Để kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế

Cập nhật, 14:46, Thứ Ba, 05/11/2019 (GMT+7)

Theo Ban Kinh tế Trung ương, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ở Việt Nam, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 10-NQ/TW đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và có những đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.

Đầu tư, khai thác chợ là một trong những lĩnh vực có sự tham gia khá hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân.
Đầu tư, khai thác chợ là một trong những lĩnh vực có sự tham gia khá hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân.

Phát triển cả về chất và lượng

Số liệu của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy, số lượng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tăng mạnh từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 năm 2018 và đạt hơn 743.000 DN vào cuối quý I/2019.

Quy mô nhiều DN ngày càng mở rộng, một số DN đạt tổng tài sản đến hàng trăm ngàn tỷ đồng và sử dụng hàng chục ngàn lao động.

Khu vực KTTN đang chiếm khoảng 40% GDP cả nước; tốc độ tăng trưởng của DNTN (không tính loại hình cá thể, hộ gia đình) đạt gần 12% vào năm 2017, cao hơn mức chung của nền kinh tế cùng năm (6,81%); khu vực KTTN và khu vực kinh tế tập thể chiếm 26% giá trị xuất khẩu, 34% giá trị nhập khẩu, đóng góp 32,26% vào ngân sách nhà nước năm 2017 và 38,20% năm 2018, vượt đáng kể so với mức 29,43% của 2016, là năm chưa ban hành nghị quyết.

Ðáng chú ý là nhiều DNTN đang điều chỉnh chiến lược đầu tư, kinh doanh theo hướng bền vững hơn, gắn nhiều hơn với công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua việc thiết lập trường ĐH, viện hay trung tâm nghiên cứu triển khai cũng như hoàn thành được những công trình lớn, phức tạp trong một thời gian tương đối ngắn.

Tuy nhiên, số lượng DNTN có khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp. Phần lớn (97%) DNTN là các DN nhỏ và vừa, với khoảng 70% DN đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng.

Cùng với đó là vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất…

Mặc dù đã có thêm bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng, nhưng khu vực KTTN vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Ðể tận dụng được cơ hội và vượt qua được thách thức, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, khu vực KTTN phải là một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo với năng lực cạnh tranh và tác động lan tỏa cao tới các khu vực kinh tế khác và qua đó tới toàn bộ nền kinh tế.

Ðó phải là một khu vực kinh tế với sự kết hợp hài hòa và hữu cơ giữa các DN nhỏ và vừa với các DN, tập đoàn tư nhân lớn, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh quốc tế; dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng; có tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ khu vực KTTN.

Khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, phát triển nhanh và bền vững với “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” gắn liền với sự phát triển và lớn mạnh của tất cả các khu vực kinh tế, trong đó khu vực KTTN có vai trò là một động lực quan trọng.

Vĩnh Long tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển

 Vĩnh Long hiện đang thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, cũng như tăng cường thu hút, huy động nguồn lực này đóng góp cho phát triển.
Vĩnh Long hiện đang thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, cũng như tăng cường thu hút, huy động nguồn lực này đóng góp cho phát triển.

Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, trong những năm qua, nhất là kể từ năm 2001 và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN”, khu vực này ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi phát triển và đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN từng bước được nâng lên; cơ chế chính sách về KTTN được triển khai kịp thời và mang lại hiệu quả thiết thực.

Cùng với đó, KTTN được khuyến khích và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển. Bình quân hàng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 250 DN mới thành lập với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1.000 tỷ đồng.

DNTN và hộ kinh doanh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò ngày càng tăng trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Hiện chiếm khoảng 50% GRDP, trong đó DNTN chiếm 12,21%, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Phát triển KTTN góp phần nâng cao năng suất lao động trên địa bàn tỉnh và được Vĩnh Long xác định là “một trong những động lực quan trọng để huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội”.

Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, đến nay DNTN và hộ kinh doanh đóng góp khoảng 30% tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh, trong đó vốn của tổ chức, DN chiếm 17,6%.

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho rằng: “Với quan điểm phát triển kinh tế nhanh, sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung cả nước, tỉnh sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại.

Vĩnh Long sẽ không ngừng nỗ lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thu hút, huy động nguồn lực KTTN, tạo động lực thúc đẩy, đóng góp quan trọng nhất vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian tới”.

Tuy nhiên, khu vực KTTN vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Đó là việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển KTTN còn hạn chế, yếu kém.

Hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách khuyến khích tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. KTTN chưa đáp ứng vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của KTTN có xu hướng giảm trong những năm gần đây; quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp…

Để khu vực KTTN trở thành động lực phát triển của nền kinh tế, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để các nhà đầu tư, DNTN thuận lợi, dễ dàng tiếp cận trong nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- cho rằng: Doanh nhân, DN là đội ngũ nòng cốt đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Đối với thách thức cuộc cách mạng “công nghệ mới”, để DN có thể cạnh tranh trong nền kinh tế thay đổi nhanh chóng, các DN phải chủ động đưa tư duy của mình thoát khỏi lối mòn bằng những ý tưởng và trắc ẩn đối với cộng đồng, xã hội. Phải luôn đặt câu hỏi để tự làm mới mình, từ việc tư duy lại các chiến lược, các mô hình kinh doanh cho đến các nghiên cứu đầu tư và phát triển.

Bài, ảnh: LÝ AN