Sản xuất lúa hữu cơ theo hướng nông nghiệp bền vững

Cập nhật, 07:52, Thứ Sáu, 04/09/2020 (GMT+7)
Thành viên trong Hội đồng Quản trị HTX thường xuyên kiểm tra, giám sát đồng ruộng và hỗ trợ kỹ thuật cho hội viên.
Thành viên trong Hội đồng Quản trị HTX thường xuyên kiểm tra, giám sát đồng ruộng và hỗ trợ kỹ thuật cho hội viên.

Từ khi thành lập, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận đã giúp cho nông dân nơi đây chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ tạo ra sản phẩm lúa an toàn, chất lượng cao, thân thiện với môi trường và tăng lợi nhuận nhiều lần cho người dân.

U.70, U.80 là sáng lập viên HTX

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm), ông Lê Văn Sơn- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận- vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về sự ra đời có một không hai của HTX.

“Còn nhớ lúc ấy, tui cùng ông Nguyễn Văn Xê và Lê Văn Trưởng bàn bạc thấy đa số người dân mình sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, sản phẩm tạo ra tồn dư hóa chất, mất an toàn thực phẩm, môi trường sống bị ô nhiễm, dịch bệnh thì khó kiểm soát. Hơn nữa, ở đây có trên trăm hộ dân làm lúa mà chỉ vài thương lái mua lúa và vài cửa hàng bán phân thuốc.

Khi bán lúa thì bị ép giá, mua phân thuốc thì giá cả và chất lượng không kiểm soát được. Từ những lý do đó, chúng tôi nghĩ là nên có người đại diện cho những hộ này đứng ra bán lúa và mua phân thuốc, đã thôi thúc những người U.70, U.80 như chúng tôi đến UBND xã để xin thành lập HTX”- ông Lê Văn Sơn nhớ lại.

Đây là hướng đi đúng nên được UBND xã Hiếu Thuận tạo điều kiện cho thành lập HTX. Bên cạnh đó, nhờ Liên minh HTX tỉnh giới thiệu, HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận được Nhà máy phân bón hữu cơ Long An cung ứng vật tư và hỗ trợ kỹ thuật. Song song đó, HTX đã liên kết được doanh nghiệp hỗ trợ lúa giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Từ khi thành lập HTX vào 31/7/2019, việc vận động nông dân tham gia HTX cũng gặp nhiều khó khăn vì họ còn tư tưởng ngại sản xuất tập thể, chưa hiểu loại hình HTX hiện nay, bộ máy quản lý HTX chưa được đào tạo bài bản, có lợi gì khi tham gia HTX.

“Mặc dù trong quỹ HTX chưa có đồng nào, nhưng anh em trong hội đồng quản trị tự góp tiền túi bao xe chở mọi người học tập kinh nghiệm cách sản xuất lúa hữu cơ tại Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ, nhằm cho bà con “đến tận nơi, xem tận mắt, sờ tận tay” để họ biết, hiểu và tham gia HTX”- ông Lê Văn Trưởng- Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận- bộc bạch. Nhờ thế mà 24 thành viên HTX đã tin tưởng tham gia sản xuất hữu cơ với diện tích là 20ha, tập trung chủ yếu tại ấp Quang Mỹ.

Tham gia HTX, nông dân hưởng lợi

Ông Lê Văn Sơn- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận- cho biết: “Tham gia vào HTX, cái lợi trước mắt là vật tư rẻ hơn giá thị trường, sản phẩm đầu ra được bao tiêu với giá cao hơn thị trường do HTX đã hợp đồng trước với các công ty. Cái lợi lâu dài là bảo vệ sức khỏe của chính người trực tiếp sản xuất, người tiêu dùng và môi trường tại nơi sản xuất. Ngoài ra, nông dân được hướng dẫn các kỹ thuật khoa học mới để sản xuất lúa hữu cơ mang lại hiệu quả cao”.

Theo ông Lê Văn Trưởng, thời gian sinh trưởng lúa khoảng 90- 95 ngày, trong khoảng thời gian này quá trình sản xuất lúa hữu cơ phải tuân thủ nghiêm các khâu, từ lúc ươn giống, xạ lúa, bón phân, xử lý sâu bệnh... đều hoàn toàn dựa vào các sản phẩm 100% hữu cơ và chế phẩm vi sinh. Tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học hoặc thuốc bảo vệ thực vật nào.

Ông cho biết thêm: “Từ khi sản xuất lúa hữu cơ, nguồn thủy sản tại ruộng tui đã nhiều lên đáng kể. Bên cạnh đó, sau 3 vụ thì số lượng phân hữu cơ bón cho đồng ruộng giảm theo từng vụ từ 75 kg/vụ/công xuống 50 kg/vụ/công mà đất lại tốt lên theo từng vụ. Hơn nữa, cây lúa cứng chắc, không bị đổ ngã, hạn chế được sâu bệnh tấn công”.

Tuy nhiên, bước đầu chuyển đổi sản xuất lúa hữu cơ làm cho giá thành sản xuất cao so sản xuất lúa vô cơ, năng suất chỉ bằng khoảng 80% so với lúa thường, nhưng bù lại giá thành luôn ổn định ở mức khoảng 7.000 đ/kg đối với lúa MS2019 Master-Ruma (MS2019 trắng sữa), 9.000 đ/kg đối với lúa MS2019TT (MS2019 tím than), 100% diện tích đều được bao tiêu sản phẩm. 

Về lợi nhuận, vụ đầu tiên Thu Đông (năm 2019) sản xuất lúa giống hữu cơ năng suất đạt 5 tấn/ha, giá lúa 10.000 đ/kg (5 triệu đồng/công), chi phí 2,365 triệu đồng/công, lợi nhuận là 2,635 triệu đồng/công; vụ 2 Đông Xuân (2019- 2020), sản xuất lúa hàng hóa hữu cơ năng suất 7,5 tấn/ha, giá bán 8.000 đ/kg (6 triệu/công), chi phí 1,99 triệu đồng/công, lợi nhuận là 4,01 triệu đồng/công. Trước những hiệu quả trên, diện tích sản xuất lúa của HTX đã tăng từ 20ha ở vụ 1 tăng lên 50ha ở vụ 3.

Ông Phạm Thành Sang (ấp Quang Mỹ)- hội viên HTX- vui vẻ: “Tôi có 5 công ruộng, lúa làm ra giá cả bấp bên quá. Được UBND xã khuyến khích tham gia HTX có chuỗi liên kết nhà nông- doanh nghiệp không phải lo về giống, phân bón và giá cả. Trước khi xuống giống là biết giá lúa bao nhiêu, giống, phân bón và thuốc men thì được HTX cho ứng trước. Sướng quá, thế là tôi xin vào. Sau 3 vụ, lợi nhuận làm lúa hữu cơ cao nhiều hơn so với sản xuất riêng rẽ”.

Đánh giá hiệu quả về HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận, ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch UBND xã Hiếu Thuận- cho biết: “Chủ trương chuyển từ sản xuất lúa sử dụng phân bón vô cơ sang trồng lúa hữu cơ tăng chất lượng và giá trị hạt gạo là hướng đi rất phù hợp với xu hướng hiện nay.

Bước đầu, HTX đã cho thấy được hiệu quả mang lại, tuy chi phí sản xuất lúa hữu cơ có giá cao nhưng người dân vẫn có lợi nhuận cao hơn so với sản xuất vô cơ khoảng 2,5 lần. Giúp cho xã đạt được tiêu chí số 13 (chỉ chờ công nhận) trong bộ tiêu chí nông thôn mới góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hướng tới, xã có dự kiến mở rộng quy mô HTX ra trong và ngoài địa bàn xã”.

Có thể nói, canh tác theo hướng an toàn hữu cơ là mô hình nông nghiệp bền vững bởi đây là biện pháp canh tác hoàn toàn phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay, đồng thời phải hợp tác liên kết sản xuất lớn thì tình trạng bấp bênh giá lúa và đời sống của người dân mới có thể giải quyết một cách bền vững.

Ông Lê Văn Trưởng- Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận

Để HTX phát triển tốt, các thành viên hội đồng quản trị thống nhất không nhận lương và tiền thu được từ chiết khấu hợp đồng mua phân bón sẽ dùng vào thăm hỏi, hỗ trợ hội viên gặp khó khăn. Thời gian tới, tôi sẽ thí điểm mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá và cất hội quán để làm nơi các hội viên trao đổi kỹ thuật.

 

Bài, ảnh: TẤN TÂN