Người nối những nhịp cầu vui

Cập nhật, 13:39, Thứ Năm, 05/05/2016 (GMT+7)

Chú Chín là cách xưng hô thân tình mà mọi người thường dành để gọi ông Hồ Văn Chính (ngụ ở quận Ô Môn, TP.Cần Thơ)- Người đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc xây dựng cầu từ thiện.

Những cây cầu do ông Chính và các anh em trong đội xây dựng, không chỉ nối liền thôn xóm mà còn nối cả niềm vui của nhiều bà con.
Những cây cầu do ông Chính và các anh em trong đội xây dựng, không chỉ nối liền thôn xóm mà còn nối cả niềm vui của nhiều bà con.

“Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo,…”

Giữa trưa nắng gay gắt, lưng áo đã ướt đẫm mồ hôi, mặt đỏ gay vì nắng táp, chú Chính vẫn tươi cười cùng anh em trong đội bắc tiếp những nhịp cầu nối liền 2 ấp Phú Thạnh (xã Long Phú) và Phú Yên (xã Tân Phú) thuộc huyện Tam Bình.

“Thấy mấy cháu học sinh đi học khổ quá, từ nhà đến trường chỉ cách có con sông mà phải đi vòng tới mấy cây số, còn không thì bất chấp nguy hiểm để qua sông bằng chiếc xuồng ba lá nhỏ nên tôi quyết tâm cùng mấy anh em bỏ công xây cầu ”- ông Chính thổ lộ.

Được biết, từ năm 2002 đến nay ông Hồ Văn Chính đã xây dựng 282 cây cầu ở nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL.

Nhấp ngụm trà, người đàn ông với mái điểm màu hoa râm, khuôn mặt hằn nếp thời gian, xúc động kể về cái cơ duyên đưa ông đến với công việc này. Vốn dĩ, được sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, chứng kiến cảnh đi lại đầy khó khăn của bà con, ông Chính cũng lắm trăn trở.

Từ đó, ông quyết thử sức mình bằng cách vận động mọi người để xây cầu, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con. “Lúc đầu, cũng gặp khó khăn tại mình không phải thợ xây cầu chuyên nghiệp. Nhưng sau đó cây cầu cũng hoàn thành bà con ai cũng vui. Vậy là làm tới giờ luôn.

Tôi tin việc làm từ thiện không chỉ giúp được người mà còn là cách để tôi giáo dục con cái và truyền lửa yêu thương đến mọi người”- ông Chính phấn khởi chia sẻ.

*Nhiều kỷ niệm vui

 

Chú Chính cùng anh em canh chỉnh vỉ sắt, chuẩn bị đổ sàn cầu.
Chú Chính cùng anh em canh chỉnh vỉ sắt, chuẩn bị đổ sàn cầu.

Nói về những chuyến đi, ông Chính cười hiền bảo “kỷ niệm nhiều dữ lắm”, được đi nhiều nơi, gặp nhiều người âu cũng là cơ duyên mà không phải ai cũng có được.

“Đối với tôi điều mà tôi vui nhất, hạnh phúc nhất đó chính là tình cảm của bà con dành cho mình. Mấy anh, chị thấy tụi tôi đi làm từ thiện nên thương lắm, chuẩn bị mền gối cho ngủ, lo cơm nước, những tình cảm đó không mua được bằng vật chất”- ông cho biết thêm.

Đang mải mê trò chuyện, bổng bên ngoài có tiếng “Chú Chính ơi, tới đây rồi làm sao nữa?”. Chú vội chạy ra ngoài, hướng dẫn tận tình công đoạn tiếp theo rồi chắc lưỡi “Hôm nay, chắc mấy anh em phải làm tới khuya mới kịp tiến độ”.

Công việc cực khổ là vậy, mặc cho trời những ngày tháng tư nắng như đổ lửa đến khi tối mịt những người thợ xây cầu vẫn miệt mài với công việc của mình chỉ với một mong muốn duy nhất “sớm xong cầu cho mấy đứa đi học đỡ cực”.

Bà Phan Thị Loan- Chủ tịch UBND xã Tân Phú vui vẻ cho biết: “Hôm đổ móng cầu tới khuya mà mọi người vẫn còn làm, tại chú Chính bảo nếu ngưng để hôm sau đổ tiếp thì chất lượng móng sẽ không được tốt. Hổm nay, làm suốt nghỉ trưa cũng không chịu, ăn cơm xong là làm tiếp luôn”.

Nhận thấy việc làm đầy ý nghĩa của chú Chính, nhiều anh em cũng quyết “tầm sư học đạo”, xây những chiếc cầu vững chắc cho các vùng quê nghèo.

Anh Lê Phong Cảnh- cùng ngụ ở Cần Thơ là một trong số đó: “Đi làm cầu tùm lum chỗ ở Long An có, Đồng Tháp có, Bến Tre, Cà Mau. Chú Chính rất nhiệt tình, tận tâm với công việc, với anh em trong đội.

Có nhiều nơi chúng tôi đến khó khăn dữ lắm, chú lại động viên “cứ nghĩ đến cảnh bà con mừng rỡ khi có cầu, thì không có gì gọi là khó khăn cả””.

Ngồi buộc vỉ sắt gần đó, anh Nguyễn Văn Mạnh  (ấp Phú Thạnh- xã Long Phú) tiếp lời: “Chú Chính với mấy anh em đến đây xây cầu, chúng tôi cũng như nhiều bà con khác rất biết ơn chú”.

Trong cuộc sống, nhiều người phải chạy đua cùng thời gian để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp. Còn ông Chính và những thành viên trong đội xây cầu từ thiện của ông, lại dành toàn bộ thời gian cũng như tâm huyết của mình để xây những chiếc cầu nối liền thôn xóm, nối cả niềm vui niềm hạnh phúc của bao người. Việc làm này của ông Chính thật đáng trân trọng!

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC- NGUYÊN KHÁNH