Nâng chất tiêu chí thu nhập từ khâu tiêu thụ nông sản

Cập nhật, 16:07, Thứ Tư, 29/09/2021 (GMT+7)

 

 Thời gian tới, sản xuất nông nghiệp sẽ được gắn với thị trường tiêu thụ để đảm bảo thu nhập cho nông dân.
Thời gian tới, sản xuất nông nghiệp sẽ được gắn với thị trường tiêu thụ để đảm bảo thu nhập cho nông dân.

Để đưa huyện Bình Tân đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM), song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, việc hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập là vấn đề rất đáng quan tâm vì mục tiêu cuối cùng trong xây dựng NTM là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và giải pháp đó là làm sao để nông dân tiêu thụ được nông sản.

Cần sản xuất theo “đặt hàng”

Đến nay, huyện Bình Tân có 6/9 xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt 5/9 tiêu chí huyện NTM. “Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định, nhất là khoai lang tím Nhật ở mức thấp, có lúc chỉ còn 40.000 đ/tạ (60kg), nông dân phải chịu lỗ do chi phí sản xuất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân”- ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân thông tin.

Hiện vấn đề mà huyện quan tâm là làm sao đẩy mạnh việc kêu gọi các doanh nghiệp, công ty hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Trên thực tế, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều lao động làm khoai bị thất nghiệp, đầu ra nông sản gặp khó… Vì vậy, “phải rất vất vả để thực hiện đạt tiêu chí thu nhập vì theo quy định thu nhập bình quân đầu người phải đạt 51 triệu đồng/năm”- bà Võ Ngọc Thơ- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho biết.

Bà Võ Ngọc Thơ cũng thông tin, các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện, trong đó có khoai lang đang nổi lên một số vấn đề khó khăn về sản xuất và tiêu thụ. Ngành nông nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất trong những tháng cuối năm để hạn chế rủi ro cho nông dân. Riêng kế hoạch sản xuất khoai lang theo hướng giảm diện tích, nâng cơ cấu tỷ lệ cây màu nâng cao chất lượng.

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng, lâu nay giữa sản xuất với tiêu thụ thường không tránh khỏi điệp khúc “được mùa, rớt giá” hay “được giá, mất mùa”. Hiện, con đường giúp nông dân tiêu thụ nông sản vẫn chủ yếu thông qua thương lái. Trong thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh, nếu không thành lập được các tổ thu mua thì nông dân khó bán được nông sản. Thêm một vấn đề nghịch lý là tỉnh Vĩnh Long có vùng nguyên liệu nhưng nông dân không kết nối được với doanh nghiệp, trong khi đa số các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh lại mua nguyên liệu ở nơi khác. “Tới đây, khi nông dân đầu tư sản xuất cần chăm chú nhiều hơn đến tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường để đảm bảo tiêu thụ”- ông Lữ Quang Ngời lưu ý.

Thay đổi tư duy sản xuất

Theo ông Lữ Quang Ngời, thời gian tới, địa phương cần vận động nông dân sản xuất theo quy hoạch và có “đặt hàng”. Tức là, sản phẩm làm ra phải kết nối được cung cầu, làm sao tính toán được nuôi, trồng cây con gì và bán cho ai. Bên cạnh, cần có những “cú huých” để đưa huyện Bình Tân phát triển hơn nữa. Trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Long đã xác định 3 cây, 3 con chủ lực. Nếu nông dân chưa thực hiện theo quy hoạch và có bất cập, thì cần phải điều chỉnh, định hướng để nông dân bám sát quy hoạch chung. Sản xuất phải có căn cơ, thông qua đầu mối tiêu thụ để sản phẩm làm ra không bị dư thừa.

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- nhận định: Khi mới chia tách huyện, Bình Tân là một trong những nơi rất nghèo, vùng đất đầm lầy, sản xuất cho năng suất thấp, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đường đan 1m để xe 2 bánh chạy, điều kiện phát triển dịch vụ rất hạn chế. Song, đến nay huyện đã có bước phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa- xã hội... Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, huyện Bình Tân đã xây dựng được nhiều mô hình mới, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Bình Tân cũng là một trong những địa phương thực hiện khá hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của Bình Tân đạt 49 triệu đồng/năm, chỉ thấp hơn TP Vĩnh Long và TX Bình Minh. Tỉnh chọn Bình Tân xây huyện NTM (sau TX Bình Minh) xuất phát từ chính sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân huyện.

“Thời gian tới, huyện Bình Tân cần rà soát lại quy hoạch sản xuất và đánh giá lại sản lượng, giá bán và vấn đề tiêu thụ để điều chỉnh ngay, phải tính toán loại nào bán để chế biến, xuất khẩu, bán ở chợ truyền thống, vô siêu thị, nhà hàng… và có thể cung cấp cho thị trường liên tục, không bị đứt chuỗi cung ứng”- Bí thư Tỉnh ủy lưu ý và cho rằng: Bình Tân có thể sản xuất nhiều loại cây trồng khác nhau để thương lái có thể thu mua nhiều loại nông sản cùng lúc rồi vận chuyển thẳng đến nơi bán. Khi có sự cân đối như vậy thì sản phẩm làm ra mới đảm bảo, chứ bằng không sẽ có những mặt hàng rất là thừa trong khi có những mặt hàng không có để bán.

“Sau này, khi xuất khẩu khoai lang phải qua đường chính ngạch, thì sẽ có sự kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng phân thuốc. Lãnh đạo huyện Bình Tân có thể làm việc với một số nông dân tâm huyết để thay đổi tư duy sản xuất, rút kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản”- Bí thư Tỉnh ủy lưu ý và cho rằng: Muốn thay đổi được tư duy của nông dân, trước nhất là từ huyện ủy rồi đến xã, ấp… cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ và làm theo, chung tay giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản. Trước mắt, có thể làm 1 mô hình nhỏ, sản xuất sạch, gắn với tiêu thụ, chế biến. Sau khi làm được những mô hình nhỏ sẽ làm những mô hình lớn hơn và phải tính toán đến tiêu thụ, khi cần thiết có thể sản xuất thì rải vụ hoặc chuyển sang cây trồng khác.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

 
Các tin khác: