Góc nhìn

Cạnh tranh thị trường bán lẻ

Cập nhật, 14:46, Thứ Ba, 05/11/2019 (GMT+7)

Nhiều tiểu thương buôn bán lâu năm ở chợ vừa lo lắng, vừa cảm thấy khó chịu khi cửa hàng tiện lợi của một tập đoàn lớn “mọc lên” sát bên chợ của mình. Vì sợ rằng cửa hàng kia sẽ phải “chia khách” của mình từ trước tới nay.

Không chỉ một cửa hàng tiện lợi, mà hiện nay trên địa bàn TP Vĩnh Long, các đô thị lớn nhỏ khắp tỉnh đều đã có sự xuất hiện của các cửa hàng tương tự. Với phương thức tiếp cận khách hàng hiện đại, hàng hóa phong phú, cam kết đảm bảo chất lượng với đủ loại thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm…

Các cửa hàng còn chiếm những vị trí mặt tiền đắt địa, khách “mua gì cũng có”, rất tiện lợi và nhanh chóng.

Có vẻ loại hình bán lẻ mới này đang chiếm ưu thế, thậm chí còn “thách thức” các chợ- vốn là loại hình mua bán truyền thống- khi nhiều cửa hàng đặt đối diện hoặc “sát nách” bên chợ!

Điều này cho thấy thị trường bán lẻ đang bước vào một “cuộc chiến” mới. Nhưng thật ra, tiểu thương ở các chợ đã dự báo cuộc chiến này sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra, bởi nhu cầu của khách hàng, người tiêu dùng ngày càng đa dạng.

Chợ truyền thống đã không còn “một mình một chợ”, vì thế cần có những chiến thuật bán hàng mới để “giữ mối” và tăng tính cạnh trạnh với các loại hình bán lẻ hiện đại khác.

Thực tế, loại hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm mà ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long đã, đang xây dựng được xem là hướng đi phù hợp.

Đây là mô hình hướng tới cung cấp sản phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng.

Đồng thời, còn là mong muốn, nguyện vọng của người bán hàng cung cấp những sản phẩm có chất lượng và an toàn đến với khách hàng thân thuộc của mình.

Thị trường bán lẻ đang có sự chuyển động mạnh mẽ, để tiếp tục giữ vững các ưu thế và đặc thù của loại hình mua bán truyền thống, các chợ cũng cần thay đổi tư duy trong bán hàng, cần có sự đầu tư cơ sở vật chất bài bản, khang trang hơn.

AN HƯƠNG