Không thể bỏ môn Lịch sử

Cập nhật, 07:55, Thứ Năm, 19/11/2015 (GMT+7)

Việc Bộ GD- ĐT định để môn Lịch sử tích hợp với các môn Giáo dục công dân, An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân và Tổ quốc đã khiến cho nhiều người choáng. Hầu như là dư luận đều không đồng tình. Phải nói là dự định này của Bộ GD- ĐT hết sức táo bạo, không lường trước được hậu quả.

Nếu như nói đến khoa học, người ta thường hướng về tương lai, khám phá những điều mới mẻ, phục vụ cho cuộc sống. Trong khi đó lịch sử là quay về quá khứ. Nó bao quát tất cả những môn học khác, như là để nhắc về quá khứ, để cho chúng ta nhớ, tri ân, hiểu thêm về nguồn cội của mình.

Vì vậy nghiễm nhiên lịch sử không còn là một môn học thuần túy mà là một hệ thống, cần được xây dựng, tôn tạo, duy trì sao cho hợp lý. Trên các trang mạng xã hội hay những diễn đàn báo điện tử, rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự thất vọng về việc cải cách thụt lùi của Bộ GD- ĐT cũng như phản đối cái dự định “kỳ cục” như thế này.

Ai cũng cho rằng lịch sử xứng đáng là một môn học được đặt riêng, không thể gộp chung nhập nhằng, thập cẩm như thế. Ngay cả nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ quan điểm rằng “chim có tổ, người có tông”, vì thế nên để cho môn Lịch sử đứng riêng như từ xưa đến nay vẫn làm thế.

Theo các chuyên gia giáo dục, tại 2 nền giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay là Mỹ và Hà Lan, môn Lịch sử ở tiểu học, THCS, THPT đều là môn độc lập và bắt buộc. Ngoài ra, ở bậc THPT còn có thêm các chuyên đề tự chọn.

Gần hơn là Hàn Quốc, ở lớp 10, Lịch sử là môn độc lập và bắt buộc; lớp 11 và 12, môn Lịch sử Hàn Quốc là môn bắt buộc, Lịch sử thế giới là môn tự chọn. Có nghĩa là càng ở bậc học cao hơn, càng đòi hỏi môn học này phải độc lập và bắt buộc. Trong khi đó, chúng ta lại đang làm ngược lại.

Điều đó cho thấy, môn Lịch sử đóng vai trò quan trọng ở rất nhiều nước trên thế giới, kể cả những cường quốc đứng đầu về kinh tế. Thay vì đem môn Lịch sử gộp với các môn khác thành một môn học mới thì nên giảm tải, cô đọng nội dung để học sinh khỏi phải chán ngán.

Cần đổi mới tư duy dạy môn Lịch sử. Không thể dạy theo kiểu cũ, cứ soạn giáo án rồi lên lớp bắt học sinh chép miệt mài. Phải cho học sinh hiểu, nhớ dai, say mê và duy trì hình ảnh của quá khứ qua việc giảng dạy sinh động.

Để làm được như thế thì nên dạy sử bằng sách giáo khoa kết hợp với máy chiếu, có hình ảnh, bộ phim sinh động để học sinh thích thú hơn là dạy chay. Mặt khác, dành ra ít thời gian cuối tuần cho tiết ngoại khóa để học sinh đi tham quan các khu di tích lịch sử. Nên nhớ, phải vừa học vừa chơi chứ không phải đi để lấy lệ, hợp thức hóa tiết ngoại khóa để giáo viên và cán bộ giáo dục của trường đi du lịch.

Điều mà Bộ GD- ĐT cần làm hiện nay là giảm tải chương trình trong sách lịch sử. Những gì râu ria, không cần thiết nên lược bớt, tập trung vào cái cốt lõi. Như vậy giáo viên mới có thời gian giảng sâu, kỹ hơn cho học sinh hiểu vấn đề chứ không lan man hoặc không đủ thời gian rồi dạy “chạy” cho kịp chương trình học.

Môn Lịch sử là tiếng nói của quá khứ, của ký ức, của gốc rễ văn hóa dân tộc. Mất gốc là mất tất cả. Vì vậy nếu khai tử môn Lịch sử đồng nghĩa với việc vứt bỏ nguồn cội. Hãy để lịch sử khẳng định đẳng cấp của mình thông qua sự sắp xếp chương trình sao cho có khoa học từ Bộ GD- ĐT.

ĐẶNG TRUNG THÀNH