"Chóng mặt" với giá phân bón

Cập nhật, 07:54, Thứ Tư, 01/09/2021 (GMT+7)

Nguồn cung một số loại phân bón ít hàng, giá đã tăng 60- 80% so với đầu năm, trong khi giá nông sản lại ở mức thấp, nông dân càng thêm lo lắng.

Người dân lo lắng vì giá phân bón cao, trong khi giá nông sản thấp.
Người dân lo lắng vì giá phân bón cao, trong khi giá nông sản thấp.

Giá tăng nhanh chưa từng có

Nhiều chủ cửa hành kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, các loại phân bón như: DAP, Urê, Kali, NPK,… đều đồng loạt tăng giá, mức tăng trung bình từ vài chục ngàn đồng, có loại tăng 300.000 đ/bao. Trong đó, giá phân bón DAP, NPK, Kali tăng từ 60- 80%, các loại phân Urê cũng tăng hơn 80% so với đầu năm 2021.

Một số chủ cửa hàng cho hay, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ thấy giá phân bón liên tục tăng “chóng mặt” như vậy. Bên cạnh đó, nguồn cung một số loại phân bón nhập khẩu cũng không nhiều.

Chị Đặng Thị Cẩm- Đại lý Vật tư nông nghiệp Thắm Lộc (xã Thanh Đức- Long Hồ) cho biết: “Giá phân bón tăng quá nhanh. Phân tổng hợp tăng vài chục ngàn đồng, còn phân nhập khẩu từ nước ngoài tăng 70- 80%. Do hàng nhập khẩu thiếu nguồn cung, trong khi giá nguyên liệu nhập khẩu, phí vận chuyển tăng, nên đẩy giá phân tăng mạnh. Giờ các loại phân nhập khẩu bán hết là không nhập hàng được nữa”.

Chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) cho hay: Cửa hàng phải thanh toán tiền ngay cho mỗi lần nhập hàng, nhưng phải bán nợ cho nhiều nông dân và chờ đến khi nông dân thu hoạch nông sản mới được thanh toán nên không dám mua dự trữ nhiều, vì giá tăng mạnh quá, cửa hàng cũng rất khó xoay vốn.

Trước tình trạng giá phân bón tăng mạnh, nhiều nông dân đang rất lo lắng bởi nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch, nhưng giá lại rất thấp, khó đầu ra, nông dân lo thiếu tiền phân bón vụ này, sẽ khó mua cho vụ sau.

Có 7 công lúa vừa thu hoạch xong, ông Trịnh Văn Hải (xã Bình Phước- Mang Thít) cho hay: “Vụ này giá phân bón đã tăng mấy triệu đồng, trong khi lúa chỉ bán được 104.000 đ/giạ, giá này là lỗ rồi. Tôi chỉ mới trả được một phần tiền phân thuốc cho đại lý, còn thiếu tiền nữa”.

Theo Sở Công thương tỉnh, qua phản ánh của người dân về giá phân bón tăng cao, sở đã nắm tình hình diễn biến thị trường và qua kiểm tra, mặt hàng phân bón trên địa bàn tỉnh không thiếu, đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, giá phân bón trong thời gian qua tăng do giá nguyên liệu của thế giới tăng từ 30- 40%; cước chi phí vận chuyển đường biển từ nước ngoài về tăng từ 20- 30%. Thêm vào đó, chi phí sản xuất tăng 15- 20% (do tình hình giãn cách tăng chi phí sản xuất “3 tại chỗ”, chi phí xét nghiệm, chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất đến đại lý).

Cần siết chặt kiểm tra, ổn định thị trường

Trước tình trạng phân bón tăng liên tục và chưa có dấu hiệu giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, nhiều nông dân còn lo lắng nạn phân bón giả, kém chất lượng còn tồn tại trên thị trường trong thời gian qua. Ông Hải bày tỏ: “Thấy trên báo đài thông tin phát hiện nhiều vụ phân bón giả, kém chất lượng, nông dân tụi tui lo lắm, vì nhìn mắt thường đâu biết được phân thật- phân giả. Do đó, mong muốn ngành chức năng cần có giải pháp bình ổn thị trường vật tư nông nghiệp, nhất là hạ giá phân bón. Đồng thời, cần theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Có như vậy, người dân mới giảm rủi ro, an tâm đầu tư sản xuất”.

Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- cho biết: Qua kiểm tra, vào đầu tháng 6/2021 giá phân bón có đợt biến động tăng liên tục, đến cuối tháng 6/2021 thì ổn định trở lại, nhưng hiện vẫn ở mức cao, không có hiện tượng găm hàng. Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ phối hợp Sở Công thương, Sở Nông nghiệp- PTNT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá, sản xuất kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng.

Đầu tháng 8/2021, Bộ Nông nghiệp- PTNT và Bộ Công thương tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh ĐBSCL và các doanh nghiệp sản xuất phân bón trên cả nước, tìm giải pháp để chống nạn phân bón giả, phân bón nhập lậu gian lận thương mại và bình ổn giá phân bón.

Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp.
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp.

Theo Bộ Công thương, phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc bình ổn sẽ rất khó khăn khi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng. Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam phải được bán với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu, đưa phân bón đến tay nông dân với giá thấp nhất.

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ động làm việc với các kênh phân phối để có các giải pháp bảo đảm lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ Đông Xuân sắp tới. Ngành công thương và ngành nông nghiệp- PTNT sẽ cố gắng đề xuất một số giải pháp góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN