Tạo thế và lực mới trong phát triển khu- tuyến công nghiệp

Cập nhật, 08:52, Thứ Sáu, 25/09/2020 (GMT+7)

 

Vĩnh Long đang tạo thế và lực mới trong phát triển khu- tuyến công nghiệp.
Vĩnh Long đang tạo thế và lực mới trong phát triển khu- tuyến công nghiệp.

Yêu cầu công nghiệp (CN) hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, Vĩnh Long đã và đang tập trung mọi nguồn lực phấn đấu trở thành tỉnh CN theo hướng hiện đại ở ĐBSCL.

Trong đó, việc phát triển các khu- tuyến CN trở thành “thỏi nam châm” trong thu hút nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm,… tạo thế và lực mới trong tiến trình phát triển.

Đột phá trong lấp đầy khu- tuyến CN

Theo Ban Quản lý Các khu CN, công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, nhiều hình thức xúc tiến đầu tư… đã góp phần giới thiệu hình ảnh, môi trường đầu tư năng động, cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Long đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2016- 2020, tỉnh đã quy hoạch phát triển 5 khu CN, 1 tuyến CN với 1.382,53ha.

Trong đó, Khu CN Hòa Phú giai đoạn 2 đang xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ lấp đầy khoảng 97,8%. Hiện có 15 dự án đầu tư (13 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 659 tỷ đồng và 192,35 triệu USD.

Đã có 2 dự án đi vào hoạt động. Khu CN Bình Minh đã thu hút được 28 dự án (10 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 798,26 tỷ đồng và 192,9 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy đạt 72,4% và đã có 19 dự án đi vào hoạt động. Tuyến CN Cổ Chiên- khu IV đã có 5 dự án đầu tư (2 dự án FDI); khu V đã tái bố trí 27 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch. Tỉnh cũng đã định hướng quy hoạch phát triển 14 cụm CN với 692ha.

Đến năm 2020, các khu- tuyến CN ước sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 lao động, tăng hơn 10.000 lao động so với năm 2016. Trong đó, lao động trong tỉnh chiếm 84%; lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm 16% so với tổng số lao động.

Ông Phạm Thành Khôn- Trưởng Ban Quản lý Các khu CN tỉnh- cho biết tỉnh cũng đang hoàn thiện, chuẩn bị đầu tư khu CN Đông Bình, Bình Tân và An Định với 950ha. Đến nay, đã hoàn thành và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được 8/14 cụm CN với 403ha; trong đó, có 3 cụm CN đang được các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư.

Ông Phạm Thành Khôn cho rằng, đóng góp của các khu CN trong 5 năm qua là rất đáng kể, khi giá trị sản lượng CN trong khu CN chiếm 56- 58%; giá trị xuất khẩu đạt xấp xỉ 85% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.

Bên cạnh, các chỉ tiêu việc làm, môi trường… đều đạt kế hoạch. Đây là nét nổi bật trong lãnh đạo điều hành. Đồng thời, đột phá giai đoạn qua là việc phát triển và lấp đầy khu CN là khá nhanh, nếu trước năm 2016 đạt chỉ 45% thì đến nay là 98%. Xúc tiến đầu tư mỗi năm cũng tăng, các nhà đầu tư FDI chiếm tỷ trọng lớn. Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả.

Những năm qua, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, việc phối hợp với các sở, ngành tỉnh trong công tác quản lý nhà nước đối với các khu CN được thực hiện tốt theo hướng “một cửa” tránh trùng lắp, chồng chéo.

Ban Quản lý Các khu CN thường xuyên đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhiều hình thức, hướng đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết kịp thời, những khó khăn, vướng mắc; không để các vụ việc giải quyết dây dưa, kéo dài.

Một trong những điểm đáng ghi nhận của Vĩnh Long là đã cụ thể hóa các quy định của Trung ương vào điều kiện thực tế địa phương; ban hành chính sách hỗ trợ về giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tiếp tục giới thiệu, quảng bá rộng rãi những tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư vào các khu- tuyến CN của tỉnh.

Cùng với đó, theo ông Lê Văn Sanh- Phó Giám đốc Thường trực Công ty CP Hòa Phú, việc hoàn thiện hạ tầng khu CN là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, nhất là DN nước ngoài. Đến nay, đã lắp đặt toàn bộ hệ thống cung cấp nước sạch đến cổng doanh nghiệp. Nhà máy xử lý nước thải với công suất 4.000 m3/ngày đêm, chuẩn bị nâng cấp lên 6.900 m3/ngày đêm. Việc cung cấp điện rất tốt.

“Thỏi nam châm” hút vốn đầu tư

Với mục tiêu không ngừng tăng cường cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và thuận lợi, góp phần thu hút đầu tư lấp đầy các khu CN, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách,…

Ban Quản lý Các khu CN mời gọi các nhà đầu tư với những ngành nghề theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt trên các lĩnh vực: CN chế biến nông sản, thủy sản; chế biến thực phẩm; điện- điện tử; CN hóa dược; cơ khí, đặc biệt là cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất CN, nông nghiệp; dệt may; và một số lĩnh vực sản xuất sản phẩm CN hỗ trợ khác…

Trong khi nhiều tỉnh- thành ĐBSCL thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu từ các nước Châu Á thì Vĩnh Long lại thu hút nhiều từ Châu Âu.

Điều này được ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ nhận định “là khá đặc biệt”, đồng thời cũng cho thấy đã có sự đánh giá về những thuận lợi của Vĩnh Long trong mắt các nhà đầu tư. Trong đó, có việc mạnh dạn bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Những cải cách này cùng các yếu tố nội lực và ngoại lực- khi tới đây nhiều dự án giao thông trọng điểm như: cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận; Mỹ Thuận- Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào khai thác, được cho là điều kiện rất tốt để tỉnh kết nối mở rộng “bản đồ” thu hút đầu tư.

Ông Phạm Thành Khôn cho rằng làn sóng đầu tư từ năm 2017 đến nay vào Vĩnh Long là rất tốt. Và dự báo sẽ còn tốt hơn khi tới đây tỉnh sẽ phát triển một số khu CN mới. Để tạo bước chạy đà tốt hơn, Ban Quản lý Các khu CN cho biết đã trình UBND tỉnh xem xét lập đề án hình thành thêm 3 khu CN giai đoạn 2025- 2030.

Song song đó, việc tận dụng cơ hội, điều kiện, thành tựu của cuộc cách mạng CN lần thứ tư để mở rộng quy mô, tạo chuyển biến nhanh trong phát triển CN cũng được tỉnh xác định. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; phấn đấu chỉ số sản xuất CN giai đoạn 2021- 2025 tăng bình quân 12 %/năm.

Tập trung phát triển CN chế biến nông sản, thủy sản; CN phục vụ nông nghiệp và nông thôn; thu hút đầu tư để phát triển CN hỗ trợ, tăng năng lực sản xuất mới, tạo cơ hội tham gia chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng.

Để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có năng lực làm “đầu tàu”, Vĩnh Long tiếp tục quan tâm, nghiên cứu việc tạo lập và xây dựng tốt hơn hình ảnh của địa phương trong mắt nhà đầu tư; lựa chọn dự án có trình độ quản trị, công nghệ, có khả năng kết nối với các DN trên địa bàn để khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, qua đó tăng hiệu quả đóng góp của DN đối với nền kinh tế của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh sẽ thường xuyên đổi mới các hình thức quảng bá xúc tiến đầu tư; rà soát, điều chỉnh, áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để tạo động lực thúc đẩy các dự án sớm triển khai, đi vào hoạt động.

Chỉ số sản xuất CN giai đoạn 2016- 2020 tăng bình quân 9,8 %/năm; giá trị sản xuất CN năm 2020 (giá so sánh 2010) gấp 1,84 lần năm 2015, bình quân tăng 13 %/năm. CN chế biến là ngành chủ lực chiếm tỷ trọng 98,4% giá trị sản xuất và tăng bình quân 13 %/năm. Đã hình thành một số ngành hàng có lợi thế so sánh như: giày da, may mặc, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, thức ăn chăn nuôi.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH