Chớ xem nhẹ bệnh tăng huyết áp

Cập nhật, 17:35, Thứ Sáu, 24/08/2018 (GMT+7)

Bệnh tăng huyết áp (THA) dễ chẩn đoán, song số người điều trị lại không nhiều. THA là bệnh có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn nhưng số người điều trị đạt được huyết áp đúng mục tiêu lại rất hạn chế.

Và, điều đáng lo ngại, không ít người chủ quan không biết mình mắc bệnh THA, nên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Bệnh nhân khám và điều trị bệnh THA tại Bệnh viện Triều An- Loan Trâm.
Bệnh nhân khám và điều trị bệnh THA tại Bệnh viện Triều An- Loan Trâm.

Bị cao huyết áp, nhưng không hay biết

Anh Nguyễn Phúc Huy (là doanh nhân thành đạt, 34 tuổi), ngoài cường độ làm việc nhiều anh còn gặp gỡ đối tác làm ăn nên thường xuyên uống bia rượu.

Gần đây, anh có biểu hiện đau đầu thường xuyên, dễ nóng giận và uể oải. Cứ nghĩ do áp lực công việc nên anh cố gắng thu xếp thời gian để nghỉ ngơi nhưng chứng đau đầu vẫn dai dẳng, phải dùng thuốc giảm đau.

Song, khi đến bệnh viện khám, sau khi đo huyết áp, anh đã giật mình khi thấy chỉ số huyết áp lên tới 160. Làm thêm một số xét nghiệm khác nữa, bác sĩ đã kết luận anh bị bệnh THA.

Cô Lê Phương Quỳnh (47 tuổi, TX Bình Minh) có bệnh THA từ năm 40 tuổi. Cô tưởng rằng chỉ cần ăn lạt, chăm chỉ uống thuốc, tâm lý thoải mái là yên tâm, ai dè nó chẳng chịu ổn định mà có những lúc tăng vọt lên 180.

“Tháng 3 rồi, đầu cô tự nhiên đau dữ dội, xây xẩm mặt mày và té. May mà chồng con phát hiện đưa tới bệnh viện kịp thời không thì nguy rồi”. Bác sĩ kết luận cô bị cơn THA gây nên nhồi máu não và cũng cảnh báo rằng nếu không mau chóng kiểm soát huyết áp thì có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, THA là khi số huyết áp tối đa (hay còn gọi là tâm thu) lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và huyết áp tối thiểu (hay còn gọi là huyết áp tâm trương) lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.

Theo Bộ Y tế, cả nước có tới 12 triệu người bị THA, tức là cứ 5 người trưởng thành có một người mắc căn bệnh này. Đáng lo ngại, trong số người đang bị THA ở Việt Nam, có tới 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị, cũng như số người bị THA đang trẻ hóa.

Trong khi đó, THA được xem là “sát thủ” thầm lặng khi gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, khiến hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm.

“Hãy biết chỉ số huyết áp của bạn”

Tỷ lệ người bị THA cao trong cộng đồng, nhưng bệnh không gây triệu chứng, biểu hiện gì rõ rệt. Từ đó, nhiều người mắc THA không biết, nên không quan tâm điều trị.

Thực tế, nhiều người bị THA thấy cũng bình thường, cơ thể không có dấu hiệu gì để hình dung ra mình bị THA. Có khi một người nào đó thấy mình nhức đầu, họ sẽ ra tiệm mua thuốc uống cho qua, mà ít hoặc không nghĩ mình có thể đang có triệu chứng của bệnh THA.

Thậm chí, có người đi khám bác sĩ cho toa thuốc uống thấy khỏe rồi không đến tái khám. Sau đó, cơ thể bị hoa mắt, đau đầu, khó chịu có người cầm toa cũ đi mua thuốc thì điều đó rất là nguy hiểm.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Vũ- Phó Giám đốc chuyên môn- Bệnh viện Triều An- Loan Trâm, bệnh THA có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ trong lối sống gây ra, như: dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động hợp lý, hút thuốc và lạm dụng rượu bia; căng thẳng tâm lý; gia đình có cha, mẹ THA, …

Hầu hết người bị THA không có triệu chứng nào cả và thậm chí có thể còn không biết họ bị bệnh này.

Đôi khi bệnh có thể gây ra triệu chứng như đau đầu, thở dốc, chóng mặt, đau ngực, buồn nôn. Và với “cơ chế” lối sống hiện đại hiện nay, nguy cơ THA và trẻ hóa lượng người bệnh THA được coi là đe dọa hàng đầu.

Bệnh THA có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào là một bệnh im lặng (không có triệu chứng nào) nên có thể phòng ngừa và kiểm soát bệnh chỉ khi biết số đo huyết áp của mình.

Để phát hiện THA thì chỉ có 1 cách rất đơn giản là cần đo huyết áp bằng 1 máy đo huyết áp chuẩn, theo đúng hướng dẫn về cách đo huyết áp. Nếu thấy số đo huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90mmHg thì tức là bạn đã bị THA.

Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, hết sức cần thiết và quan trọng. Kiểm soát huyết áp bao gồm chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm stress và uống các thuốc thích hợp theo toa của bác sĩ.

BS Nguyễn Văn Vũ lưu ý các thuốc chữa trị THA chỉ có tác dụng khi được sử dụng thường xuyên mỗi ngày bởi thuốc có vai trò như người gác cổng, không để cho huyết áp của bạn lên cao và gây ra tai biến.

Không nên tự ý ngưng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ. Khi người bệnh tự ngưng điều trị THA thì sẽ bị tái phát huyết áp ở mức như trước khi điều trị hay thậm chí còn cao hơn và đây là thời điểm thường xảy ra các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Việc chung sống hòa bình với căn bệnh THA và điều trị có hiệu quả căn bệnh này không phải là quá khó để thực hiện.

Cái chính là người bệnh có ý thức trong việc chủ động tầm soát huyết áp của bản thân để rồi có sự kiên trì trong điều trị kết hợp với thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh, hợp lý; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá; tập thể dục đều đặn khoảng 30- 60 phút mỗi ngày, để có được hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống lại “kẻ giết người” thầm lặng mang tên THA.

Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, mỗi năm có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch trên thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, bệnh nhân tử vong vì THA và biến chứng của bệnh trên 9 triệu người. Cứ 10 người đột quỵ lần đầu, hết 8 người là THA. Đột quỵ có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân hàng đầu là THA.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN