Khởi nghiệp thành lập công ty khi ngoài 60 tuổi

Cập nhật, 06:08, Thứ Ba, 21/04/2020 (GMT+7)

Tuổi trẻ và trung niên được xem là tuổi “đẹp” và dễ thành công để bắt tay khởi nghiệp. Song, ở tuổi ngoài 60, ông Ngô Hữu Phước (sinh năm 1956, ở ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ- Tam Bình) vẫn bắt tay khởi nghiệp thành lập Công ty TNHH Cá bống tượng Vĩnh Long.

Ông là một trong những điển hình của phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu” giúp nhau vượt khó thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.

Vợ chồng ông Phước bên ao cá bống tượng của công ty.
Vợ chồng ông Phước bên ao cá bống tượng của công ty.

Từ những mô hình mới lạ đến thành lập công ty

Trưởng thành từ quân đội, năm 1987, ông Phước lập gia đình và phát triển nuôi cả ngàn con gà ác vì “giá cả thời điểm đó khá cao”. Song, “theo quy luật biến đổi của thị trường, mô hình này đã dần “lỗi thời” nên phải liên tục chuyển đổi để có thu nhập cao hơn”- ông Phước kể.

Có thời gian, vợ chồng ông Phước đầu tư ươm giống tôm càng xanh và giống cua biển. Đây là mô hình “có một không hai” ở địa phương vì “sống vùng nước ngọt nhưng nuôi trồng loại thủy sản sống ở vùng nước mặn”.

Theo ông Phước, tôm càng xanh sống nước ngọt nhưng đẻ nước mặn, tuy bước đầu ươm giống khá thành công, nhưng chi phí khá cao vì phải mua nước mặn vận chuyển về với giá 300.000 đ/m3, thương lái đến thu mua phải tốn chi phí đường dài vì vậy “giá bán thấp hơn vùng nước mặn”.

Công ty TNHH Cá bống tượng Vĩnh Long đang phát triển mô hình “lấy ngắn nuôi dài”.
Công ty TNHH Cá bống tượng Vĩnh Long đang phát triển mô hình “lấy ngắn nuôi dài”.

Sau đó, vô tình có 4 con cá hô vào ao nhà, được nghe thông tin về cá hô là giống cá quý hiếm, đầu ra được thị trường ưa chuộng và giá khá cao (300.000- 400.000 đ/kg), nên ông mua thêm con giống để mở rộng chăn nuôi. Ngoài ra, ông còn nuôi các loại cua đinh, cá lăng hơ, cá lạc,...

Chúng tôi hỏi về “cái duyên thành lập công ty cá bống tượng”, ông Phước kể: Năm 2003, thời điểm chưa ai làm được con giống cá bống tượng với số lượng lớn và tỷ lệ hao hụt ít.

Qua 1 năm mày mò, nghiên cứu các kỹ thuật chăn nuôi thiên nhiên kết hợp với nhân tạo, ông đã thành công trong việc ép cá đẻ với tỷ lệ cá sống đạt khoảng 50%, thay vì trước đó những nhà nghiên cứu chỉ làm đạt tỷ lệ vài phần trăm.

Theo ông Phước, “nuôi cá bống tượng thấy ham lắm!” Trung bình, mỗi năm cá đẻ 3- 4 đợt, lúc làm đạt có khi thu được cả trăm ngàn con giống, trong khi chỉ cần bán 1.000 con cũng là đã có trong tay 10 triệu đồng. “Ngày nào người ta cũng điện thoại đặt hàng muốn cháy máy, nhờ đó mà tui có tiền lo cho 3 đứa con lần lượt vào ĐH”- ông Phước khoe.

Sâu canxi được nuôi để làm thức ăn cho cá.
Sâu canxi được nuôi để làm thức ăn cho cá.

Nhận thấy nhu cầu về con giống cũng như cá thịt khá cao, nên từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ông Phước đã mạnh dạn thuê 2ha đất đào ao nuôi cá và thành lập Công ty TNHH Cá bống tượng Vĩnh Long vào tháng 2/2019, do ông làm giám đốc công ty, còn vợ ông là bà Nguyễn Bạch Phượng hỗ trợ về mọi mặt.

Hiện, công ty nuôi cá bống tượng theo mô hình khép kín từ việc tự ươm cá hương, cá giống đến nuôi cá thương phẩm và nuôi ruồi lính đen (hay còn gọi là sâu canxi) để làm thức ăn cho cá “giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và hầu như cá không bị bệnh tật”- bà Phượng nói.

Bên cạnh, tận dụng đất trống trên bờ ao trồng thêm ớt sừng vàng, đu đủ vàng Thái và đu đủ tím Nhật để tăng thêm thu nhập.

“Đoàn kết- hợp tác- nghĩa tình”

Theo bà Phượng, trước đây diện tích ao nhà nhỏ hẹp, chủ yếu là ươm cá giống bán, để phát triển nuôi cá thịt thì cần phải có diện tích đủ rộng để nuôi cá lớn, bán cũng được nhiều tiền hơn. “Cùng với việc thành lập công ty, vợ chồng tui mong muốn có điều kiện giúp đỡ cho cựu chiến binh và phụ nữ nghèo vươn lên làm kinh tế”- bà Phượng nói.

Hiện, nhu cầu về con giống cũng như thịt cá bống tượng khá cao, nếu biết cách khai thác sẽ đem lại nguồn thu lớn.
Hiện, nhu cầu về con giống cũng như thịt cá bống tượng khá cao, nếu biết cách khai thác sẽ đem lại nguồn thu lớn.

Ông Phước tính nhẩm, nếu phát triển 10 bể nuôi với diện tích 1.000m2, nuôi 20.000 con (20 con/m2), nuôi 6- 8 tháng, cá đạt 500 g/con, sẽ cho năng suất 10 tấn, giá bán xuất khẩu khoảng 600.000 đ/kg, “như vậy nguồn thu là không nhỏ”- ông Phước khẳng định chắc nịch.

Song, bước đầu khi thành lập công ty, vợ chồng ông Phước gặp không ít khó khăn về tài chính, năng lực quản lý, điều hành, do xuất thân từ quân đội và nông dân, chưa quen với hoạch toán kinh tế, làm ăn kiểu doanh nghiệp.

Vừa rồi, Hội CCB tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở Nông nghiệp- PTNT khảo sát mô hình nuôi cá bống tượng của công ty nhằm tìm hiểu về mô hình cũng như phương án mở rộng sản xuất- kinh doanh.

Qua đó, giới thiệu công ty tiếp cận với các chương trình hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Theo ông Phước, trước mắt công ty có kế hoạch liên kết với Sở Nông nghiệp- PTNT để bán con giống cung cấp cho các điểm trình diễn hay chương trình hỗ trợ con giống cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Bé Hai- Chủ tịch Hội CCB huyện Tam Bình- cho biết thêm, để hỗ trợ hội viên thành lập công ty, năm qua, hội đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Bình hỗ trợ cho vay ưu đãi 200 triệu đồng để giải quyết một số khó khăn về tài chính.

Ông Võ Văn Lùng- Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh- đánh giá cao mô hình của Công ty TNHH Cá bống tượng Vĩnh Long vì biết sắp xếp sản xuất kinh doanh “lấy ngắn nuôi dài”. Với phương châm “đoàn kết- hợp tác- nghĩa tình”, hội rất trân quý tinh thần phát triển của hội viên.

Giai đoạn 2014- 2019, các cấp hội đã thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” giúp nhau vượt khó thoát nghèo, làm kinh tế giỏi. “Đây là hoạt động mẫu mực, là thương hiệu của Hội CCB”- ông Võ Văn Lùng nhận định.

5 năm qua (2014- 2019), các cấp Hội CCB trong tỉnh đã huy động 525,8 tỷ đồng từ các nguồn vốn ưu đãi và quỹ hội do hội viên đóng góp giúp cho gần 30.630 hội viên mượn không tính lãi. Hiện, toàn hội có 4.267 hội viên sản xuất- kinh doanh hiệu quả. Qua phong trào thi đua, đã giảm được 336 hộ nghèo, hiện toàn hội còn 119 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,75%, nâng mức khá giàu của hội viên lên 69,4%, có 5/9 hội trên cơ sở và 87/148 hội cơ sở không còn hội viên nghèo đa chiều.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI