Cuộc chiến chống ma túy- chung tay vì người nghiện

Kỳ cuối: Cộng đồng chung tay giúp người nghiện

Cập nhật, 05:56, Thứ Tư, 07/10/2015 (GMT+7)

Tội phạm ma túy và người nghiện ma túy có mối quan hệ mật thiết với nhau. Điều này, hầu hết người nghiện đều biết nhưng muốn tránh xa là chuyện không phải dễ nên cộng đồng cần chung tay kéo người nghiện ra khỏi sức hút của ma túy nhằm từng bước đẩy lùi tệ nạn này, góp phần hạn chế số vụ phạm tội liên quan đến ma túy.

Tăng cường tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy ở khu dân cư.
Tăng cường tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy ở khu dân cư.

Vướng luật, công tác cai nghiện gặp khó

Vĩnh Long là địa bàn trung tâm khu vực ĐBSCL, tiếp giáp TP Cần Thơ và nhiều tỉnh khác nên tìm ẩn nguy cơ cao phát sinh tội phạm và tệ nạn ma túy. Hiện số người nghiện ngoài cộng đồng trên địa bàn Vĩnh Long là 941 người (chiếm 87,29% tổng số người nghiện), phần lớn tụ tập ở các đoạn đường vắng trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các nhà trọ, khách sạn, quán karaoke, nơi có nhiều hẻm nhỏ, đất bỏ hoang hoặc các địa bàn giáp ranh để sử dụng ma túy và luôn thay đổi địa điểm, thời gian nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện.

“Chúng tôi thường xuyên tuần tra, truy quét, xử nghiêm những trường hợp mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy để sử dụng nhưng nhiều người vừa từ trại giam, trung tâm cai nghiện về là tái nghiện. Từ đầu năm 2014, khi một số quy định về đưa người đi cai nghiện thay đổi thì việc xử lý đối với người sử dụng ma túy càng gặp khó dẫn đến số người nghiện trên địa bàn tăng”- Trung tá Cao Văn Sáu- Trưởng Công an Phường 3, chia sẻ.

Trước đây, khi phát hiện người sử dụng ma túy, cơ quan công an kết hợp ngành y tế “test nhanh” để kiểm tra, nếu kết quả dương tính sẽ lập hồ sơ đề nghị chủ tịch UBND huyện- thị- thành ra quyết định đưa đi cai nghiện nên người nghiện rất sợ. Từ khi Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ ban hành, thẩm quyền xét duyệt hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải qua 5 đơn vị gồm công an, y tế, tư pháp, thương binh xã hội, tòa án nên mất rất nhiều thời gian.

“Từ lúc công an lập hồ sơ đề nghị đưa người đi cai nghiện đến ngày TAND cấp huyện mở phiên họp ra quyết định kéo dài gần 2 tháng và qua rất nhiều thủ tục, chưa kể ở mỗi khâu xét duyệt nếu hồ sơ không đúng quy định phải trả lại bổ sung thì càng lâu hơn dẫn đến số người đi cai nghiện bắt buộc thời gian qua giảm mạnh.

Cụ thể, năm 2013, Vĩnh Long có 136 người cai nghiện tập trung nhưng năm 2014, chỉ có 2 trường hợp do TAND huyện Tam Bình ra quyết định, còn từ đầu năm 2015 đến nay chưa có trường hợp nào.

Đối với cai nghiện tự nguyện, dù gia đình làm đơn gửi nhưng người nghiện không đồng ý cũng không thể đưa đi như trước được nên công tác cai nghiện ở nhiều địa phương đang gặp khó. Tỷ lệ người nghiện và tái nghiện vì thế tăng cao, kéo theo tội phạm ma túy cũng tăng”- Thượng tá Phan Vĩnh Mặn- Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy- Công an tỉnh Vĩnh Long- cho biết.

Bên cạnh một số vướng mắc trong thi hành luật thì sự kỳ thị của cộng đồng, gia đình không hạnh phúc, không tìm được việc làm,… cũng là nguyên nhân khiến nhiều người nghiện quay lại con đường cũ. “Ngày từ trại cai nghiện về, mới đến đầu ngõ, tôi đã nghe hàng xóm xầm xì “nó lại về”.

Vậy là bao ý định tốt đẹp cho việc “làm lại cuộc đời” tan biến. Buồn vì không được mọi người đón nhận nên khi đám bạn cũ tìm đến rủ rê, lôi kéo tôi đã chơi lại ma túy. Tôi biết nhiều người khi đã va vào con đường này, bị cơn ghiền vật vã đều muốn trở lại cuộc sống bình thường nhưng bỏ được nó là điều không phải dễ.

 Khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, tránh xa ma túy.
Khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, tránh xa ma túy.

Vì thế, tôi tham gia tuyên truyền, vận động các bạn cùng cảnh không sử dụng chung bơm kim tiêm, không vứt bơm kim tiêm bừa bãi để tránh lây nhiễm HIV cho bản thân và cộng đồng. Tôi muốn mọi người thấy, chúng tôi đi sai đường nhưng vẫn có thể làm được những việc có ích”- anh L.V.V.- đồng đẳng viên phòng chống AIDS, tâm sự.

