Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả

Cập nhật, 15:56, Thứ Năm, 13/01/2022 (GMT+7)

 

ĐBSCL có lợi thế trồng cây ăn quả, rau quanh năm.
ĐBSCL có lợi thế trồng cây ăn quả, rau quanh năm.

(VLO) Ngày 13/1, Bộ Nông nghiệp- PTNT phối hợp tổ chức diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 20 với chủ đề: “Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả”.

Theo Cục Trồng trọt, so với khu vực phía Bắc, lợi thế của phía Nam là cho cây ăn quả, rau quanh năm. Sản lượng cây ăn quả ở ĐBSCL chiếm hơn 50% tổng sản lượng phía Nam, nhưng khu vực này còn ít cơ sở chế biến, và chủ yếu xuất khẩu ở dạng quả tươi, thậm chí một số vùng chưa có sơ chế cơ bản.

Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Trái cây của Việt Nam hiện thiếu đồng đều, cả về chất lượng lẫn kích thước. Bên cạnh các vấn đề liên quan tới kiểm dịch thực vật, cũng như an toàn thực phẩm, người sản xuất phải nắm chắc yêu cầu của doanh nghiệp liên kết, cũng như thị trường xuất khẩu.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trình bày, thảo luận các vấn đề về chế biến rau quả mùa vụ; tình hình sản xuất rau quả tại các vùng trọng điểm phía Nam phục vụ chế biến tại chỗ; vấn đề container lạnh, logistics phục vụ xuất khẩu rau quả ứng phó dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam, cho hay: Sáng 13/1, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) đã chính thức thông quan sản phẩm thanh long của Việt Nam. Đây là một thông tin rất vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều loại nông sản của Việt Nam bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, sản lượng có nhu cầu tiêu thụ là rất lớn, các doanh nghiệp phải thường xuyên liên hệ với các đơn vị chức năng ở các cửa khẩu để nắm bắt kịp thời thông tin, tình hình, điều tiết xe lên cửa khẩu xuất đi Trung Quốc một cách hợp lý, nếu không sẽ xảy ra tình trạng ùn ứ, thiệt hại sẽ rất lớn.

Tin, ảnh: NGUYÊN KHANG