Blog thị trường

Tính đường dài cho gạo Việt Nam

Cập nhật, 08:47, Thứ Sáu, 25/09/2020 (GMT+7)

Với cam kết giảm thuế sâu, hạt gạo Việt Nam được kỳ vọng tăng hiện diện tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Ngành nông nghiệp cũng như nhiều doanh nghiệp đang tích cực hỗ trợ nông dân trồng lúa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhằm tính đường dài cho hạt gạo mở rộng thị trường xuất khẩu.

Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức “Lễ công bố xuất khẩu lô gạo thơm sang Châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA)”.

Đây được xem là “chìa khóa” để mặt hàng gạo nước ta mà chủ lực là ở ĐBSCL có thể tiếp cận được thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 511 triệu người. Đây là lô hàng gạo đầu tiên xuất sang EU được hưởng ưu đãi thuế 0% theo EVFTA, sau mặt hàng cà phê, ca cao Tây Nguyên và dừa Bến Tre.

Theo đó, đợt này, Tập đoàn Lộc Trời sẽ xuất khẩu lô hàng 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85, được đóng gói theo quy cách 18kg sang thị trường EU, đáp ứng tiêu chuẩn của Nghị định 103/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU.

Từ năm 2018, Tập đoàn Lộc Trời đã chú trọng đến việc đầu tư tập trung cho việc trồng và kiểm soát chất lượng gạo. Theo điều kiện EVFTA, tập đoàn đã có sự chuẩn bị trên các lĩnh vực về giống chứng nhận, vùng trồng, lực lượng 3 cùng; chủ động làm việc với các đối tác EU để nắm bắt về số lượng, chủng loại và các yêu cầu khác để đáp ứng phù hợp.

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), EU cấp hạn ngạch cho gạo Việt Nam 80.000 tấn/năm, thuế suất 0%; trong đó, có 30.000 tấn gạo thơm các loại. Theo nhận định, thị trường EU là điểm khởi phát để gạo Việt Nam đi vào các thị trường chất lượng cao khác.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều giống lúa cho chất lượng gạo rất ngon. Nông dân và doanh nghiệp có thừa khả năng sản xuất lúa gạo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật do EU đặt ra.

Một khi được thị trường EU chấp nhận sẽ tạo thành thương hiệu cho gạo Việt Nam. Đây sẽ là một giá trị vô hình, là cơ hội để Việt Nam xây dựng thương hiệu không chỉ cho hạt gạo mà còn nhiều nông sản thế mạnh khác.

N. HOÀNG