Nguyện vọng và tình cảm của Đảng cùng mọi người dân yêu nước

Cập nhật, 14:11, Thứ Năm, 24/05/2012 (GMT+7)


Học Bác, cán bộ, đảng viên phải gần gũi, sâu sát với dân, hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân. Trong ảnh: Cán bộ, đảng viên xã Trà Côn (Trà Ôn) xuống cơ sở. Ảnh: XUÂN HÒA (Trà Ôn)

Ngày 14/5/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các cấp ủy Đảng, các ngành, địa phương từ Trung ương đến cơ sở đã khẩn trương triển khai thực hiện và qua một năm, Trung ương đánh giá “đạt được những kết quả quan trọng”.

Chuyển biến tốt...

Sau 4 năm thực hiện, từ “cuộc vận động” đã chuyển sang “tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, khẳng định việc học và làm theo tấm gương của Bác giờ đã trở thành thường xuyên của mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị và của mỗi người. Thực tế, năm 2011- từ khi thực hiện Chỉ thị 03- nhiều nơi đã có những cách làm rất riêng, rất sáng tạo, phù hợp với điều kiện của ngành, địa phương để thực hiện chỉ thị như: xây dựng chuyên đề cụ thể cho từng tháng để đưa vào sinh hoạt chi bộ; liên hệ với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm ở địa phương, cơ quan, đơn vị; chọn điểm để chỉ đạo, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng; bám sát từng đối tượng để có cách thực hiện chỉ thị phù hợp; mở diễn đàn đối thoại với nhân dân để lắng nghe tiếng nói và thẩm định niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện chỉ thị; phát hành sổ tay, nhật ký làm theo Bác cho cán bộ, đảng viên; thông qua tiếp xúc cử tri để lựa chọn vấn đề tập trung giải quyết... Có nơi lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đề ra kế hoạch, phân công trách nhiệm, xác định thời gian, tập trung chỉ đạo khắc phục và kết quả bước đầu có những nơi giải quyết dứt điểm một số vụ việc tồn đọng kéo dài, đem lại kết quả cụ thể, tạo sự phấn khởi, tin tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Cấp ủy các cấp tích cực chỉ đạo rà soát, bổ sung và hướng dẫn thực hiện những chuẩn mực đạo đức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình thực tế của tổ chức Đảng, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; có nơi xây dựng thành các khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thực hiện, khắc phục thái độ vô cảm, xa dân; hạn chế tiêu cực; góp phần rèn luyện nhân cách, tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, ý thức học tập, tinh thần đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của các địa phương,
đơn vị.

Học Bác từ những điều cụ thể

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi chúng ta và các thế hệ mai sau là phải mãi mãi giữ gìn, bảo vệ, kế thừa và phát huy một cách tốt đẹp nhất những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta ngày càng tươi đẹp, để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất cần thiết, không chỉ là yêu cầu của cách mạng, mà còn là tình cảm, nguyện vọng của nhân dân ta, của Đảng ta và mọi người Việt Nam yêu nước.

Tổng Bí thư nêu rõ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gồm những nội dung gì, học tập và làm theo như thế nào, vai trò của các cấp ủy, tổ chức Đảng ra sao. Đồng chí đã nhấn mạnh có rất nhiều điều cần học, nên học, phải học. Học Bác, là phải giữ gìn phẩm chất chính trị, kiên định lý tưởng cách mạng, con đường cách mạng, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tinh thần lạc quan tin tưởng, phẩm chất kiên cường bất khuất “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Học Bác, là học về đạo đức cách mạng trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, học về tư cách người cách mạng, đặc biệt là đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân- kẻ thù ở trong mỗi con người, đấu tranh với cái ác, nâng cái thiện lên để giảm cái ác đi. Học Bác, là học phong cách, lối sống giản dị, khiêm tốn, thanh bạch, gần dân, không quan liêu, quan cách, từ ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc, xuống với dân thì thế nào. Học tập, làm theo Bác thì có rất nhiều việc để học, học ngay trong cách học, trong thái độ đối với việc học, trong cách nói, cách viết, cách làm, cách ăn, ở, đối nhân xử thế, cách ngoại giao của Bác...

Để bảo đảm việc thực hiện Chỉ thị 03 ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, cần có nhiều điều kiện. Vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn là rất quan trọng. Cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh lên một bước việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị thông qua các chương trình kế hoạch hành động cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; qua các phong trào thi đua thiết thực, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt, dùng cái tốt để dẹp cái xấu.

Việc thực hiện chỉ thị này ở Vĩnh Long được ghi nhận bằng những nỗ lực tích cực. Cấp ủy các cấp xác định việc học tập và làm theo gương Bác là việc làm thường xuyên liên tục, lâu dài và phải gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân trên tinh thần mặt được thì tiếp tục phát huy, mặt hạn chế thì khắc phục để làm thế nào đưa việc học tập đi vào chiều sâu, tạo sự mạnh mẽ về chất trong từng cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và quần chúng nhân dân.

HỒ VĂN