Sản xuất sạch: khó mà không khó

Cập nhật, 04:53, Thứ Sáu, 14/09/2018 (GMT+7)

Thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn là tiêu chí lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Nhưng làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm của cơ sở, doanh nghiệp (DN) mình là “sạch”? Nhiều DN cho rằng, không thể chỉ nói suông cho người tiêu dùng tin mà phải chứng minh bằng thực lực, để người tiêu dùng được “mắt thấy, tai nghe”.

Sản xuất theo hướng sạch hơn giúp cơ sở mở rộng thị trường, được tin dùng hơn.
Sản xuất theo hướng sạch hơn giúp cơ sở mở rộng thị trường, được tin dùng hơn.

Sản xuất sạch có khó không?

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), thời gian qua, để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các cơ sở, DN trên địa bàn tỉnh, ngoài tập huấn nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, trung tâm còn hỗ trợ các cơ sở,

DN ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Ông Lê Thanh Phong- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp- cho hay: Trung tâm không chỉ dừng lại ở khâu hỗ trợ vốn mà còn trong hoạt động tư vấn, giúp cơ sở hạn chế rủi ro khi đổi mới công nghệ.

Theo đó máy móc, thiết bị được khuyến khích đầu tư dựa trên nhu cầu của cơ sở, yêu cầu của thị trường và phải đáp ứng điều kiện quan trọng: máy móc, thiết bị mới;

nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu hoặc giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc tạo ra sản phẩm mới so với máy móc, thiết bị cơ sở sản xuất đang sử dụng; tỷ lệ chi phí năng lượng, nguyên vật liệu sản xuất, chất lượng sản phẩm; trình độ, năng suất lao động.

Theo đó, nhiều cơ sở DN trên địa bàn tỉnh đã chú trọng, quan tâm cải tiến công nghệ sản xuất hơn.

Các hộ tuy sản xuất nhỏ nhưng đã có ý thức về sản xuất sạch để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường.

Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm cũng đã đặt tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm lên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Cụ thể như hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất thương mại Thiên Phú (Phường 8- TP Vĩnh Long), cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chiết rót chai tự động,

không chỉ nâng công suất tăng lên 6- 8 lần so với phương pháp cũ, rút ngắn thời gian sản xuất, mà sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng được nâng lên.

Nhiều cơ sở, DN cho hay, muốn sản xuất sạch hơn, điều quan trọng trước hết là phải thay đổi nhận thức, không thể chỉ sản xuất theo phương pháp truyền thống và không thể làm theo kiểu tâm lý “làm tới đâu hay tới ấy”.

Đã làm kinh doanh, đã sản xuất thì phải không ngừng cải tiến, nâng cao, hoàn thiện sản phẩm để sản phẩm được đi xa hơn và để người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm tốt, an toàn.

Do đó, cải tiến công nghệ theo hướng sạch hơn, đảm bảo chất lượng lẫn vệ sinh thực phẩm là con đường bắt buộc DN chân chính phải làm. Đối với những cơ sở, DN nhỏ, còn thiếu vốn, nhân lực, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế thì sẽ thường cho rằng đây là chuyện khó “bất khả thi”.

Tuy nhiên, cơ sở, DN muốn tồn tại trên thị trường thì phải đi theo xu thế này. “Cơ sở nhỏ thì thay đổi, cải tiến dần dần thì cũng sẽ đạt kết quả, còn nếu không làm thì sẽ chỉ giậm chân tại chỗ”- bà Lưu Kim Phụng- chủ Cơ sở Sản xuất bún- bánh phở Ba Khánh (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho hay như vậy.

Lợi cho DN, lợi cho người tiêu dùng

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc đổi mới công nghệ sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở khác cũng đang có những bước đi đúng đắn trong đầu tư với mục đích sản xuất sạch hơn, để tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng chấp nhận.

Đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến giúp cơ sở tăng năng suất, khả năng cạnh tranh.
Đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến giúp cơ sở tăng năng suất, khả năng cạnh tranh.

Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cũng vừa hỗ trợ cho hộ kinh doanh sản xuất bún- hủ tiếu Sáu Thạnh (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) máy sản xuất bún theo công nghệ sạch.

Ông Trương Nhựt Thạnh- chủ cơ sở- cho biết: Máy sản xuất bún theo công nghệ sạch được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp cơ sở áp dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất bún, rút ngắn 1/3 thời gian sản xuất, sản phẩm đồng đều hơn.

Do xung quanh máy được bao che kín bằng inox nên giúp chống thoát nhiệt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn, giúp cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho người tiêu dùng.

Hiện thị trường tiêu thụ bún của cơ sở chủ yếu là trong tỉnh, còn hủ tiếu thì đã đi được nhiều tỉnh, thành. Cơ sở cũng vừa tiến hành nâng cấp hệ thống sản xuất, nhà xưởng, sắp tới, cơ sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ để hoàn thiện sản phẩm hơn nữa.

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng cho hay, trước đây ít chú trọng đến nơi sản xuất, mà chỉ quan tâm đến giá rẻ, nhưng từ khi nhiều sản phẩm trong tỉnh có nhãn mác, bao bì đàng hoàng, đẹp mắt nên chuyển sang dùng và “ghiền” luôn.

Chị Nguyễn Hồng Loan (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) cho hay: Trước đây, tôi mua bún thường ra chợ mua đại hàng trong sịa tre, nhưng giờ thấy bún có để trong bao bì, có hạn sử dụng hẳn hoi, có nơi sản xuất rõ ràng nên tôi chuyển sang mua bún này cho an tâm”.

Có thể thấy, DN chú trọng sản xuất sạch không chỉ đem lại lợi ích lớn cho DN mà còn giúp người tiêu dùng thêm an tâm, có lòng tin hơn khi chọn sản phẩm.

Ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Khi DN đã có nhận thức về sản xuất sạch hơn, DN đó sẽ có thể mở ra nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn và có thể bán ra với giá cao hơn. Người tiêu dùng cũng có cơ hội tiếp cận thực phẩm an toàn, chất lượng hơn.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN