Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Cập nhật, 21:44, Thứ Năm, 30/09/2021 (GMT+7)

Tại hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương về giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ và Quốc hội sẽ đồng hành với DN, trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và DN được thụ hưởng thật”.

Vĩnh Long đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động.
Vĩnh Long đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động.

Hoạt động sản xuất kinh doanh rất nhiều khó khăn

Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch- Đầu tư, tỉnh Vĩnh Long hiện có 3.263 DN còn đăng ký hoạt động trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia. Đến ngày 25/9/2021, toàn tỉnh có 40/46 DN trong khu- tuyến công nghiệp hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và ”2 tại chỗ- vùng xanh” với khoảng 7.278 lao động, chiếm khoảng 87% số DN và 16% số lao động. Có 84 DN ngoài các khu-tuyến công nghiệp hoạt động theo các phương án “3 tại chỗ” và “2 tại chỗ- vùng xanh” hoặc kết hợp cả 2 phương án.

Đến nay, trong khu- tuyến công nghiệp, tỉnh đã thực hiện 5 đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 (mũi 1) cho 4.961 người lao động của các DN, chiếm khoảng 69% so với số lao động đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”; tiêm mũi 2 cho 166 người lao động nước ngoài làm việc tại các DN.

Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn như: chi phí thực hiện phương án “3 tại chỗ” lớn; hoạt động sản xuất phải ngừng trệ, tạm dừng một số công đoạn trong sản xuất tại nhà máy; lực lượng lao động bị thiếu hụt, năng suất lao động không cao; việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động còn hạn chế; khó khăn trong cung cấp nguyên liệu đầu vào; các DN chịu sức ép lớn từ các đối tác, đơn hàng; kinh phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao,...

Trong khi đó, việc thu hút đầu tư, đăng ký thành lập DN mới giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đến ngày 24/9/2021, số DN thành lập mới giảm 56 DN so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, có 101 DN gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường, sản xuất kinh doanh không hiệu quả nên đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 60 DN làm thủ tục giải thể, tăng 10 DN so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 179 giảm 33 so với cùng kỳ.

Tỉnh Vĩnh Long đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời trong điều hành, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế; kịp thời ban hành các hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch tại các DN tương ứng và phù hợp từng thời điểm địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Thực hiện khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, vướng mắc của các cơ sở sản xuất kinh doanh, DN đang hoạt động cũng như đã tạm nghỉ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, sớm khôi phục hoạt động sản xuất.

Đồng thời, tỉnh đã lãnh- chỉ đạo triển khai và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho DN và người lao động theo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ như giảm giá điện, giảm tiền điện; gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất... Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, tiếp cận nguồn vốn vay đề duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tạo mọi điều kiện hỗ trợ DN phục hồi hoạt động

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với cộng đồng DN và các địa phương ngày 26/9/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN trong thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho DN được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP đã được cộng đồng DN đánh giá cao, về cơ bản, những vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối mặt đã và đang được xem xét, giải quyết. Các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao tại nghị quyết và cơ bản hoàn thành đúng tiến độ theo quy định.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương đã và đang tích cực triển khai các chính sách và giải pháp khác nhằm hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP; triển khai Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025... Các tổ công tác đặc biệt Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư cũng đang được triển khai tích cực, nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ và Quốc hội sẽ đồng hành với DN, trên tinh thần “3 không và 5 thật” (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm và nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật) khi giải quyết các kiến nghị, khó khăn.

Theo Thủ tướng, các đại biểu tham dự hội nghị đều thống nhất cao với chủ trương chuyển trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh mới. Để hiện thực hóa chủ chương này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thích ứng và sẽ sớm ban hành hướng dẫn tạm thời. Nhưng đây là việc chưa có tiền lệ, nên Thủ tướng yêu cầu phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên trước khi ban hành hướng dẫn mới.

“Chúng tôi mong muốn cộng đồng DN thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội, góp ý về đột phá thể chế, chính sách, pháp luật. Đồng thời tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để chủ động ứng phó với mọi tình huống”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

 

 

Các tin khác: