Chăn nuôi vịt trên sàn - giải pháp về môi trường nuôi

Cập nhật, 13:38, Thứ Sáu, 24/04/2020 (GMT+7)

Các công trình khí sinh học (KSH) do Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp hướng dẫn nông dân chăn nuôi các loại gia súc như heo, bò, dê thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực về môi trường.

Trong bối cảnh mới, nhiều hộ nông dân đang có hướng chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm như gà, vịt thì công trình KSH vẫn có thể tiếp tục áp dụng, gắn với hình thức chăn nuôi gia cầm trên sàn, đạt được những lợi ích về môi trường.

 

Mô hình chăn nuôi vịt trên sàn.
Mô hình chăn nuôi vịt trên sàn.

Cách làm của mô hình mới

Ông Nguyễn Hoàng Danh là một trong các hộ áp dụng chăn nuôi vịt trên sàn ở xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre). Trước đây, gia đình ông có chăn nuôi heo nhưng do tình hình dịch tả heo châu Phi nên hiện chưa tái đàn.

Từ đầu năm 2020, ông Danh chuyển đổi sang nuôi vịt, số lượng khoảng 500 con vịt để làm kinh tế gia đình. Nuôi vịt cũng đang được nhiều hộ nông dân thực hiện do vụ nuôi ngắn, chỉ từ 45 - 50 ngày là có thể xuất bán, nhanh hoàn vốn.

Đàn vịt 35 ngày nuôi của hộ ông Danh đang sinh trưởng tốt, khỏe mạnh khi ứng dụng mô hình nuôi trên sàn.

Theo hướng dẫn của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, quy cách thực hiện sàn nuôi được ông Danh áp dụng như sau: đào hố sâu khoảng 30cm, tráng xi-măng tạo độ dốc từ 3 - 4cm, có thể thay thế bằng cách lót bạt nhưng cần đảm bảo độ dốc để chất thải gia cầm không bị ứ đọng.

Tiếp theo là kê gạch và gác đà bằng cây hoặc bằng sắt rồi trải phủ 1 lớp lưới nhựa loại dành cho vịt, mắt lưới cỡ 3cm, xung quanh quay lưới mỏng để vịt không đi ra ngoài. Sàn có ống thoát chất thải dẫn trực tiếp vào hệ thống hầm biogas để xử lý.

Đầu năm 2020, ông Danh lắp đặt xong hầm biogas mới để xử lý chất thải từ trại nuôi vịt, thể tích 9m3. Ông Danh lưu ý: “Lưới nhựa cần được trải bằng phẳng để vịt đi lại trên lưới vững. Đồng thời, tuy áp dụng mô hình nuôi trên sàn nhưng cũng cần bố trí sân cát song song với sàn để cho vịt đi lại, làm vậy thì vịt sẽ chắc thịt hơn”.

Sàn nuôi vịt của hộ ông Nguyễn Hoàng Danh có diện tích khoảng 30m2, do trước đây ông Danh đã làm sẵn chuồng trại để nuôi heo nên chi phí đầu tư cho 2 sàn khoảng 25 triệu đồng, quy mô nuôi có thể đạt đến 1.100 - 1.200 con vịt/vụ.

Ông Danh cho biết, lợi ích trực tiếp khi áp dụng mô hình nuôi vịt trên sàn là đảm bảo được vấn đề vệ sinh môi trường khi chất thải gia cầm đều được dội xuống hầm biogas. Việc này cũng giúp tiết kiệm được kinh phí mua cát trải nền. “Trước đây, với diện tích nuôi như trên, chi phí cát trải nền cho 1 vụ nuôi tầm giá 13 triệu đồng. Bây giờ, tiết kiệm được tiền cát và cả công dọn chuồng từ 3 tiếng xuống còn khoảng 30 phút đến 1 tiếng cho 1 lần dọn”.

Sử dụng các phụ phẩm khí sinh học

Công trình KSH gắn với nuôi vịt trên sàn đã xử lý chất thải chăn nuôi gia cầm hiệu quả. Ngoài phần KSH được dùng làm chất đốt trong sinh hoạt gia đình, giúp tiết kiệm chi phí nguyên liệu đốt thì người nông dân còn có thể sử dụng các phụ phẩm KSH cho trồng trọt.

Hộ ông Nguyễn Hoàng Danh đã được Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp hướng dẫn thực hiện các phương pháp này một cách hiệu quả.

Theo đó, trung bình 1 tuần, ông Danh vệ sinh hố lắng 1 lần. Phần cặn lắng được sử dụng làm phân bón cho vườn dừa rất phù hợp. Riêng đối với các loại cây có múi thì phải thực hiện ủ hoai theo đúng thời gian và kỹ thuật của ngành nông nghiệp.

Phần nước xả, ông Danh dùng để tưới cho vườn bưởi da xanh kết hợp bón các loại phân chuồng đã được ủ hoai cũng cho hiệu quả dinh dưỡng tốt.

Trong thời gian hạn mặn vừa qua, gia đình ông Danh có đào giếng để lấy nước tưới, nước được bơm qua túi trữ, xử lý lắng phèn từ 24 - 48 giờ mới tưới cho cây.

Thấy tính hiệu quả của mô hình chăn nuôi vịt trên sàn, nhiều người đã đến hộ ông Nguyễn Hoàng Danh để tìm hiểu về mô hình và nhân rộng, cải tạo chuồng trại cũ, tận dụng hầm KSH đã có để nuôi gia cầm.

Tại xã Tân Phú Tây, số lượng công trình KSH được Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp hỗ trợ lắp đặt để sử dụng trong chăn nuôi heo đến nay hiện khoảng 120 công trình, thể tích từ 9 - 60m3.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân có hướng chuyển đổi vật nuôi hiệu quả trước tình hình dịch bệnh trên đàn heo. Qua đó cho thấy tính hiệu quả của các công trình KSH và khả năng nhân rộng trong thực hành nông nghiệp các bon thấp.

Theo THANH ĐỒNG (Báo Đồng Khởi)