Chuyện về những hòn đá kỳ bí

Cập nhật, 07:34, Thứ Bảy, 07/05/2016 (GMT+7)

Đồi núi ở An Giang có nhiều hiện tượng bí ẩn mà con người chưa thể giải thích được. Riêng ở Thoại Sơn, có tảng đá in “dấu chân tiên” ở núi Bà (thị trấn Núi Sập) và tảng đá chồng lên nhau ở núi Chóc (xã Vọng Đông) khiến người ta không khỏi tò mò.


 

“Dấu chân tiên” trên đá

Dấu chân hình thành từ lúc nào chưa ai xác định, chỉ biết có từ rất xa xưa và được người dân đặt tên là “bàn chân tiên”.

Dấu chân in rõ trên mõm của đỉnh núi Bà có ngôi chùa Huỳnh Long Tam tự (tục gọi chùa Bà Chúa Xứ), cao 55m, chu vi 280m, thuộc ấp Đông Sơn 1 (thị trấn Núi Sập). Núi Bà nằm trong cụm núi Sập với 4 ngọ

n núi: Núi Sập, núi Nhỏ, núi Bà, Bảo Sơn (tục danh là núi Cậu, cao 24m, chu vi 340m). Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, vị trí núi Cậu và núi Bà khá gần nhau.

Sách kỷ lục Việt Nam năm 2009 xác lập “dấu chân tiên” là dấu chân bằng đá lớn nhất. Bàn chân có 5 ngón, ngón cái dài 5cm, ngang 5cm, các ngón còn lại dài 1,5 cm. Điều lạ là dấu chân chỉ có một và là bàn chân trái.

Tính từ gót đến đầu ngón cái dài 4m, chiều ngang phần gót chân là 0,5m, ngang phía trước bàn chân là 1,65m, độ sâu 2,5cm.

Tảng đá chồng lên nhau
Tảng đá chồng lên nhau

“Bàn chân tiên” thu hút sự hiếu kỳ của du khách gần xa và sự tìm hiểu của nhiều người, nhiều giới. Xung quanh dấu chân này có nhiều truyền thuyết, trong đó có giải thích đầy huyền bí.

Nào là có một vị tiên “giáng trần”, đặt bàn chân trái tại núi Bà và bàn chân phải tọa lạc trong dãy Thất Sơn. Song, một số người thì cho rằng, bàn chân là kết quả của sự xâm thực, bào mòn của tự nhiên mà hình thành.

Theo các vị sư trụ trì Huỳnh Long Tam tự, về nguồn gốc “bàn chân tiên” có khá nhiều giải thích, nhưng hầu hết vẫn chưa có một cơ sở nào minh định về sự hình thành của hiện tượng trên.

Dù có nhiều nhận định khác nhau, nhưng mỗi khi khách đến viếng chùa, phần đông đều đi sang ngọn núi liền kề để chiêm ngưỡng “bàn chân tiên”. Vào rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng mười, nhất là dịp nhà chùa cúng Vía Bà (ngày 23 và 24-4 âm lịch), dấu chân in trên núi thu hút một lượng khách đặc biệt đông đảo.

Tảng đá chồng lên nhau

Núi Chóc nằm trong cụm núi Ba Thê với 5 ngọn, gồm: Núi Nhỏ, núi Tượng, núi Ba Thê, núi Trọi và núi Chóc.

Tảng đá chồng lên nhau tọa lạc ở núi Chóc (ấp Sơn Tân, xã Vọng Đông), chỉ cao 19m, chu vi 550m.

Dù khiêm tốn về độ cao và chiều rộng nhưng nơi đây lại tập hợp nhiều điều kỳ thú mà nhiều thế hệ đã qua vẫn chưa có lời giải thích thuận tai.

Trước hết, tại nơi này có phiến đá dài độ 3m, ngang 1,5m, khi gõ vào phần bìa tảng đá sẽ phát ra thanh âm trong trẻo và vang xa như tiếng mõ của nhà chùa.

Cũng tảng đá này, nếu gõ sâu vào bên trong, âm thanh sẽ nhỏ lại và nặng trịch. Bên cạnh núi có tảng đá hình chóp nằm ở đỉnh cao nhất, một thời gây xôn xao dư luận, đến mức chính quyền địa phương buộc phải “cấm” người lên núi.

Chóp núi được cho là có hình “Phật Bà”
Chóp núi được cho là có hình “Phật Bà”

Khoảng thập niên 80 của thế kỷ XX, một du khách đang lưu thông trên Tỉnh lộ 943, khi đến núi Chóc, nhìn lên tảng đá hình chóp trông giống hình “Phật Bà”. Sau đó, vị khách này thông tin về sự kiện trên và khách thập phương liên tục nhiều ngày đến thăm núi Chóc như đi lễ hội.

“Lúc đó, anh em chúng tôi chia nhau giữ gìn an ninh, trật tự và giải thích đủ kiểu, nhưng bà con vẫn không chịu nghe mà còn cho là cản trở quyền tự do của họ. Đến nhiều ngày sau vẫn không thấy hình “Phật Bà”, bà con mới chịu rút đi” - anh Dũng (nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Vọng Đông) nhớ lại.

Về tảng đá chồng lên nhau, những người sống cố cựu cho biết, khoảng 50 năm trước, chúng chỉ là 2 cục đá lớn nằm chồng lên, giống như 2 con rùa.

Chiều cao tảng đá khoảng 12m, chu vi chừng 100m, diện tích tảng đá phía dưới độ bằng 2/3 tảng trên. Trước đây, khi khai thác đá thủ công, thấy tảng đá nhỏ, hình thù ngộ nghĩnh nên nhiều người không đục đẽo nên mới còn nguyên vẹn như bây giờ.

Đến ngày nay, 2 tảng đá cứ lớn dần, bề thế và làm nét chấm phá cho cụm núi nhỏ bé này. Ông Trần Văn Dũng, Trưởng ban Quản lý du lịch và văn hóa huyện Thoại Sơn, thông tin: “Tuy cụm núi Chóc nhỏ bé nhưng có nhiều cảnh đẹp, điều kỳ thú, rất thích hợp cho việc khai thác du lịch, nhất là du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng.

Từ con kênh này đến núi Chóc chỉ vài chục mét rất thuận lợi cho việc quy hoạch nơi đây là vệ tinh liên hoàn của khu du lịch vừa có sông, có núi hữu tình, bắt đầu từ núi Sập. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu về vấn đề này trình UBND huyện xem xét, quyết định”.

Theo TTMT