Đờn ca tài tử về đâu?

Cập nhật, 15:31, Thứ Ba, 14/05/2024 (GMT+7)
Truyền lửa.Tranh: THU HƯƠNG
Truyền lửa.Tranh: THU HƯƠNG

Mỗi vùng miền trên đất nước ta có những loại hình nghệ thuật riêng. Từ Bắc vào Nam, có thể điểm qua một số loại hình như: hát then (Cao Bằng), quan họ (Bắc Ninh), ví giặm (Nghệ An, Hà Tĩnh), nhã nhạc cung đình (Thừa Thiên Huế), bài chòi (Quảng Nam, Phú Yên)...

Về miền sông nước Tây Nam Bộ, bên cạnh phong cảnh hữu tình, những nét văn hóa đậm tính sông nước, còn phải kể đến đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ- dòng nhạc dân tộc được UNESCO ghi nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2013.

ĐCTT là loại hình nghệ thuật gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân Nam Bộ. Mặc dù ra đời trong bối cảnh sinh hoạt văn hóa của cư dân vùng sông nước, song bên cạnh tính dân gian, loại hình này còn mang tính bác học bởi nó được sinh thành từ nhã nhạc cung đình Huế sang trọng.

“Đờn ca” nghĩa là vừa đàn (những loại đàn truyền thống: đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, đàn tỳ bà, song loan...), vừa ca; “tài tử” trong cụm từ “văn nhân tài tử”, chỉ những người tài hoa, phong lưu, biết chơi và thưởng thức âm nhạc. Ngày nay, trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, ĐCTT ở Nam Bộ cũng có những thay đổi rõ rệt.

Từ sinh hoạt văn hóa dân gian đến thương mại

Vốn được sinh thành trên những dòng sông chảy giữa ĐBSCL, ĐCTT không thể tách khỏi không gian văn hóa Tây Nam Bộ. Sông nước, đồng bằng, vườn tược xanh um, chiếc áo bà ba, khăn rằn, áo dài, những chiếc ghe lênh đênh trên sông nước... trở thành một phần hồn cốt của ĐCTT.

Ra đời khoảng đầu thế kỷ XX, tính đến nay, ĐCTT đã có bề dày hơn 100 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, loại hình nghệ thuật này đã hoàn thành sứ mệnh cao quý với dân tộc, vừa là nguồn động viên tinh thần cho Nhân dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, vừa phản ánh tâm tư, tình cảm, những khát vọng chân chính của Nhân dân trong từng chặng đường lịch sử.

ĐCTT có mặt trong dịp lễ, Tết, hội hè ở Nam Bộ, hoặc đơn giản chỉ là những buổi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng trong khuôn khổ làng, xã.

Ở đó, những người nghệ sĩ sẽ trình diễn văn nghệ: gảy đàn, thổi sáo, gõ song loan, hát những bản nhạc truyền thống như đảo ngũ cung, lưu thủy trường, tứ đại oán, bình bán chấn, văn thiên tường...; với thang âm giai ngũ cung quen thuộc và đi vào lòng người: hò, xự, xang, xê, cống.

Dù trong không gian thính phòng hay “cây nhà lá vườn”- vốn là kiểu không gian quen thuộc của ĐCTT, thì khi những giai điệu ấy cất lên, người nghe như được sống lại cùng những ký ức Nam Bộ xưa, thâm nhập vào đời sống tâm hồn và hiểu được cái tình của con người Nam Bộ.

Và vì đó là tài sản chung của dân tộc nên người thưởng thức không phải bỏ ra bất cứ khoản chi phí nào để nghe được ĐCTT Nam Bộ. Người nghệ sĩ trình diễn như thể đó là sứ mệnh, là món quà tinh thần dành tặng cho khách phương xa.

Trước bối cảnh kinh tế thị trường, ĐCTT Nam Bộ cũng có những biến đổi sâu sắc. Từ sinh hoạt dân gian truyền thống, loại hình nghệ thuật này đã được trình diễn dưới hình thức thương mại.

Trong các nhà hát lớn, trên các du thuyền lênh đênh trên sông ở các thành phố lớn vùng Tây Nam Bộ như Cần Thơ- nơi từng là “thủ phủ” của ĐBSCL, du khách phải bỏ ra một khoản phí để mua vé mới có thể nghe được ĐCTT. Du khách cũng có thể nghe ĐCTT tại một số nơi như nhà hàng ẩm thực, các khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, khách sạn... trong khu vực Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, rất hiếm khi du khách tận tai nghe được những nghệ sĩ “gạo cội” trình diễn đúng phong cách ĐCTT truyền thống. Phần lớn, nghệ sĩ trình diễn là những người trẻ có đam mê với loại hình nghệ thuật này, song do nhiều nguyên nhân khách quan mà phần trình diễn của họ cũng không thực sự thỏa lòng người thưởng thức.

