Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó

Cập nhật, 14:40, Thứ Ba, 31/08/2021 (GMT+7)
Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó.
Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó.

Thời gian qua, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản chịu ảnh hưởng đáng kể bởi dịch COVID- 19. Để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung- cầu nông sản, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp vượt khó trong dịch bệnh và cả những tác động của mưa bão, lũ.

Nhiều nông sản giá giảm do ảnh hưởng dịch bệnh

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, đến nay toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa Hè Thu, ước năng suất bình quân đạt 5,58 tấn/ha. Giá lúa ướt IR 50404 cao nhất trong tháng là 5.300 đ/kg, giảm 2.500 đ/kg so với tháng trước. Do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 nên việc thương lái đi thu mua, vận chuyển và tiêu thụ lúa gặp khó khăn khiến giá lúa giảm.

Vụ mùa rau màu năm nay, toàn tỉnh đã xuống giống được 6.965ha, đạt 40,6% kế hoạch, giảm 2,3% hay 162ha so với cùng kỳ năm trước. Riêng khoai lang, xuống giống được 206ha, giảm 77,7% hay 715ha so với cùng kỳ năm trước. Giá khoai lang tím Nhật cao nhất trong tháng là 85.000 đ/tạ. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì giá khoai đã giảm tới 765.000 đ/tạ. Giá khoai lang tím Nhật ở mức thấp do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, thương lái đã tạm ngưng thu mua khoai lang do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Do ảnh hưởng dịch bệnh, giá một số trái cây lâu năm như Bưởi Năm Roi, chôm chôm, nhãn, thanh long ruột đỏ đã giảm đáng kể, trong đó có loại đã giảm 13.000 đ/kg với tháng trước và giảm 17.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do giá bán thấp, nhất là heo hơi và gà công nghiệp lông trắng, sản lượng tồn đọng còn nhiều. Trong đó, giá heo hơi hiện ở mức 55.000 đ/kg,
giảm 11.000 đ/kg so với tháng trước, giảm 33.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, do ảnh hưởng của dịch COVID- 19,
nhất là thực hiện giãn cách xã hội nên lượng thịt heo tại chợ tiêu thụ chậm, thương lái thu mua với giá thấp.

Bà Huỳnh Thanh Trang- kinh doanh thịt heo ở chợ Phường 2 (TP Vĩnh Long)- cho biết, sức mua tại sạp của bà đã giảm hơn một nửa. Hiện bà chỉ lấy lượng thịt để bán chủ yếu dựa theo những đơn được khách hàng đặt mua qua mạng, đồng thời bà còn kiêm luôn đi chợ thay cho khách hàng để mua những loại thực phẩm khác ngoài thịt heo, để giữ mối.

Hiện giá gà trắng công nghiệp ở mức rất thấp, khoảng 15.000 đ/kg và sản lượng gà còn tồn đọng nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do thực hiện tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội nên các tiểu thương nghỉ bán và một số chợ truyền thống đóng cửa. Người tiêu dùng không đi chợ. Các nhà hàng, quán ăn tạm dừng hoạt động.

Đối với ngành hàng thủy sản, giá cá tra và cá điêu hồng ổn định ở mức 22.000 đ/kg và 35.000 đ/kg, với giá này thì người nuôi cá điêu hồng có lời khá nhưng người nuôi cá thì chưa có lời. Trong khi đó, cá điêu hồng hiện nay tiêu thụ giảm khoảng 60% so với trước, chỉ khoảng 10- 12 tấn/ngày (trước đây tiêu thụ 28- 30 tấn/ngày). Cá tra hiện nay không xuất được, việc thu hoạch cá tra cũng gặp nhiều khó khăn về nhân công, vận chuyển. Chưa kể, các nhà máy chế biến thủy sản thực hiện “3 tại chỗ” lại thiếu nơi cho công nhân ở tại nhà máy.

Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó

Để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch COVID- 19 cũng như tác động của mưa, bão, lũ đến sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo nhằm giữ vững sản xuất, tiêu thụ, không để đứt gãy chuỗi cung- cầu nông sản. Theo đó, Sở Nông nghiệp- PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án đảm bảo kế hoạch, tiến độ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, lưu thông, phân phối trong trường hợp địa phương bị giãn cách xã hội do dịch COVID- 19. Tăng cường công tác dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại trên cây trồng, cập nhật thông tin thường xuyên và có hướng dẫn kịp thời tới người sản xuất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, kiên quyết xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.

Đặc biệt trong tình hình dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch và nông sản bị ách tắc, ùn ứ, tiêu thụ khó khăn. Giá bán giảm đối với một số mặt hàng nông sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Giải pháp cụ thể đối với cây lúa cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống linh hoạt phù hợp theo nguồn nước, thời tiết khí hậu, đất đai của địa phương và nhu cầu thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng ở những diện tích trồng lúa không chủ động nước, kém hiệu quả sang cây trồng cạn ngắn ngày. Khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Đối với cây rau, màu, cần xây dựng kế hoạch sản xuất rau màu linh hoạt, xem xét điều chỉnh cơ cấu giống rau, củ, quả có thời gian bảo quản kéo dài, phù hợp thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ rau tại địa phương, cung ứng ngoài tỉnh, chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý, quản lý dịch hại và bón phân cân đối. Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tuyệt đối không để úng cục bộ, liên vùng.

Đối với cây ăn trái, tiếp tục củng cố hệ thống đê bao, bờ bao, hạn chế ảnh hưởng của lũ đối với vùng sản xuất cây ăn trái trên nền đất thấp; chủ động nguồn nhân lực để đảm bảo việc thu hái, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ trái cây đối với thị trường nội địa và xuất khẩu; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; tích cực, chủ động rà soát, đánh giá hệ thống thu mua, tồn trữ, bảo quản kịp thời điều tiết khi có diễn biến bất lợi của thị trường.

Bài, ảnh: THÀNH LONG