lợi thu được từ canh tác các thửa đất trên.

Năm 2004 mẹ tôi cho tôi toàn bộ phần đất còn lại của bà để lo thờ cúng ông bà và chăm sóc khi mẹ tuổi già ốm đau. Sau này, phần đất này được xã hướng dẫn đăng ký để cấp quyền sử dụng đất”- ông Giàu lý giải.

Vụ việc ngày càng gay gắt khiến anh em không thể ngồi lại cùng thỏa thuận trên tinh thần tình cảm và chính quyền địa phương tổ chức hòa giải nhiều lần cũng bất thành.

Cuối cùng họ kéo nhau ra tòa giải quyết bằng pháp luật. Ở phiên tòa, 2 bên vì lợi ích riêng tư cũng tìm mọi cách để mình có quyền lợi nhiều hơn.

Sinh thời cha mẹ vất vả tạo ra của cải để cho con cháu sau này thừa hưởng chứ không nghĩ rằng chính tài sản đó lại khiến cho anh em tranh giành để rồi tình cảm bất hòa.

HĐXX cũng thấy xót xa khi chứng kiến các đương sự lớn tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi thì phải lọ mọ đến tòa đấu đá với nhau vì lợi ích trước mắt mà quên đi tình thâm ruột thịt.

Qua tài liệu và những lời khai của các đương sự, tòa xác định ông Trần Văn Phước (cha ruột của các đương sự) mất vào năm 1991 không để lại di chúc chia tài sản.

“Theo quy định của pháp luật về thừa kế thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm ông Phước chết, thì phát sinh việc mở thừa kế.

Lẽ ra từ năm 1991 đến năm 2001 các nguyên đơn phải khởi kiện chia thừa kế. Đồng thời nếu không chia thừa kế trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế thì các đồng thừa kế phải có văn bản cùng xác nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung chưa chia.

Khi có tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết thì không áp dụng chung hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết”- HĐXX giải thích.

Từ những nhận định trên, đơn khởi kiện của các nguyên đơn Sang, Lợi, Mua, Lệ và Có yêu cầu chia di sản của cha mẹ đã 22 năm (1991- 2013), các nguyên đơn cũng không cung cấp được văn bản xác nhận di sản của cha chết để lại nên di sản này không coi là tài sản chung chưa chia.

Như vậy, căn cứ vào pháp luật, yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn là không còn thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế. Do đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn.

Vụ việc cuối cùng cũng đã được xử lý rõ ràng, nhưng chắc rằng không ai cảm thấy vui. Họ ra về với tâm trạng nặng nề mà tình cảm anh em càng khó hàn gắn.

Hiện nay, chuyện tranh chấp đất trong thân tộc, anh em xảy ra nhiều, một phần do thiếu hiểu biết về pháp luật và sự ích kỷ, vụ lợi cho bản thân… Nếu mọi người kiềm chế để giải quyết vấn đề tranh chấp trên tinh thần tình cảm, sẻ chia thì chắc rằng sẽ có kết quả tốt đẹp hơn.

HOÀI NAM- TRUNG HƯNG