Theo gương Bác, làm điều hay

Kỳ cuối: Khi dân vận khéo...

Cập nhật, 07:56, Thứ Sáu, 24/05/2013 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Khơi sức dân
>> Kỳ 2: Không để học viên gian nan... tìm việc!

>> Kỳ 3: Nguồn vốn nghĩa tình


Qua công tác dân vận, các hộ gia đình đã có ý thức tự đào hố rác bảo vệ môi trường.

Bác Hồ nói: Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công! Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, phong trào “Dân vận khéo” được các cấp, ngành, địa phương quan tâm và từng bước đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa lớn. Chúng tôi có dịp về xã Mỹ Lộc (Tam Bình) nghe kể chuyện làm “dân vận khéo”.

Cùng làm… dân vận

Sống bằng nghề nông nên ông Nguyễn Văn Hùng không khỏi trăn trở làm thế nào để bà con nông dân tăng thu nhập trên mảnh ruộng của mình.

Theo ông, “sản xuất lúa truyền thống mang lại lợi nhuận không cao”, vì thế khi được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông nghĩ ngay đến việc vận động tổ viên sản xuất lúa theo hướng bền vững, đồng loạt kiểu cánh đồng mẫu và tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân.

Nói là làm! Ông cùng chính quyền địa phương bắt tay vào việc tuyên truyền, sắp xếp chỗ nơi học tập, vận động tổ viên tham gia lớp và cái sân nhà ông không biết từ bao giờ cũng đã trở thành điểm mở lớp tập huấn. Công sức của ông rồi được “đền bù” khi 41 tổ viên trong tổ hợp tác tham gia, với 25ha được sản xuất cùng một loại giống, áp dụng sạ hàng 100% diện tích.

Ông nhớ lại: “Lúc đầu, bà con mình đâu có tham gia hết, một vài hộ vẫn sản xuất riêng lẻ vì không biết hiệu quả thế nào. Nói được thì phải làm được. Sau một vụ thấy cái gì cũng thuận lợi: nào là năng suất lúa đạt gấp đôi, nào là có máy móc nông nghiệp hỗ trợ, lại có sẵn đầu ra… Bà con mừng lắm, xin vô hết”.

Ấp 10 (xã Mỹ Lộc) chọn mô hình vận động nhân dân hiến đất làm đường và xây dựng ấp đạt nông thôn mới làm phần việc “Dân vận khéo”.
 
Để nhân dân hiểu về chủ trương, Đảng ủy, Khối vận xã Mỹ Lộc đã cử các đồng chí là đảng ủy viên cùng cấp ủy chi bộ, tổ nhân dân tự quản và các đoàn thể tập trung công tác tuyên truyền vận động và xem quy chế dân chủ là “chìa khóa” vạn năng để thực hiện có hiệu quả trong việc vận động nhân dân.

Đồng chí Lý Thường Kiệt- Bí thư kiêm trưởng ấp cho biết: “Cứ phát động đến đâu, bà con nào chịu là đăng ký bằng phiếu liền cho “chắc ăn”. Những hộ nào chưa chịu thì vẫn trì chí vận động, thuyết phục, nói riết đến khi nào bà con… chịu mới thôi”. Kết quả địa phương vận động 125 hộ dân đóng góp 50.000m2 đất và cây trồng để xây dựng giao thông số tiền trên 1,4 tỷ đồng.

Rất ít nói về mình nhưng những việc mà chú Hùng hay đồng chí Bí thư Chi bộ Ấp 10 làm được đã là một minh chứng.

Phải có quyết tâm

Sau khi tiếp thu kế hoạch tiếp tục phát động thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xã Mỹ Lộc thành lập BCĐ phong trào, tổ chức triển khai tuyên truyền ra đoàn viên, hội viên và nhân dân đã nhận được sự quan tâm ủng hộ rất lớn. Chính quyền, đoàn thể từ xã đến ấp đều xem phong trào là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động hàng năm.

Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã được xây dựng và phát huy tác dụng gắn với chức năng nhiệm vụ của MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, được bà con hưởng ứng như: vận động xây dựng hố rác bảo vệ môi trường; vận động tổ viên sản xuất lúa theo hướng bền vững, vận động hiến máu tự nguyện…

Nói thì nghe đơn giản lắm nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì không phải mọi việc và không phải lúc nào cũng “êm xuôi” vì “người vầy, người khác”. Chuyện ấp hiến đất làm đường thôi mà ở ấp có người chịu, người không. Nói như ông Lý Thường Kiệt- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ấp 10 thì “khó thì càng phải có quyết tâm”.
 
Để dân đồng lòng hiến đất làm đường, đồng chí Bí thư kiêm Trưởng ấp cùng các thành viên trong tổ vận động nhau tăng cường xuống cơ sở, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh từng hộ gia đình, phân tích lợi ích của công trình cho bà con hiểu mà góp sức cùng địa phương. “Có trường hợp đi tới, đi lui đến… chai mặt. Rất mừng là cuối cùng bà con cũng đồng ý”- đồng chí nói.

Bài học rút ra từ sự thành công trong công tác vận động nhân dân ở Mỹ Lộc đó là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền với phương châm vận động cán bộ, đảng viên làm trước, quần chúng nhân dân làm sau theo phương châm “Trì chí, không bỏ cuộc” và “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc- Nguyễn Văn Diệu cho biết, qua từng năm, phong trào được phát triển và nhân rộng, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân hiểu và tham gia

. Cái thuận lợi ở địa phương là nhận được sự ủng hộ đầy tâm huyết của các cán bộ, hội viên. Từ đó, nhiều mô hình mới, sáng tạo đã được phát động thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng giao thông nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

Kết quả này không chỉ là sự phối hợp của từng cá nhân mà là của cả hệ thống chính trị. Trong đó, không thể thiếu sự nhiệt tình, tâm huyết và năng nổ của các cán bộ đi đầu trong vận động. Dân vận khéo ở Mỹ Lộc là thế!

Có thể nói, sau 2 năm thực hiện, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tác động trực tiếp vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hiện việc thực hiện Chỉ thị 03 dần đi vào nề nếp, thiết thực và tránh được bệnh hình thức. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã dần dần trở thành công việc làm thường xuyên trong các cơ quan, đơn vị. Nhiều nơi đã nỗ lực chủ động, sáng tạo, tìm tòi những cách thức tổ chức phù hợp, cụ thể hóa các nội dung nêu trong chỉ thị theo chức trách, nhiệm vụ và đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị...

Trong buổi sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 03 trên địa bàn tỉnh, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng:

Thông qua việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có sự chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Ngày nay, việc học tập đã trở thành việc làm thường xuyên gắn với công việc và đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhiều tập thể và cá nhân.

Trong năm 2013, Tỉnh ủy tiếp tục phát động việc học tập và làm theo tấm gương của Bác theo chủ đề năm 2013: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”.

Bài, ảnh: NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG