Cần chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Cập nhật, 18:08, Thứ Năm, 24/09/2020 (GMT+7)

Báo Vĩnh Long kỳ này xin giới thiệu ý kiến tâm huyết của ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- gửi đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025.

 

Trước tiên, phải nói rằng, sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà có sự đóng góp chung của ngành nông nghiệp. Cá nhân tôi thấy rất vinh dự và tự hào, bởi thời gian qua đã có những nỗ lực hết mình cho thành quả chung.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, sự đóng góp đó chưa được trọn vẹn, bởi tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy giao (tăng trưởng 3,5%), nhưng chỉ thực hiện đạt 2,23%. Ngoài ra, cơ cấu lại ngành nông nghiệp chuyển dịch còn chậm, có một vài thời điểm còn bị động, lúng túng. Đặc biệt, tình hình thiên tai, dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, giá cả nông sản không ổn định đã tác động không nhỏ đến sản xuất. Tiến độ các công trình còn chậm, khâu giải phóng mặt bằng, giải ngân, nghiệm thu còn chưa hoàn thiện.

Trong khi đó, Tỉnh ủy vẫn chọn ngành nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, vẫn xem đây là thế mạnh và là lĩnh vực trọng tâm phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Từ đó đòi hỏi trách nhiệm của ngành nông nghiệp phải nâng cao hơn nữa để xứng đáng với niềm tin đó.

Với tư cách là một người quản lý trong ngành nông nghiệp, tôi rất mong mỏi có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, thái độ, nhận thức của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến theo hướng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để phát triển bền vững. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, sản xuất nhỏ lẻ, mang mún đang bộc lộ rõ những hạn chế, do đó cần phải nâng cao quy mô sản xuất, đặc biệt là có tính liên kết, hợp tác và theo nhu cầu của thị trường chứ không sản xuất theo những gì mình có sẵn.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành những mô hình sản xuất có quy mô lớn nhưng để chuyển sang kinh tế nông nghiệp thì cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng để theo kịp xu thế phát triển, không bị bỏ lại ở phía sau. Nếu vẫn giữ tư duy, tập quán cũ thì hàng hóa sản xuất ra rất khó tiêu thụ; thu nhập, lợi nhuận của người dân sẽ không cao.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, hiện ngành nông nghiệp cũng đã đề ra một số giải pháp cho nhiệm kỳ tới, nhằm phục vụ sản xuất được tốt nhất dưới những tác động của biến đổi khí hậu. Nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo ngày càng gay gắt. Do đó, kế hoạch xây dựng hệ thống công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt cũng được ngành nông nghiệp đặt ra.

Thứ hai, những giải pháp thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình mới, giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, đặc biệt là những loại có giá trị cao, phù hợp thị trường, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Thứ ba, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được thúc đẩy thông qua vai trò của cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn hỗ trợ người dân thông qua tập huấn, hướng dẫn, ban hành quy trình, xây dựng mô hình để người dân cập nhật, ứng dụng vào sản xuất, đặc biệt ở khâu cơ giới hóa và chế biến nông sản.

Một nhiệm vụ rất cần thiết hiện nay là tổ chức liên kết sản xuất- đây cũng là vấn đề hiện gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa đồng thuận liên kết thông qua hình thức kinh tế hợp tác như tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác.

Do đó, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng đề xuất, ban hành chính sách, giải pháp thúc đẩy tính liên kết hợp tác, hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giúp người dân chuyển dịch một phần lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Từ đó nâng dần quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận.

Ngoài ra, để tiêu thụ nông sản, ngành nông nghiệp có kế hoạch xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chứng nhận mô hình đạt tiêu chuẩn an toàn. Vì hiện nay việc tiêu thụ nông sản rất cần đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng theo yêu cầu của các đối tác.

Chuyển sản xuất nhỏ lẻ tự cung tự cấp sang hình thành vùng nguyên liệu lớn, thâm canh cao để cung cấp đủ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Doanh nghiệp và nông dân có ký kết sản xuất- tiêu thụ nông sản lâu dài và bền vững.

Với những giải pháp tổng thể như trên, với quyết tâm, đồng thuận của người dân, sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp của cả hệ thống chính trị, tôi tin rằng nông nghiệp Vĩnh Long sẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ tới.

LÊ SƠN (thực hiện)