Thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính?

Cập nhật, 06:14, Thứ Bảy, 02/11/2019 (GMT+7)

Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam- Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mới với nhiều quy định mới về hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 2 nước- đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp- và liệu có phải thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính?

Bên lề hội thảo giới thiệu về thị trường Trung Quốc, kinh nghiệm hợp tác và cơ hội kinh doanh, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức hôm 30/10/2019, Báo Vĩnh Long lược ghi ý kiến trao đổi với ông Hồ Tỏa Cẩm- Tham tán Kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Ông Hồ Tỏa Cẩm.
Ông Hồ Tỏa Cẩm.

Yêu cầu an toàn, theo quy chuẩn

Tiềm năng xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc còn rất lớn- đó là chuyện dễ hiểu vì Trung Quốc hiện có 1,4 tỷ người, chỉ dựa vào “nội lực” của đất nước thì không đủ mà phải hợp tác kinh tế thương mại với các nước. Riêng về thịt heo, trái cây… thì tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc còn rất lớn.

Về trái cây, Trung Quốc nhập khẩu 5 triệu tấn/năm. Trong đó, tỷ lệ nhập khẩu trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc những năm gần đây tăng. ĐBSCL là nơi sản xuất các loại nông- thủy sản như các loại trái cây, cá, lúa gạo…

Chúng tôi mong với sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp- PTNT và chính quyền địa phương thì cán bộ kỹ thuật chuyên môn bắt đầu phát triển từ giống cây, rồi đến quá trình sản xuất phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, mong muốn ĐBSCL sẽ xây dựng “kênh” mới hiệu quả hơn để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo tôi, thị trường dễ tính hay khó tính còn tùy theo mức sống để “hợp túi tiền”. Hiện GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt 10.000 USD- mức sống cao thì yêu cầu về hàng hóa sẽ cao hơn. Theo tôi, thị trường Trung Quốc chưa phải khó tính mà yêu cầu theo quy chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hướng đến chính ngạch

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thì quan trọng là cập nhật thông tin, kịp thời nắm quy định của phía Trung Quốc.

Thứ 2, phải trao đổi và biết khả năng của thương lái Trung Quốc. Với những lô hàng lớn, cần phải đến tận nơi. Nếu chưa đủ thông tin, có thể đến Đại sứ quán chúng tôi giúp cung cấp thêm thông tin.

Về phía Trung Quốc, khi có thay đổi về chính sách thì 100% công bố trên mạng. Cho nên, tôi đề nghị các doanh nghiệp nên kịp thời truy cập thông tin mới nắm hết được.

Thứ 2, chính quyền địa phương cũng có người phụ trách chuyên môn nên chủ động tư vấn cho doanh nghiệp. Những thay đổi này thường không đột ngột. Nếu thay đổi lớn thì 2 bên phải trao đổi, thương lượng với nhau.

Quá trình đàm phán có thể kéo dài 2- 3 năm là cần thiết, là quy định. Khi nào Tổng cục Hải quan công bố trên mạng mới là chính thức cho nhập khẩu.

Mà từ đàm phán đến khi công bố mất nhiều năm vì có nhiều khâu, kể cả cử chuyên gia đến tận nơi sản xuất để kiểm tra quá trình sản xuất. Nếu phù hợp quy chuẩn rồi cho ký nghị định thư, mới cho xuất khẩu.

Riêng đối với khoai lang tím của Vĩnh Long, có một điều chắc chắn là người Trung Quốc thích ăn khoai lang tím, từ các nhà hàng nhỏ đến khách sạn 5 sao của Trung Quốc đều có khoai lang tím- phần lớn đều của Việt Nam.

Nhưng về hình thức xuất- nhập khẩu thì 2 bên sẽ phải thống nhất với nhau, xu thế là sau này ngày càng phải qua chính ngạch, tiểu ngạch sẽ ngày càng ít đi. Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngày càng theo chính ngạch. Đây là một xu hướng phát triển để tránh khỏi rủi ro.

TUYẾT HIỀN (lược ghi)