Rước họa vì tự ý sử dụng đơn thuốc người khác

Cập nhật, 05:36, Chủ Nhật, 04/10/2020 (GMT+7)

 

Cô gái trẻ L. suýt mất mạng vì tự ý uống thuốc đau lưng của mẹ.
Cô gái trẻ L. suýt mất mạng vì tự ý uống thuốc đau lưng của mẹ.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không dùng lại đơn thuốc cũ, không dùng đơn thuốc của người khác hay cho người khác mượn đơn thuốc của mình, cũng như không tự ý thêm hay bớt thuốc trong đơn. Khi bị bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn khám và có chỉ định điều trị cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bị sốc phản vệ do sử dụng đơn thuốc người khác

Các bác sĩ khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ vừa cấp cứu 2 bệnh nhân (BN) bị sốc phản vệ do sử dụng thuốc không phù hợp, trong đó một trường hợp tự ý dùng thuốc theo toa của người khác.

Nữ bệnh nhân N.T.H.L. (29 tuổi, ở TP Cần Thơ) được gia đình đưa vào BV cấp cứu trong tình trạng lừ đừ, đỏ ngứa toàn thân, tay chân lạnh, huyết áp thấp, thở nhanh co kéo, mặt sưng nề. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ chẩn đoán đây là tình trạng sốc phản vệ do dị ứng thuốc không rõ loại.

Êkip cấp cứu nhanh chóng xử trí theo phác đồ sốc phản vệ, chuyển đến khoa hồi sức tích cực chống độc điều trị tích cực. Sau điều trị theo phác đồ sốc phản vệ, hiện tình trạng BN cải thiện dần, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Theo người nhà BN, do thấy đau lưng, chị L. tự ý lấy thuốc (của mẹ) uống với mục đích giảm đau lưng. Sau khi sử dụng thuốc, da chị L. bị nổi nhiều mẩn đỏ, ngứa… Chị L. tiếp tục mua 2 liều thuốc chống dị ứng uống. Khi mới uống liều thứ nhất khoảng 30 phút, BN bị nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, tím tái được người nhà đưa đi cấp cứu ngay trong đêm.

Trước đó, BV cũng tiếp nhận một nữ BN sốc phản vệ nặng suýt mất mạng. BN nữ 78 tuổi được chuyển đến BV cấp cứu vào 31/8 trong tình trạng hôn mê sâu, bóp bóng qua nội khí quản, mạch nhanh, huyếp áp thấp phải sử dụng thuốc vận mạch, đỏ toàn thân.

BN có nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường tuýp 2- tăng huyết áp- thiếu máu cơ tim. Các bác sĩ nhanh chóng xử trí hồi sức nội khoa tích cực và xử trí theo phác đồ sốc phản vệ cho BN. Hiện, BN tỉnh, tiếp xúc tốt, sức khỏe ổn định.

Rước họa vì tự ý dùng thuốc

BS CKII Dương Thiện Phước- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc BVĐK Trung ương Cần Thơ- cho biết: “Sốc phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm nhất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ hô hấp, tuần hoàn, có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp. Trường hợp BN L. là sốc phản vệ do dùng thuốc, đây là nhóm nguyên nhân rất thường gặp.

Khuyến cáo thêm về an toàn sử dụng thuốc, BS.CK2 Bồ Kim Phương- Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa- Huyết học lâm sàng cho rằng, những sai lầm khi tự ý dùng thuốc là khi bị bệnh, BN thay vì đi khám để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc, một số người đã tự ý chẩn đoán bệnh và mua thuốc tự dùng, đây được gọi là tự ý dùng thuốc.

Thuốc giảm đau khiến người bệnh tưởng đã khỏi nhưng thực ra bệnh vẫn tiến triển và hậu quả không thể lường hết được…

Việc dùng thuốc kháng sinh không đúng có thể gây tình trạng lờn thuốc. Có thuốc dùng lâu ngày sẽ dẫn đến nguy cơ gây loãng xương, cao huyết áp… nhất là các thuốc corticoide dùng để trị đau nhức.

Đã có nhiều trường hợp người bệnh tự ý dùng thuốc, sau đó phải nhập viện, nhẹ thì bị kích ứng da, nổi mẩn da, nặng thì sốt, hôn mê, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

“Người bệnh không nên dùng thuốc bắt chước theo toa kê bệnh của người khác, việc này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người.

Cần nhớ rằng, mỗi cơ thể đều khác nhau, không ai giống ai, cho dù là những người cùng trong một gia đình. Chính vì vậy mà BN phải cần tới sự tư vấn và chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ”- bác sĩ Kim Phương khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng tức thì nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong đột ngột trong vòng một vài phút, sau khi tiếp xúc với nguồn gây phản ứng. Nhiều nguyên nhân gây sốc phản vệ (thuốc, thức ăn, hóa chất, nọc côn trùng), trong đó thuốc là nguyên nhân thường gặp. Tất cả các loại thuốc (kháng sinh, chống viêm giảm đau, giãn cơ, chống co giật, cản quang, gây tê, gây mê...) đều có thể gây sốc phản vệ, nhiều trường hợp đã tử vong. Thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây dị ứng/sốc phản vệ, nguy cơ tăng cao nếu tự sử dụng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN