Sống ở vùng sạt lở

Cập nhật, 17:35, Thứ Ba, 28/04/2020 (GMT+7)

Vùng ngọt hoá của tỉnh Cà Mau những tháng gần đây hứng chịu nhiều tác động tiêu cực của hạn, mặn. Biến đổi khí hậu đã diễn ra trước mắt chứ không còn là những kịch bản trên lý thuyết nữa. Bằng chứng là những vụ sụp lún, sạt lở đất diễn ra thường xuyên. Huyện Trần Văn Thời, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất, đang đối mặt với nhiều khó khăn trước thực trạng này.

Bị cô lập vì sụp lún

Mùa hạn năm nay, tại vùng ngọt hoá, các con sông gần như “trơ đáy”, phương tiện thuỷ không thể lưu thông ở vùng sông nước.

Mọi hoạt động vận chuyển hàng hoá nông sản, các mặt hàng thiết yếu cũng như các trường hợp cần thiết, bức xúc khác đều phải vận chuyển bằng phương tiện ô-tô. Và trong thời điểm hiện tại, đường bộ cũng có nguy cơ bị tê liệt bởi một loạt các vụ sụp lún. 

Chỉ qua mấy tháng đầu năm, tuyến đường ô-tô đến trung tâm xã Trần Hợi đã 4 lần sụp lún, gây trở ngại cho lưu thông trong khu vực, bởi đây là tuyến đường huyết mạch nối liền các xã: Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc. Đặc biệt, vụ sụp lún ngày 5/4 vừa qua làm đứt đoạn hoàn toàn giao thương tuyến đường trên.

Vị trí sụp lún cách cầu Quảng Hảo khoảng 50 m về hướng xã Trần Hợi, tiếp giáp vị trí sụp lún ngày 17/3 đã được gia cố trước đó. Vị trí sụp lún mới dài 10 m, sâu 1,7 m, mặt đường bị sụp hoàn toàn về mép sông.

Theo Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trần Văn Thời Trần Hoàng Nghiệp, vụ sụp lún mới làm cho vị trí đã gia cố tiếp tục bị sụp lún với chiều sâu 1 m (tổng chiều dài sụp lún mới và cũ 29 m). Hiện nay, đoạn sụp này chiều rộng mặt đường còn lại 1 m, rất nguy hiểm cho xe ô-tô lưu thông.

Có đến 3 tuyến đường mà ô-tô có thể về trung tâm xã Khánh Bình Tây, thế nhưng hiện cả 3 tuyến này đều xảy ra sụp lún nghiêm trọng, đặc biệt khi tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc qua xã Trần Hợi bị sụp lún khiến cho việc vận chuyển trên bộ về xã Khánh Bình Tây bị cô lập hoàn toàn.

Ông Tô Văn Thế, Ấp 2, xã Trần Hợi, cho biết: “Đoạn sụp lún đi ngang nhà rất nghiêm trọng, có chiều dài lên đến vài chục mét, xe lớn không lưu thông được. Việc sạt lở, sụp lún vào mùa khô hàng năm đã được cảnh báo, nhưng không ngờ năm nay lại nghiêm trọng đến vậy, mọi hoạt động đi lại của gia đình cũng như bà con nơi đây gần như đảo lộn”.

Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, từ đầu mùa khô đến nay, trong vùng ngọt hoá của tỉnh Cà Mau xảy ra hơn 1.100 vụ sạt lở, sụp lún đất. Huyện Trần Văn Thời chịu ảnh hưởng lớn nhất với khoảng 1.000 vị trí, làm hư hỏng khoảng 25 km đường giao thông. 

Tuyến đường phòng hộ đê biển Tây của tỉnh Cà Mau bị sụp lún nghiêm trọng.
Tuyến đường phòng hộ đê biển Tây của tỉnh Cà Mau bị sụp lún nghiêm trọng.

Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trần Văn Thời đã có báo cáo và đề xuất khắc phục sụp lún đường ô-tô đến trung tâm xã Trần Hợi.

Theo đó, đề xuất UBND huyện thống nhất chủ trương giao Ban Quản lý dự án huyện kết hợp các đơn vị liên quan khẩn trương khảo sát, lập dự toán (theo dõi khối lượng) tiến hành sửa chữa ngay vị trí sụp lún ngày 5/4/2020.

Các đoạn sụp còn lại trên tuyến đã có đường tạm xe ô-tô lưu thông, khi mưa xuống đủ điều kiện vận chuyển vật tư, thiết bị thi công sẽ khắc phục xử lý.

Hoạt động sản xuất thiệt hại nặng

Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Trần Hợi, cho biết: “Hạn quá gay gắt dẫn đến năng suất lúa giảm mạnh, bởi lúa vừa mới trổ thì nước dưới ruộng đã khô hết. Mọi năm, vụ này thu được khoảng 5 tấn/ha, nhưng năm nay ai được một nửa số ấy là đã mừng”. 

Cùng tâm trạng, ông Đặng Văn Bình, xã Trần Hợi, than: “Năm nay hoa màu và lúa đều thiệt hại. Đồng ruộng, sông ngòi đều khô cạn, lộ làng bị sụp lún nên mọi hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hoá đều bị ảnh hưởng. Chưa năm nào tình hình lại nghiêm trọng như thế này”.

Là một trong những ấp trồng lúa, rau màu rất hiệu quả của xã Trần Hợi, nhưng năm nay bà con nông dân Ấp 5 lại đối diện với vụ mùa thất thu.

Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Ấp 5 Quách Vĩnh Phương cho biết: “Hầu hết nông dân trồng màu của xã đều bị thiệt hại do thiếu nước tưới, nếu kéo dài đời sống bà con sẽ càng khó khăn hơn”.

Trước tình hình hạn hán gây nhiều thiệt hại, vào đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp cấp độ 2. Hiện ngành chức năng địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại.

Ngoài ra, việc thống kê, đánh giá diện tích đất sản xuất bị thiệt hại đang được triển khai nhằm hỗ trợ kịp thời cho người dân vượt qua khó khăn. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: “Theo dự báo, hạn hán sẽ còn kéo dài và nguy cơ tiếp tục gây thiệt hại lớn cho tỉnh.

Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, thống kê và xem xét toàn diện mức độ thiệt hại. Hộ gia đình nào tuân thủ lịch thời vụ, tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn mà vẫn bị thiệt hại trong sản xuất sẽ được hỗ trợ theo quy định”./.

Theo ĐẶNG DUẨN - TRẦN HIẾU (Báo Cà Mau)