Chủ động trước kỳ thi THPT quốc gia 2017

Cập nhật, 05:59, Thứ Tư, 12/10/2016 (GMT+7)

Sở GD- ĐT vừa triển khai phương án thi THPT quốc gia 2017 cho các đơn vị trực thuộc, các trường THPT trên địa bàn. Ngoài đánh giá tình hình của phương án thi mới, nhiều trường cho biết đã chủ động hơn để có một kỳ thi tốt…

Các trường chủ động hơn trước kỳ thi để có kết quả cao nhất. Ảnh: TL
Các trường chủ động hơn trước kỳ thi để có kết quả cao nhất. Ảnh: TL

Công bố phương án thi

Theo Bộ GD- ĐT, phương án thi THPT quốc gia 2017, thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm 3 bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp gồm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh hệ giáo dục THPT; Lịch sử, Địa lý với thí sinh hệ giáo dục thường xuyên- GDTX).

Trừ Ngữ văn thi tự luận, 4 bài còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh cùng phòng có mã đề thi riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu này được chấm bằng phần mềm máy tính.

Kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng trên cơ sở xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ nên đề thi sẽ có mức độ phân hóa kiến thức.

Đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 50 phút/môn.

Bài thi Toán có 50 câu trắc nghiệm, làm trong 90 phút; Ngoại ngữ 50 câu thi trong 60 phút. Mỗi câu trắc nghiệm có 4 phương án trả lời, thí sinh chọn một đáp án đúng.

Năm 2017, nội dung đề thi sẽ chủ yếu trong chương trình lớp 12. Năm 2018, nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12; từ năm 2019 trở đi nằm trong chương trình 3 năm THPT.

Thí sinh Giáo dục THPT thi 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội).

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh hệ GDTX thi 3 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 2 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội).

Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, thí sinh có thể thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.

Kết hợp sử dụng kết quả điểm 4 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục THPT) hoặc 3 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh GDTX) với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Chủ động trước kỳ thi

Rút kinh nghiệm từ các năm trước, khi được triển khai phương án thi mới, nhiều trường đã chủ động đề ra kế hoạch dạy và học, nâng cao chất lượng của kỳ thi.

Cô Nguyễn Ngọc Hường- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Thiệt cho biết, nhà trường đã làm công tác tư vấn cho học sinh ngay từ năm lớp 11 và tổ chức xếp lớp vào năm lớp 12.

Hiện nhà trường có 27 em chọn thi khối Khoa học tự nhiên, 203 em chọn thi khối Khoa học xã hội. Đồng thời nhà trường cũng khảo sát, phân hóa năng lực của các em để có kế hoạch ôn tập cụ thể.

“Nhà trường cũng sẽ kết hợp với phụ huynh để có hướng quản lý tốt, hỗ trợ máy tính cầm tay cho các em học sinh khó khăn, nhận đỡ đầu cho một số em…

Từ đó có những giải pháp, kế hoạch ôn tập, kiểm tra ngay từ bây giờ, chứ không chờ đến ngày ôn tập trước kỳ thi”- cô Nguyễn Ngọc Hường cho biết.

Trong khi đó, nhận định đối tượng học sinh có học lực yếu, tinh thần tự học chưa cao nên cần chủ động hơn trong công tác bồi dưỡng, ôn tập.

Cô Trần Thị Lệ Chi- Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp- GDTX TP Vĩnh Long cho biết, năm nay nhiều môn làm bài trắc nghiệm nên phải làm sao để các em phân tích được câu dẫn và chọn đáp án đúng.

Các phương án tổ chức dạy học, ôn tập như các năm trước được duy trì, đặc biệt là tổ chức “nâng kém đặc biệt” cho các em.

Thầy Lý Đại Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết, qua khảo sát hiện tỷ lệ các em chọn thi khối Khoa học xã hội ngang bằng với khối Khoa học tự nhiên, các trường cũng đã chủ động hơn trước phương án thi mới.

“Trong quá trình dạy và học, tổ chức ôn tập, Sở GD- ĐT đề nghị các trường làm tốt để tránh gây hoang mang, áp lực cho các em học sinh. Đồng thời phân bố tiết dạy cho phù hợp, phải xây dựng kế hoạch giảng dạy cho từng môn…”

Thầy Lý Đại Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết, hiện nay cái khó khăn là ngân hàng đề thi chưa có, cần phải có quy trình soạn thảo, kiểm tra đánh giá, do đó cần phối hợp tốt để xây dựng ngân hàng đề.

Bên cạnh đó, thầy Lý Đại Hồng cũng lưu ý, thời gian tới cần tổ chức hội thảo giảng dạy cho từng môn thi. Đồng thời các trường phải tổ chức kiểm tra, đánh giá thường xuyên chứ không đợi đến khi ôn tập thi mới kiểm tra…

™KHÁNH DUY