Số lượng những làn điệu ĐCTT truyền thống được thể hiện không nhiều, thay vào đó là những bài hát trữ tình hiện đại có nội dung ngợi ca thiên nhiên và con người, phản ánh đời sống tình cảm, tâm hồn của Nhân dân Tây Nam Bộ.

Những nỗ lực phục dựng

Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, nước ta không ngừng du nhập những thể loại âm nhạc mới từ các nước lân cận hoặc phương Tây như hip hop, rap... ĐCTT nói riêng và âm nhạc truyền thống nói chung có xu hướng “lép vế”. Một thực trạng đáng buồn, nhiều người trẻ không còn thiết tha với ĐCTT và cho rằng đó là loại nhạc “sến”, “lỗi thời”, không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại.

Nhận thức được điều đó, nhiều người khát khao nỗ lực phục dựng loại hình nghệ thuật này để nó không bị vắng bóng theo thời gian. Những hình thức phục dựng như trình diễn ĐCTT miễn phí ở những nơi công cộng, điểm du lịch, trong các nhà hát lớn; mở lớp dạy ĐCTT; đưa ĐCTT vào trường học với tư cách là một nội dung đào tạo chính thức hoặc ngoại khóa...

Từ những năm 2014, 2015, CLB ĐCTT đã xuất hiện tại Trường ĐH Cần Thơ. Đến nay, CLB này vẫn sinh hoạt đều đặn, tiếng song loan, đờn kìm... vẫn vang lên trong các nhà học khi đêm về. Từ lớp học này, nhiều sinh viên đã tiếp cận được với ĐCTT, chẳng những am hiểu mà còn tham gia trình diễn ở những dịp quan trọng.

Nghệ thuật truyền thống là một trong những học phần quan trọng của sinh viên Trường ĐH FPT. Tại phân hiệu Cần Thơ, Trường ĐH FPT lựa chọn giảng dạy môn ĐCTT, đạt được nhiều thành công như mong đợi. Năm 2022, Tuần lễ Di sản Văn hóa lần 2 với chủ đề ĐCTT- Cải lương đã diễn ra tại ngôi trường này.

Bạn Lê Đăng Khoa (sinh viên năm 3, Trường ĐH FPT, ngành Truyền thông đa phương tiện) cho biết: “Học phần này đã đưa em đến gần hơn với ĐCTT Nam Bộ, loại hình mà trước đây em không hề hứng thú. Giờ đây em đã biết hát nhạc dân ca Nam Bộ, ĐCTT, dù chưa hay lắm! Mỗi ngày, em càng thấy mình thêm trân quý những di sản tinh thần của ông cha”.

Với tinh thần “tre già, măng mọc”, nghệ sĩ ưu tú Kiều Nga (Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô) đã mở lớp dạy ĐCTT tại Trung tâm Văn hóa quận Ninh Kiều (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Học viên của cô Nga đủ mọi lứa tuổi, nhưng đông đảo nhất vẫn là người trẻ. Đây là “tín hiệu vui”, cho thấy người trẻ hiện nay không quay lưng lại với âm nhạc truyền thống.

Vào những đêm cuối tuần, tại Cầu Tình Yêu (Công viên Ninh Kiều, TP Cần Thơ) thường diễn ra những buổi trình diễn ĐCTT miễn phí. Dự án này do Sở Văn hóa-TT-DL TP Cần Thơ khởi xướng, đến nay đã gặt hái nhiều thành công. Tại đây, chẳng những người địa phương, khách du lịch trong nước được thưởng thức, giao lưu văn nghệ mà du khách nước ngoài cũng có dịp tiếp cận với ĐCTT. Có thể xem, đây là cách thức hữu hiệu góp phần quảng bá ĐCTT, khôi phục lại thời kỳ “hoàng kim” của loại hình nghệ thuật.

Bằng những nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập, mỗi người chúng ta đều có niềm tin rằng: ĐCTT nói riêng, những loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung sẽ không bao giờ vắng bóng trên bước đường phát triển của đất nước.

THS. PHẠM KHÁNH DUY

 

Các tin khác: