Phát triển công nghiệp- hướng đến hiện đại và bền vững

Cập nhật, 13:51, Chủ Nhật, 06/09/2020 (GMT+7)

 

Nhiều doanh nghiệp yên tâm đầu tư tại Vĩnh Long.
Nhiều doanh nghiệp yên tâm đầu tư tại Vĩnh Long.

Mới mạnh mẽ “hội nhập” trong thu hút đầu tư (ĐT) hơn 15 năm, tức từ sau khi 2 Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú và Bình Minh và khu IV- Tuyến CN Cổ Chiên thành lập (khoảng năm 2004), nhưng Vĩnh Long đã nhanh chóng chứng minh được tiềm năng, thế mạnh phát triển CN.

Trong định hướng, tỉnh xác định rõ, từng bước phát triển những ngành ít ảnh hưởng đến môi trường, ưu tiên ngành có lợi thế giá trị gia tăng cao, đưa CN phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

CN trở thành động lực tăng trưởng

Với những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng, sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh và từ kết quả của đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, Vĩnh Long đứng trước những cơ hội rất lớn để thu hút ĐT, phát triển CN- theo các chuyên gia kinh tế.

Theo số liệu từ Ban Quản lý các KCN, từ khi thành lập các KCN đến nay, Vĩnh Long luôn chú trọng kêu gọi, thu hút ĐT xây dựng nhiều KCN theo hướng hiện đại, kiểu mẫu. Như KCN Hòa Phú (Long Hồ)- vùng đất thuần nông ngày nào, đã đóng góp đáng kể vào giải quyết lao động và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Với hơn 250ha, đến nay thu hút trên 20 dự án, các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN này đã phát huy hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng sản xuất CN của tỉnh, nâng cao giá trị xuất khẩu.

KCN Bình Minh hơn 400ha, trong đó đất CN khoảng 307ha, đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, đặc biệt là hệ thống thu gom và xử lý nước thải đã đi vào hoạt động…

Cũng theo Ban Quản lý các KCN, nếu năm 2005 toàn tỉnh chỉ có 5 doanh nghiệp ĐT vào các khu và tuyến CN, với số vốn ĐT đăng ký khoảng 118 tỷ đồng và 10 triệu USD, thì đến nay khoảng 64 dự án (35 dự án FDI) với tổng vốn ĐT đăng ký hơn 1.779,08 tỷ đồng. Đáng chú ý, các KCN đã góp phần tích cực giải quyết việc làm.

Từ khoảng 2.676 lao động năm 2005, đến nay đã có hơn 41.000 lao động. Đồng thời, thu hút, mời gọi ĐT vào lĩnh vực nông nghiệp mang lại những kết quả khá tích cực, với nhiều dự án: sản xuất thức ăn cho gia súc, cho gia cầm, thức ăn thủy sản của Công ty TNHH Cj Vina Agri; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản của Công ty CP Greenfeed Việt Nam… góp phần đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững.

Phát triển CN kèm theo phát triển thị trường và hệ thống phân phối sản phẩm là yếu tố sống còn. Ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương- cho biết, đã tăng cường các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại; hỗ trợ các ngành nghề truyền thống phát triển mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ mới; nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở, doanh nghiệp.

Đánh giá của Sở Kế hoạch- ĐT về kết quả 5 năm (2016- 2020) thực hiện Chương trình thu hút vốn ĐT cho thấy, đã khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn huy động ĐT phát triển kinh tế- xã hội, được khoảng 65.569 tỷ đồng, đạt 73,67% so với chỉ tiêu.

Giai đoạn này, phát triển được 1.312 doanh nghiệp. Đến cuối năm 2019, có 250 dự án còn hiệu lực, với tổng mức vốn đăng ký ĐT ước khoảng 25.852 tỷ đồng và 661 triệu USD, trong đó có 60 dự án FDI, đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát triển CN trở thành động lực phát triển kinh tế, Vĩnh Long được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, thể hiện qua chỉ số PCI được duy trì ở nhóm dẫn đầu cả nước. Nếu năm 2016 xếp thứ 6 cả nước và thứ 2 ĐBSCL, thì năm 2019 Vĩnh Long vươn lên vị trí thứ 3 cả nước và thứ 2 ĐBSCL, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh tích cực, năng động của tỉnh trong mắt nhà đầu tư, đối tác.

Ưu tiên phát triển ngành có lợi thế

Trước yêu cầu CN hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế thế giới, đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đưa ngành CN có vị trí và đóng góp xứng đáng trong khu vực. Tốc độ giá trị sản xuất giai đoạn 2021- 2025 dự kiến sẽ đạt tăng trưởng từ 11- 12%/năm.

Tỉnh tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu- cụm CN; khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế địa phương để đẩy mạnh phát triển sản xuất CN theo hướng tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Mặt khác, tỉnh sẽ sắp xếp và tổ chức lại sản xuất một số ngành, sản phẩm CN theo hướng đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, bền vững, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ- nhận định: Việt Nam gia nhập CPTPP, EVFTA là những lợi thế bên cạnh hạ tầng tỉnh đang hoàn thiện- nhất là khi năm 2020, cao tốc nối với TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vào sử dụng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ĐT vào tỉnh.

Nhiều chuyên gia nhận định, Vĩnh Long đang trong giai đoạn đầu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển hướng mạnh từ nông nghiệp sang dịch vụ và CN. Vì vậy, bên cạnh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, thì CN chế biến nông sản là hướng đi cần ưu tiên.

Để thu hút thêm nhiều nhà ĐT có năng lực làm “đầu tàu”, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm, nghiên cứu việc tạo lập và xây dựng tốt hơn hình ảnh của địa phương trong mắt nhà ĐT; lựa chọn dự án có trình độ quản trị, công nghệ, có khả năng kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn để khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, qua đó tăng hiệu quả đóng góp của doanh nghiệp đối với nền kinh tế của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh sẽ thường xuyên đổi mới các hình thức quảng bá xúc tiến ĐT; rà soát, điều chỉnh, áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ ĐT để tạo động lực thúc đẩy các dự án sớm triển khai, đi vào hoạt động.

Vĩnh Long xác định, thu hút ĐT phát triển một số ngành, sản phẩm CN hỗ trợ có cơ hội và điều kiện phát triển để tạo nền tảng và gia tăng chuỗi giá trị, nâng cao lợi thế cạnh tranh, từng bước đưa CN phát triển hướng hiện đại. Ngoài ra sẽ thu hút CN công nghệ cao, đặc biệt chú trọng CN hỗ trợ.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH