Suy nghĩ về giá bán nông phẩm sạch

Cập nhật, 14:10, Thứ Ba, 08/11/2016 (GMT+7)

Theo nhiều chuyên gia, một nông phẩm sạch được coi có cơ hội phát triển phải hội đủ 3 yếu tố: trước hết là nó đạt các tiêu chuẩn sạch theo quy định, thứ hai phải đạt yêu cầu năng suất và chất lượng cao, cuối cùng là phải có giá thành hợp lý.

Trên thực tế sản xuất, 3 yếu tố này phải bổ sung cho nhau thì nông sản đó mới có thể được người tiêu dùng chấp nhận.

Vừa qua, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ có thí điểm các hệ thống bán lẻ, chợ phiên cuối tuần bán nông sản sạch. Tuy nhiên qua báo chí cho thấy, các hệ thống này phần lớn chưa đạt yêu cầu như mong muốn và có vẻ đang teo tóp.

Ở tỉnh nhà, ngành nông nghiệp có nhiều cố gắng trong phát triển các vùng trồng rau sạch, các vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, mặc dù nhu cầu thực phẩm sạch của xã hội rõ ràng là lớn.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo người viết có 2 nguyên nhân chính: một là nông sản sạch chưa phong phú về chủng loại nên không đáp ứng theo nhu cầu thị trường và hệ thống phân phối quá thưa, chưa tạo được uy tín và thuận tiện cho người tiêu dùng.

Thứ hai là giá bán của người sản xuất còn cao, thậm chí khá cao so với giá nông phẩm cùng loại bình thường bán ở các chợ nên kén người tiêu dùng, sản phẩm khó tiêu thụ nên theo quy luật cung cầu buộc giá phải kéo xuống khiến người sản xuất nản lòng vì không lời, do giá thành sản xuất sản phẩm sạch còn cao.

Ngành y tế và hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng có cố gắng mở rộng tuyên truyền về lợi ích của thực phẩm sạch, trong đó có nông phẩm và họ khuyên mọi người nên là người tiêu dùng thông thái. Rõ ràng lợi ích của thực phẩm sạch cũng như cái hại của thực phẩm không sạch cho sức khỏe người dùng trên lý thuyết đã quá rõ, nhiều người biết.

Có điều trên thực tế thị trường cạnh tranh hiện nay thì sản phẩm sạch và không sạch rất khó phân biệt, nên làm người “thông thái” không dễ.

Các cửa hàng thực phẩm sạch đều mới mẻ và uy tín chưa đủ cao, hơn nữa tác hại của thực phẩm chưa đảm bảo sạch trên sức khỏe người dùng- tức sản phẩm bán bình thường ở các chợ- còn là vấn đề… lâu dài và hoàn toàn thuộc phạm vi nghi vấn!

Các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo các nhà nông nên sản xuất nông sản sạch có giá cả hợp lý, nhưng thế nào là hợp lý?

Một lần người viết đã cùng bà xã đi khá xa mới đến một cửa hàng được báo chí giới thiệu là cửa hàng bán thực phẩm sạch (để có thể so sánh với giá bán sản phẩm cùng loại ngoài chợ tại thời điểm).

Có thể nhận thấy đầu tiên là cách trình bày các sản phẩm rất bắt mắt, nhân viên phục vụ vui vẻ, nhưng cái quan trọng là trên kệ bán các loại trái cây, rau củ thì rất ít, không có nhiều loại chúng tôi muốn mua mà giá thì khá cao so với rau củ cùng loại ở chợ.

Còn thực phẩm chế biến công nghiệp hay tiểu thủ công nghiệp từ nông phẩm đều có giá bán cao hơn các tiệm tạp hóa ở chợ thường là 10%, thậm chí có món cao hơn tỷ lệ đó nhiều.

Chúng tôi rời cửa hàng đó với cái giỏ xách trống rỗng và ngờ ngợ chẳng lẽ chỉ vì cái niềm tin là sản phẩm mình cầm trên tay tại đó là sạch thì người tiêu dùng phải trả với cái giá cao đó sao?

Đi vào các cửa hàng như thế, người viết cũng thấy có người mua, tức có người chấp nhận giá cao vì sức khỏe các thành viên trong gia đình mình, nhưng rõ là các vị khách như thế không nhiều, nhưng liệu trong số họ có trở lại khi biết rằng một gói bột chiên được chế biến công nghiệp cùng nhãn hiệu và cùng trọng lượng họ phải trả cao hơn 30% so với mua tại một tiệm tạp hóa ở chợ như chúng tôi thấy ở cửa hàng trên?

Có lần người viết đọc trên một tờ báo rằng một ký thịt heo hữu cơ có giá cao gần 4 lần giá thịt heo thông thường, trong khi mức sống của đa số người trong xã hội ta hiện nay chưa cao thì có bao nhiêu người chấp nhận cái giá đó?

Vì vậy, là người tiêu dùng, tôi nghĩ nhà nông hay nhà chế biến nông sản nên chăng cần có suy nghĩ và cách làm khác khi chọn hướng phát triển của mình là sản xuất nông sản sạch hay sản phẩm chế biến từ nông sản sạch, để có thể làm ra sản phẩm có cái giá chấp nhận được so với sản phẩm thông thường ở chợ.

Nên chăng trước hết người sản xuất, người chế biến phải tập chấp nhận lời ít nhưng chắc chắn và lâu dài để mở ra hướng phát triển- nhất là phải kiên trì tìm cách tạo niềm tin và thói quen cho người tiêu dùng.

Có thể đơn cử một thí dụ: hiện nay trên thị trường giá một ký thịt gà thả vườn sạch thường gấp đôi giá thịt gà công nghiệp, nếu người nuôi gà thả vườn tạo được uy tín và có giá mềm hơn so với hiện tại thì có lẽ không cần phải lo đầu ra.

Tại hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng do Bộ Nông nghiệp- PTNT tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 11/8 vừa qua, các chuyên gia đều nhất trí cao là nhà nông nhất thiết phải ứng dụng khoa học kỹ thuật và biết liên kết trong sản xuất nông nghiệp thì mới có lời!

NGUYỄN THANH NGA