Bị kiện do đường quy hoạch... treo

Cập nhật, 08:04, Thứ Năm, 28/03/2013 (GMT+7)

Lúc lập biên bản đặt cọc mua nền nhà, mặt đường thể hiện rộng 30m. Nhưng khi ký hợp đồng mua bán thì con đường đó chỉ mới quy hoạch. Do đó, bên mua không đồng ý và đã kiện ra tòa đòi lại 20 triệu đồng tiền cọc.

Theo đơn khởi kiện gửi TAND TP Vĩnh Long ngày 5/7/2012, nguyên đơn ông L.T.H. ở Phường 8 (TP Vĩnh Long) trình bày: Ngày 18/4/2012, ông ký biên bản đặt cọc với Công ty H.Q mua một nền nhà tại khu nhà ở TX Bình Minh, diện tích 89m2 với giá gần 298 triệu đồng. Ông H. đã nộp tiền đặt cọc 20 triệu đồng và cam kết thực hiện ký kết hợp đồng vào ngày 28/4/2012.

Tuy nhiên, đến ngày ký hợp đồng, ông H. phát hiện trong mẫu hợp đồng nhân viên Công ty H.Q đưa cho xem có nhiều điều khoản không hợp lý như mặt đường rộng 30m nhưng đây chỉ mới là quy hoạch của Nhà nước, hiện tại đường chỉ có 5m, còn đường 30m thì không biết khi nào mới thi công,… nên ông không đồng ý ký hợp đồng và yêu cầu Công ty H.Q trả lại 20 triệu đồng tiền đặt cọc.

Bị đơn là Công ty H.Q thừa nhận: Ngày 18/4/2012, Công ty H.Q và ông H. có ký biên bản đặt cọc để đảm bảo cho việc ký kết hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở thuộc dự án khu nhà ở chuyên gia, công nhân và thương mại, dịch vụ Bình Minh- Vĩnh Long.

Nhưng sau đó, ông H. không chịu ký hợp đồng với lý do đường không đúng 30m theo biên bản đặt cọc. Công ty H.Q cho rằng ông H. đã được xem hiện trạng thực tế khu đất, sơ đồ quy hoạch xây dựng và mẫu hợp đồng ký trên nguyên tắc tự nguyện của 2 bên nên công ty không chấp nhận yêu cầu đòi lại tiền cọc của ông H.

Một thẩm phán thụ lý vụ án ở TAND TP Vĩnh Long cho biết: Vụ tranh chấp xuất phát từ sự chủ quan, không tìm hiểu kỹ trước khi ký biên bản đặt cọc và giao tiền đặt cọc của bên mua. Cụ thể, qua lời khai của 2 bên cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cho thấy, việc ký biên bản đặt cọc để đảm bảo việc ký kết hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở giữa ông H. và Công ty H.Q là do 2 bên hoàn toàn tự nguyện.

Mục đích và nội dung giao dịch không vi phạm pháp luật, phù hợp Điều 80 Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc ông H. không tiếp tục ký hợp đồng góp vốn xây dựng nhà với lý do trong thỏa thuận đặt cọc nền đường 30m nhưng thực tế chỉ có 5m.

Điều khoản này, Công ty H.Q không vi phạm vì căn cứ Quyết định số 1048/QĐ.UBND ngày 31/5/2007 và bản đồ quy hoạch sử dụng đất thì vị trí nền nhà ông H. định mua có mặt đường rộng 30m.

Đây là quy hoạch đã được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt nên Công ty H.Q không lừa dối ông H. khi ký kết thỏa thuận đặt cọc.

Do đó, việc ông H. tự ý chấm dứt không ký kết hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở là vi phạm Điều 5 biên bản đặt cọc và khoản 2 Điều 358 Bộ luật Dân sự nên yêu cầu đòi lại 20 triệu đồng tiền đặt cọc của ông H. là không có cơ sở.

Có lẽ ông H. đã nhận ra sẽ khó thắng kiện trong vụ tranh chấp này nên trước ngày TAND TP Vĩnh Long đưa vụ kiện ra xét xử, ông H. đã xin rút đơn khởi kiện để 2 bên tự thỏa thuận.

“Đây là vụ tranh chấp rất hiếm gặp nhưng không phải không xảy ra. Do đó, mọi người nên cẩn trọng khi thực hiện việc đặt cọc trong các giao dịch mua bán nhằm tránh bị mất tiền khi có tranh chấp xảy ra như vụ việc đáng tiếc vừa nêu”- vị thẩm phán nói trên kết luận.

PHƯỢNG NGÂN