"Hai sống một chín" - món ăn độc đáo của Bình Định

Cập nhật, 15:35, Thứ Ba, 19/04/2016 (GMT+7)

Đến đất võ Tây Sơn (Bình Định) lần này, khi nói về ẩm thực địa phương, anh bạn cùng đoàn chúng tôi cứ đòi vị chủ nhà giới thiệu về một món ăn mà anh được nghe có cái tên rất lạ là “hai sống một… chết”!

Vị chủ nhà cười to cho biết làm gì có cái món nghe ghê như thế, có chăng là món “hai sống một chín” thôi và nên ra huyện lỵ Phú Phong thưởng thức cho biết.

Thì ra đây là món bánh tráng cuốn mà cái tên của nó xuất phát từ ba cái bánh tráng dùng để cuốn các thức ăn khác bên trong, trong đó có hai cái bánh tráng sống (hai sống) nhúng nước và một cái bánh tráng đã nướng chín (một chín) được thấm nước một mặt cho mềm.

Khi làm cuốn bánh, hai cái bánh tráng sống được xếp chồng nối nhau trên một chiếc mâm nhỏ, cái bánh tráng chín được xếp nằm lên trên phần hai cái bánh sống chồng mí lên nhau, đó cũng là nơi sắp xếp các món bên trong cuốn bánh.

Các món này được để trong một cái dĩa đặt bên cạnh gồm rau sống là các loại rau thơm và mấy thanh dưa leo xắt dọc, một quả trứng vịt luộc đã bóc vỏ, các món thịt nướng và mấy miếng tàu hủ chiên.

Thực khách có thể tự phục vụ mình để tạo hưng phấn khi ăn, đầu tiên là dùng một con dao nhỏ chia quả trứng thành từng miếng nhỏ theo chiều dọc rồi tuần tự sắp xếp các món rau đều đặn thành một hàng lên trên cái bánh tráng chín theo như cách cuốn bình thường, sau đó đến món trứng, thịt và tàu hủ chiên, xong xuôi phải hết sức cẩn thận cuốn lại vì lúc đó cuốn bánh đã to bằng… cổ tay và dài hơn gang tay của người lớn!

Nước chấm của món ăn này là nước mắm ngon pha chua ngọt và rất nhiều ớt bằm. Song vẫn chưa đủ mùi vị nếu người ăn thỉnh thoảng không đưa thêm vào miếng ăn trong miệng một tép tỏi nhỏ hay một đoạn ớt hiểm xanh lúc nào cũng có sẵn trên bàn.

Cầm trên tay cuốn bánh to đầy ấn tượng, nếu là người lần đầu được thưởng thức món ăn này chắc chắn bạn sẽ rất khó quên cái giây phút khi cố cắn một miếng rõ to vào đầu cuốn bánh sau khi đã chấm vào nước chấm rồi chậm rãi nhai.

Vị đầu tiên đến với đầu lưỡi bạn là vị cay nồng đầy thích thú rồi đến vị béo của trứng, ngọt của thịt và các mùi thơm lừng của rau pha trộn với vị bùi bùi và cảm giác dai dai của bánh tráng.

Nếu muốn thì kế đó bạn có thể tợp một hớp rượu Bàu Đá hay rượu nấu bằng đậu xanh luôn có sẵn trong quán- những loại rượu nổi tiếng của đất Bình Định- rồi khè một tiếng. Thiệt hết ý!

Nguồn gốc của món ăn này chưa được ai tìm hiểu kỹ, các người lớn tuổi ở địa phương nói rằng nó có từ rất xa xưa có lẽ không lâu sau khi loại bánh tráng gạo độc đáo của vùng này ra đời thời anh em nhà Tây Sơn dấy binh.

Ngày nay, món “Hai sống một chín” đã vượt ra khỏi ranh giới của huyện Tây Sơn, có ở nhiều nơi khác của tỉnh Bình Định, nó cuốn hút du khách bởi sự tò mò từ cái tên lạ lẫm đó. Cách chế biến món ăn này ở mỗi nơi có cải tiến một ít ở các món bên trong, đặc biệt là thịt nướng, nơi thì dùng thịt bò hoặc thịt heo hay thay vào đó là xâu nem nướng, nem chua nướng, chả lụa, chả ram còn nóng,…

Nước mắm chấm cũng góp phần quyết định chất lượng của món ăn, có nơi người chế biến còn thêm vào đó đậu phộng giã nhỏ để tăng hương vị cho món ăn. Nhưng dù có cải tiến gì thì khi được cầm cuốn bánh tráng to đến lạ lùng trong tay và thưởng thức nó bạn đều cảm nhận được cái cảm giác thích thú là lạ không lẫn vào đâu được...

Ông chủ quán chúng tôi ghé qua ngày hôm đó cho biết, đây là món bình dân- giá từ 20- 30 ngàn đồng mỗi cuốn- dùng rất phổ biến ở Bình Định vào buổi sáng sớm như một món lót lòng cho một ngày mới.

Khi thưởng thức, khách có thể tự phục vụ hay nhờ nhân viên của quán cuốn bánh dùm. Các bạn nữ có thể đề nghị cuốn bánh chỉ còn “một sống một chín”, tức bánh tráng sống được bớt đi một chiếc cho cuốn bánh nhỏ hơn vừa dễ ăn vừa tránh ăn không hết!

Ông chủ quán cũng cho biết, hồi xưa cuốn bánh rất to và dài gần hai gang tay, một cuốn bánh như thế đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho một buổi lao động nặng nhọc trên đồng hay khi luyện võ.

Vì cuốn bánh quá to nên khi ăn các cụ phải thực hiện thủ pháp “tả, hữu, tề”, tức cắn bên trái một miếng (tả), xong mới cắn bên phải một miếng (hữu), dù vậy lúc này đầu cuốn bánh vẫn còn là một mũi nhọn, vậy thì việc kế đó là phải “tề” cụt nó bằng một miếng cắn nữa trước khi bắt đầu ăn phần kế tiếp cũng tương tự như thế.

HỒNG VÂN