Mùa nắng- đề phòng bệnh dại

Cập nhật, 19:42, Thứ Sáu, 06/05/2016 (GMT+7)

Gia đình anh Phan Văn Thiên có nuôi con chó cái đẻ 4 con. Trong thời gian nuôi giữ con, chó mẹ rất hung dữ, tấn công bất cứ người hay thú vật đến gần ổ và con của nó.

Và nó đã tấn công cháu Phan Thiên Tính (9 tuổi)- con anh Thiên- khi cháu đến bắt chó con chơi. Hai người bạn của anh Thiên tới nhà anh chơi cũng bị chó mẹ cắn. Dù con chó mẹ khỏe mạnh nhưng anh Thiên vẫn tốn khá nhiều tiền chích thuốc ngừa dại cho 3 người.

Thời gian qua, nắng nóng lên đến 37- 38 0C, không khí oi bức ngột ngạt làm phát sinh nhiều thứ bệnh cho cả người và thú vật, trong đó có bệnh dại. Đây là căn bệnh do vi rút dại (rabies virus) gây nên.

Bệnh thuộc loại truyền nhiễm cấp tính cho hệ thần kinh trung ương, nếu không chích ngừa hoặc chích không kịp thời sau khi bị thú mắc bệnh dại cắn sẽ dẫn đến tử vong.

Bệnh lây truyền chủ yếu từ thú vật mắc bệnh dại, theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, ở nước ta, chó dại là tác nhân gây bệnh nhiều nhất, chiếm đến 96- 97%, mèo dại chiếm 3- 4%, các loài thú khác thì chưa thấy.

Mùa nắng là mùa của chó dại. Nhân dân ta lại có thói quen nuôi chó thả rong, không khớp mỏ mà cũng không chích thuốc ngừa dại cho chó.

Các cơ quan chuyên môn như thú y, phòng dịch cũng ít khi mở chiến dịch chích ngừa nên nguy cơ chó mắc bệnh dại và lây truyền sang người rất cao.

Những kiến thức cơ bản sơ đẳng về triệu chứng và biểu hiện mắc bệnh dại của chó cũng không được tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho nhân dân nhận biết đề phòng.

Khi chó mắc bệnh dại, chúng có nhiều triệu chứng và biểu hiện ra ngoài rất dễ nhận thấy. Đó là, mới đầu còn nhẹ thì hay trốn vào chỗ tối, sủa vu vơ, tru lên từng hồi, thân thiện vồn vã thái quá với chủ, phản ứng mạnh khi bị kích thích. Về sau nặng hơn thì bỏ ăn, mắt đỏ, khát nước nhưng uống rất khó, chảy nước dãi, sùi bọt mép, chạy rong và tấn công người cùng thú vật.

Nguy hiểm nhất là lúc này, chó dại không chỉ cắn người lạ mà cắn cả chủ nhà, cắn chó khác khiến những con chó đó bị nhiễm bệnh tạo nên sự lây lan nhanh trên diện rộng. Ngoài ra, chó còn có thể lây bệnh dại qua người bằng nước dãi khi nó liếm vào các vết thương hở.

Theo các bác sĩ, khi bị chó dại cắn mọi người nên sơ cứu bằng 4 phương pháp sau, trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị, chích ngừa:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn.

- Bôi cồn iod sát khuẩn.

- Không ràng buộc hay khâu lại vết thương.

- Gây tê tại vết thương để ngăn cản sự phát triển của vi rút.

Ngoài việc gây ra bệnh dại, chó thả rong còn hay cắn người và gây ra tai nạn giao thông. Đã có không ít người bị chó cắn và đi xe máy đụng phải chó bị thương vong.

Khi sự cố xảy ra, một số người tỏ ra ích kỷ, không nhận mình là chủ chó, không chịu trách nhiệm với nạn nhân, còn khi bắt được những tên trộm chó thì xúm nhau đánh đập chúng rất dã man!

Để hạn chế tối đa bệnh dại do chó gây ra, đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên chích ngừa cho chó. Tuyên truyền phổ biến rộng rãi những kiến thức cơ bản về triệu chứng, biểu hiện của chó khi chúng mắc bệnh dại cho nhân dân nhận biết đề phòng.

Đề nghị bà con nhân dân đưa chó đi chích ngừa bệnh dại theo đúng định kỳ, không thả rong chó, nếu thả rong phải khớp mỏ. Khi chó cắn người hoặc gây tai nạn giao thông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với nạn nhân và pháp luật.

TRƯƠNG HOÀNG MINH