45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Sức sống đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật, 17:37, Thứ Ba, 28/04/2020 (GMT+7)

Những vùng đất bị cày xới bởi mưa bom, bão đạn ngày nào đang khoác lên mình mầu xanh của những cánh đồng lúa mênh mông, vườn cây trái bạt ngàn. Người dân đồng bằng sông Cửu Long anh dũng kiên cường, không ngại hy sinh, gian khổ trong chiến đấu và cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Vừa thoăn thoắt tay thu hoạch vườn xoài của gia đình bên bến đò ngang nối đôi bờ Long Ðiền A với Cù Lao Giêng, ông Ba Hưng luôn miệng kể về những tháng ngày gian khó của 45 năm về trước.

Ông chỉ về hướng tây nam, nơi có một chiếc cột cao vượt lên trên những hàng cây ven tỉnh lộ 942 kể, đó chính là cột dây thép - nơi treo lá cờ Ðảng đầu tiên vào năm 1930 của tỉnh Long Xuyên.

Ngày nay, Khu di tích lịch sử Cột dây thép thuộc xã Long Ðiền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nơi thành lập Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1927. Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh An Giang được thành lập đầu tháng 4-1930 tại xã Long Ðiền (nay là xã Long Ðiền A).

Huyện Chợ Mới cũng là nơi kết thúc sau cùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kiên cường và bền bỉ của Ðảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang.

Sau chiến tranh, huyện Chợ Mới bắt tay xây dựng lại quê hương. Là huyện cù lao được bao quanh bởi sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao, Chợ Mới tận dụng vùng đất giàu phù sa bồi đắp, đất đai xanh tốt tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp. Huyện Chợ Mới trước đây được gọi là Cù lao Ông Chưởng nhưng bây giờ người ta gọi là Cù lao Xoài.

Ông Ba Hưng kể: "Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang lập vườn cây ăn trái chuyên canh, mà chủ yếu là trồng xoài xuất khẩu".

Nhờ hạ tầng tốt cho nên việc đi lại và vận chuyển nông sản, hàng hóa dễ dàng. Trong năm 2019, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện Chợ Mới đạt hơn 22 nghìn tấn và tổng mức bán lẻ hàng hóa hơn 478 tỷ đồng.

Riêng chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) qua 10 năm thực hiện của huyện đạt 4 trong số 9 tiêu chí, 7 trong số 14 chỉ tiêu huyện NTM.

Bình quân, các xã đạt 16 trong số 19 tiêu chí, 46 trong số 49 chỉ tiêu NTM, có tám xã đã đạt chuẩn NTM gồm Long Ðiền A, Long Ðiền B, Kiến Thành, Mỹ Hiệp, Hòa An, Tấn Mỹ, Long Kiến và Bình Phước Xuân. Trong đó, xã Kiến An đã đạt toàn bộ 19 tiêu chí NTM. Dự kiến, huyện Chợ Mới sẽ hoàn thành xây dựng huyện NTM vào năm 2023.

Cũng là nơi bị cày xéo bởi mưa bom, bão đạn trong chiến tranh, Khu căn cứ Tỉnh ủy Kiến Phong năm xưa, nay trở thành khu du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Ðồng Tháp.

Ðó là Khu du lịch sinh thái Xẻo Quýt rộng hơn 50 ha thuộc hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh. Xẻo Quýt hôm nay là điểm tham quan du lịch, khám phá văn hóa lịch sử và là khu nghỉ dưỡng sinh thái.

Con đường nhựa phẳng lỳ dẫn từ quốc lộ 30 chạy dài 5 km vào Khu du lịch Xẻo Quýt được đầu tư kiên cố. Nhìn từ trên cao, Xẻo Quýt được bao bọc, ôm ấp bởi cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay.

Tại Ðồng Tháp, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh từng bước khắc phục khó khăn, vươn mình phát triển từ những tiềm năng vốn có. Lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển biến rất tích cực. Sản lượng lúa đạt hơn ba triệu tấn/năm.

Ðồng Tháp đã thực hiện chủ trương tri thức hóa nông dân, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, góp phần đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại và cạnh tranh trên thị trường.

Tỉnh có nhiều mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình canh tác lúa lý tưởng, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP...

Người nông dân không chỉ sản xuất nông nghiệp, mà biết liên kết, hợp tác, chia sẻ, chung tay cùng nhau làm kinh tế nông nghiệp.

Ở tỉnh An Giang, nhìn lại chặng đường 45 năm qua. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: Từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực với sản lượng lúa chỉ khoảng 848 nghìn tấn đến có dư thừa để xuất khẩu, đạt hơn hai triệu tấn lần đầu vào năm 1996, hơn ba triệu tấn vào năm 2007 và hiện nay là hơn bốn triệu tấn; An Giang đang là một trong những địa phương có sản lượng lúa đứng đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ.

Nông nghiệp hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng đủ sức cạnh tranh trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bộ mặt nông thôn không ngừng cải thiện, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Hiện nay, Cần Thơ là trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long mặc dù trong chiến tranh xứ Tây Ðô là trung tâm vùng đánh phá của địch.

Gác lại quá khứ, Ðảng bộ, chính quyền và người dân thành phố chung sức, chung lòng, nỗ lực đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế TP Cần Thơ phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực theo hướng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng năng suất lao động; nông nghiệp chuyển dịch theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị...

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 7,51%, đạt 100% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 88,3 triệu đồng/năm, đạt 100% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng.

Tại Bạc Liêu, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời gian qua rất quan tâm đến nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế.

Từ năm 2016 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành chín nghị quyết, ba chỉ thị và nhiều kết luận về phát triển kinh tế để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực theo hướng phát huy nội lực, thu hút đầu tư.

Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; gặp mặt, trao đổi, đối thoại, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Theo NHÓM PVTT/Nhân Dân