Chung tay vì người nghiện

Hiện người nghiện ma túy được xã hội nhìn nhận là “bệnh” chứ không phải “tội” nên hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như trước.

Tuy nhiên, không ít người vẫn còn tỏ thái độ dè dặt, xa lánh nên không phải người nghiện nào cũng dễ dàng vượt qua mặc cảm, tìm cách hòa nhập cộng đồng bằng những việc có ích như anh V. “Hiện nay, trở ngại lớn nhất của người nghiện là không vượt qua được sự kỳ thị của cộng đồng.

Do đó, chúng tôi cố gắng hỗ trợ bằng cách liên hệ với các cơ sở, doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho họ. Nhưng rất nhiều nơi khi biết người chúng tôi giới thiệu từng sử dụng ma túy đã từ chối khéo.

Cũng có người được nhận vào rửa ly, rửa chén ở các quán ăn uống hoặc khuân vác nhưng thu nhập không đủ sống, một số thì bị chủ và những người làm chung đối xử phân biệt nên buồn chán, bỏ việc, không lâu sau thì trở lại con đường cũ”- Đại úy Phạm Thành Phương- Công an Phường 2 (TP Vĩnh Long) chia sẻ.

Trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy gia tăng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về phòng chống ma túy và mỗi năm chi hàng ngàn tỷ đồng cho công tác cai nghiện như: cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, bắt buộc tại các trung tâm và hiện nay là điều trị thay thế bằng Methadone- một biện pháp cai nghiện có tác dụng cắt cơn, ổn định sức khỏe cho người nghiện với chỉ tiêu đến hết năm 2015, các tỉnh phải điều trị cho 80 ngàn người nghiện.

Mới đây, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã phát động phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”. Theo đó, đã có 39 tỉnh- thành trong cả nước thành lập được các Đội tình nguyện viên hỗ trợ người nghiện ma túy và phong trào này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại hơn 20 tỉnh- thành còn lại. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ và các ngành, địa phương trong việc ngăn chặn tình trạng người nghiện ma túy.

Tuy nhiên, để công tác phòng chống ma túy phát huy hiệu quả đòi hỏi các cấp, các ngành phải thật sự xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo.

Đặc biệt, mỗi địa phương cần chủ động đề ra biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập vào cơ quan, trường học và cộng đồng dân cư. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân đi vào chiều sâu với nội dung, hình thức phù hợp từng nhóm đối tượng.

Tăng cường đưa thông tin tuyên truyền về vùng nông thôn, tập trung ở nhóm đối tượng thanh thiếu niên, người nghiện, gia đình người nghiện, những người có tiền án, tiền sự về ma túy. Đây là vấn đề then chốt và cần được xem là biện pháp trọng tâm, thường xuyên, liên tục nhưng nhiều địa phương, ban ngành thời gian qua chỉ làm theo kiểu “đến hẹn lại lên” nên không đủ mạnh để chuyển biến nhận thức người dân dẫn đến xã hội vẫn còn kỳ thị, xa lánh người nghiện.

Có người chỉ vì không ý thức được hành vi mình làm là sai nên đã phạm tội một cách đáng tiếc như trường hợp của T.T.P.L. (ở thị trấn Long Hồ). L. là sinh viên một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh về thăm nhà thì có người đến tìm em trai L. mua ma túy. Thấy em đi vắng, L. bán dùm thì công an ập vào bắt quả tang nên bị phạt 6 năm tù giam.

Câu chuyện của L. làm nhiều người nao lòng. Nhưng nếu như trước đó, L. được trang bị đầy đủ những kiến thức về phòng chống ma túy, có lẽ L. đã không tiếp tay em trai phạm tội như thế. Do đó, bên cạnh các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy của lực lượng chức năng, cần tăng cường tuyên truyền phòng chống ma túy cho thanh thiếu niên từ khi còn ngồi ghế nhà trường.

Bởi khi đã nhận thức được mối nguy hại của ma túy, các em sẽ không dễ dàng bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập, có ý thức trách nhiệm với bản thân hơn, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên từng địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị và trường học.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm: Cả nước có 204.377 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 62,58% người đang sinh sống ngoài xã hội; 16,61% ở trong các cơ sở cai nghiện; 1,13% ở các cơ sở quản lý sau cai nghiện và 19,68% đang trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Công tác cai nghiện ở nhiều địa phương đang gặp khó nên tỷ lệ tái nghiện cao. Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, có tính tổ chức cao, xuyên quốc gia và sẵn sàng chống trả quyết liệt với các lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Vĩnh Long hiện có 87/109 xã- phường có tệ nạn ma túy. Ngoài số đối tượng sử dụng ma túy “đá” tăng đột biến thì tình hình trồng cây cần sa cũng diễn ra ngày càngnhiều với 28 điểm trồng hơn 1.300 cây cần sa (tương đương 400kg) đã bị công an triệt phá.

 

Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG