Nghề "hạ bạc"

Cập nhật, 09:36, Chủ Nhật, 08/11/2015 (GMT+7)

Có nhiều cách hiểu khác nhau về cái nghề gọi là "hạ bạc", nhưng chung quy, điều đó cũng đã thể hiện sự vất vả, nguy hiểm mà cũng không kém phần phóng khoáng như đặc trưng của vùng đất, con người Nam Bộ.

"Hạ bạc" có thể gọi là xuống biển, là từ dùng để chỉ cái nghề đánh bắt thuỷ sản trên sông, trên biển. Thế nhưng vẫn có người cho rằng nghề này lắm "bạc bẽo" như tên gọi của nó. Điều này cũng có lý, bởi "biển sâu rong ruổi" và con người xem ra quá nhỏ bé so với biển cả bao la. Nguồn lợi thuỷ sản biển ngày càng cạn kiệt nên cuộc sống nhiều người cũng không thể khá hơn.

Cửa biển Sào Lưới, thuộc ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Ngay cửa sông là hàng chục miệng đáy giăng ngang để bắt cá, tôm. Ra cách bờ chừng 4 hải lý có thể thấy hàng chục chiếc xuồng, ghe, chủ yếu là vỏ máy honda, đang tích cực hoạt động đánh bắt thuỷ sản, với đủ loại hình thức khai thác, phổ biến là: lưới ba màng, giăng câu kiều, kéo lưới, xa hơn là những ghe te.

Lưới ba màng, một trong những ngư cụ đánh bắt mang tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản. Ảnh: H.Đ
Lưới ba màng, một trong những ngư cụ đánh bắt mang tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản. Ảnh: H.Đ

Những chiếc vỏ máy nhỏ bé lênh đênh trên biển không dụng cụ bảo hộ, phao cứu sinh. Họ hoạt động cả trong vùng cấm với những dụng cụ khai thác thô sơ và mang tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản gần bờ. Họ chia nhau từng khu vực hoạt động để giăng câu, bủa lưới.

Tín hiệu để nhận biết những dụng cụ khai thác trên biển đó là những chiếc cờ màu xanh, vàng, đỏ, rách bươm do thời gian, gió biển, gắn trên những chiếc phao nổi có đèn tín hiệu. Ðèn này sẽ phát sáng vào ban đêm. Họ bắt được tất cả những loại tôm, cá nào mắc bẫy. Ðối với lưới ba màng thì chủ yếu giăng vài giờ rồi cuốn lưới đi nơi khác và hoạt động ban ngày. Câu kiều thì hoạt động cả ngày lẫn đêm và dùng tín hiệu đèn để báo.

26 tuổi, Ðặng Chí Hiểu, ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, đã có đến hơn 10 năm làm nghề biển. Trước đây, do cuộc sống khó khăn, học hành dang dở, Hiểu theo cha mẹ, anh em làm nghề biển kiếm sống, ai thuê gì làm nấy. Bây giờ thì đi bạn cho chủ phương tiện lưới ba màng, thu nhập hết sức bấp bênh, được chủ chia 10% sản phẩm. Hôm nào trúng, chủ được 1 triệu thì Hiểu được 100.000, có hôm chủ được 200.000-300.000 thì ngày đó coi như lỗ nặng. Phương tiện của Hiểu hoạt động từ khu vực cửa biển Gò Công đến Sào Lưới, có khi tới Mỹ Bình. Hiểu trăn trở: "Em cũng rất muốn lên bờ để kiếm nghề gì đó làm cho khoẻ, có thu nhập khá, rồi dành dụm lo cho tương lai. Nhưng ngặt nỗi học hành chưa đến nơi đến chốn, khó chọn nghề lắm. Bây giờ làm gì cũng cần trình độ, không có vốn, muốn kinh doanh mua bán cũng không được mà cũng đâu biết mua bán gì. Năm trước có đi làm ở Ðồng Nai, nhưng chịu không nổi áp lực công việc nên trở về làm nghề này”.

Anh Hồ Văn Hậu, cũng ở ấp Gò Công, thì đỡ hơn, mua được vỏ và máy hoạt động. "Sáng giờ do mấy ổng (ý nói lực lượng kiểm ngư) quần quá, nên núp trong bờ, mới vừa ra giăng được 2 giàn lưới, bắt được khoảng 2 kg cá phèn, cá đối, cá chét các loại. Cá này giá không tới 20.000 đồng/kg”, anh nói. Anh Hậu cho rằng, làm nghề giăng lưới này chủ yếu gần bờ nên ít ai nghĩ đến chuyện trang bị dụng cụ cứu hộ, có chăng thì mua 1 cái phao tròn để cho có.

Ðiều đáng nói là vừa làm nhưng phải thấp thỏm canh chừng, nếu thấy bóng dáng lực lượng chức năng thì vội vàng cuốn lưới mà chạy, nếu cuốn không kịp thì chạy bỏ lưới luôn. Bởi lưới ba màng là dụng cụ khai thác nằm trong danh mục cấm và hoạt động cũng trong vùng cấm.

Ðề cập đến việc chuyển đổi ngành nghề, anh Hậu cho rằng, những người như anh đến giờ cũng chỉ biết làm nghề biển, đeo đuổi nó từ thuở còn nhỏ nên có lẽ khó có thể làm nghề nào khác được, mặc dù cuộc sống chưa có chuyển biến gì.

Hàng chục, hàng trăm hoàn cảnh như vậy, thể hiện là hàng trăm phương tiện đang hằng ngày, hằng giờ "giày xéo" biển gần bờ, với cường độ gần như 24/24. Biển Tây không lúc nào bình yên.

Ðêm xuống, biển không tĩnh lặng bởi những ánh đèn tù mù xanh, đỏ, xa xa lênh đênh theo mặt nước. Theo đó là tiếng động cơ, đèn của xuồng ghe, đèn báo hiệu của những giàn câu. Hoạt động ban đêm chủ yếu là các loại lú và câu kiều. Câu kiều dùng lưỡi không ngạnh, không sử dụng mồi, mỗi lưỡi cách nhau chừng 2-3 tấc. Câu có dùng phao sao cho lưỡi chìm tới đáy.

Cá bơi ngang tự động mắc vào lưỡi câu, phổ biến là các loại cá da trơn như: cá đuối, cá ngát, cá lạt... Lưới ba màng giăng 1 lần rồi vài giờ sau có thể đi thăm và neo cả ngày lẫn đêm. Lú gồm có lú bát quái và lú đuôi chuột. Lú bát quái còn gọi là lú huế. Khả năng đánh bắt cá của loại lú này thì ai cũng biết, rất khó có loài nào thoát được.

Riêng việc giăng câu kiều thì có lẽ không phải "sợ” lực lượng chức năng. Bởi câu kiều chỉ bắt cá lớn, không bắt cá nhỏ và không huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản, nhưng lại sợ trộm và ghe cào. Tài sản là giàn câu, gồm vài ba chục gắp câu (mỗi gắp vài trăm lưỡi) hơn 10 triệu có khi mất đi trong chốc lát. Anh Bông Văn Tấn, ấp Cái Cám, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, cho hay: "Trộm bây giờ tinh vi lắm, vài tháng chúng hoạt động 1 lần. Bọn chúng chủ yếu là người từ địa phương khác đến, dùng xuồng máy lớn, đến tự nhiên cuốn câu của mình và chạy đi biệt tích, vỏ mình máy nhỏ không tài nào đuổi theo kịp. Ngoài trộm thì ngán nhất là mấy "ông" đẩy te.

Te chỉ được hoạt động vùng nước sâu nhưng mấy ổng thường xuyên hoạt động trong bờ, khi đi ngang thì giàn câu, hay lưới đều bị cuốn mất. Mình nghèo, dành dụm, vay mượn làm được giàn câu mà bị mất coi như cả tài sản. Thu nhập cũng rất bấp bênh, nếu như khoảng 5 năm trước đây, giăng 1 đợt vài ba ngày có khi kiếm được 500 kg đến cả tấn cá, còn bây giờ chỉ bằng một phần mười”.

Phần lớn ngư dân Phú Tân khai thác biển với tàu công suất nhỏ gần bờ, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên.    Ảnh: HIỆP ĐOÀN
Phần lớn ngư dân Phú Tân khai thác biển với tàu công suất nhỏ gần bờ, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên. Ảnh: HIỆP ĐOÀN

Gần 10 năm trước, người dân nơi này phát hiện tại cửa biển Gò Công có rất nhiều con bắp chuối nên đổ xô săn bắt. Vài năm sau, bắp chuối không còn, sau đó người ta phát hiện cách bờ chừng 6 hải lý là bãi con móng tay, họ lại cùng nhau ra xa hơn để mò móng tay đem bán. Ðây là những loại đặc sản, bán có giá cao nên nhiều gia đình cũng có thu nhập khá, song nguồn lợi tự nhiên bao giờ cũng có hạn. Dần dần, họ đi ra xa hơn, biển sâu hơn, nguy hiểm hơn, khó lặn ngụp hơn. Rồi bãi móng tay cũng cạn kiệt, người dân lại chuyển sang săn loài khác.

Hiện nay, số tàu khai thác xa bờ trên địa bàn huyện Phú Tân rất ít. Phần lớn chỉ quanh quẩn ven bờ, chất lượng thuỷ sản thu được không cao nên không những đầu ra hết sức bấp bênh mà còn nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.

Nghị định 67 của Chính phủ là hướng để vực dậy nghề khai thác xa bờ. Song, do trước giờ chỉ quanh quẩn ven bờ, nên nhiều người sẽ khó có khả năng và kinh nghiệm để quản lý những con tàu công suất lớn và làm chủ ngư trường. Ðiều đáng nói là vốn đóng mới, nâng cấp lớn nên nhiều bà con cũng không có khả năng đối ứng. Chính vì vậy, việc phân bổ chỉ tiêu đóng mới tàu công suất lớn theo Nghị định 67 lần này tập trung cho những hộ thật sự có điều kiện, đảm bảo đầu tư có trọng tâm và phát huy được thế mạnh mũi nhọn, đồng thời phải trang bị cho ngư dân kiến thức, kinh nghiệm làm chủ ngư trường xa bờ.

Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thuỷ sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tỉnh Cà Mau phân bổ cho huyện Phú Tân chỉ tiêu đóng mới 13 tàu công suất lớn để khai thác xa bờ và làm dịch vụ hậu cần.

Ðến nay có 8 hồ sơ đăng ký đã được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt, trong đó có 6 tàu làm khai thác và 2 tàu làm dịch vụ hậu cần. Ðể được đóng mới tàu, ngư dân phải có trong tay ít nhất từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng làm vốn đối ứng, ngoài ra còn phải chủ động kinh phí để đầu tư cho chuyến biển. Hiện nhiều ngư dân đang gặp khó khăn, nhưng với chính sách ưu tiên của Chính phủ và thực hiện có trọng tâm, tin tưởng đây sẽ là hướng tháo gỡ cho khai thác thuỷ sản ở huyện Phú Tân./.

Theo http://baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=38331